Ngân hàng

Người dân gửi trên 4,7 triệu tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng, tăng gần 8% trong nửa đầu năm nay

(VNF) - Tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng đều qua các tháng đầu năm, đạt 4,72 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 6/2019. Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế sau quãng thời gian dài suy giảm so với đầu năm, đã phục hồi khá mạnh trong tháng 5 và tháng 6.

Người dân gửi trên 4,7 triệu tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng, tăng gần 8% trong nửa đầu năm nay

Người dân gửi trên 4,7 triệu tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng, tăng gần 8% trong nửa đầu năm nay

Theo cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 6/2019, tổng tiền gửi khách hàng tại các tổ chức tín dụng là trên 8,23 triệu tỷ đồng.

Trong đó, 3,5 triệu tỷ đồng là tiền gửi của các tổ chức kinh tế, tăng 5,01% so với hồi đầu năm; còn lại 4,72 triệu tỷ đồng là tiền gửi dân cư, tăng 7,96%.

Như vậy, tiền gửi dân cư đang áp đảo hơn so với tiền gửi của các tổ chức kinh tế, 57% tổng tiền gửi khách hàng so với 43%.

Đáng chú ý, tiền gửi của các tổ chức kinh tế từ tháng 1/2019 đến tháng 4/2019 đều thấp hơn so với cuối năm 2018. Có lúc giảm tới gần 100.000 tỷ đồng như 2 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã phục hồi rất mạnh trong tháng 5/2019 với mức tăng trong tháng gần 140.000 tỷ đồng, lên mức 3,42 triệu tỷ đồng. Con số này cao hơn thời điểm cuối năm 2018 khoảng 85.000 tỷ đồng.

Sang tháng 6/2019, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tiếp tục tăng thêm 83.000 tỷ đồng.

Trái ngược với biến động thất thường của tiền gửi của các tổ chức kinh tế, tiền gửi dân cư mặc dù quy mô lớn hơn nhưng vẫn đều đặn tăng qua các tháng đầu năm 2019, cho thấy nguồn vốn này rất quan trọng đối với hệ thống ngân hàng.

Việc tiền gửi dân cư tăng đều qua các tháng được phần nào liên quan đến xu hướng gia tăng lãi suất huy động do các ngân hàng thương mại cần đảm bảo đủ nguồn để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh phải cạnh tranh với các kênh đầu từ khác đang phát triển nhanh (trái phiếu, chứng chỉ quỹ…), cùng với đó là nhu cầu gia tăng số dư huy động để đáp ứng lộ trình tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 40% hiện nay xuống 30%.

Trong một diễn biến mới đây, mức lãi suất cao nhất thị trường đã bị đẩy lên trên 10%/năm, phần nào minh chứng cho xu hướng gia tăng lãi suất để huy động nguồn vốn trung và dài hạn.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) vừa thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh cho khách hàng tổ chức và cá nhân với lãi suất từ 9,5% đến 10,2%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 24 đến 60 tháng. 

Trước Viet Capital Bank, mức lãi suất cao nhất thuộc về chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 61 tháng của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 tháng của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank).

Tin mới lên