M&A

'Người cũ' nhận mua cả nghìn tỷ đồng trái phiếu VPBank

Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS đã thực hiện mua vào 2.000 tỷ đồng trái phiếu VPBank trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, VPS từng được biết đến là một trong những công ty con của VPBank song đã được ngân hàng này thoái 89% vốn vào cuối năm 2015.

'Người cũ' nhận mua cả nghìn tỷ đồng trái phiếu VPBank

Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS đã mua vào 2.000 tỷ đồng trái phiếu VPBank trong thời gian gần đây.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - HoSE: VPB) vừa công bố kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ. Theo đó, vào ngày 9/5 và 13/5, VPBank đã thực hiện phát hành thành công 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng.

Đây đều là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn 3 năm. Mức lãi suất được “cố định” ở mức 6,9%/năm.

Trong những đợt phát hành này, CTCP Chứng khoán VPS (VPS) tham gia với vai trò là đại lý phát hành, đại lý đăng ký và lưu ký. Đồng thời, VPS cũng chính là nhà đầu tư đã mua toàn bộ số trái phiếu kể trên của VPBank.

Trước đó, VPS với vai trò tương tự đã thực hiện mua vào nhiều tỷ đồng trái phiếu do VPBank phát hành. Theo dữ liệu được công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), kể từ đầu tháng 4/2019 tới nay, VPS đã mua vào tổng cộng 2.000 tỷ đồng trái phiếu của VPBank với mức lãi suất từ 6,4 - 6,9%/năm.

Được thành lập vào năm 2006, VPS ban đầu có tên gọi là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) do VPBank nắm giữ đa số vốn. Tuy nhiên, tới tháng 12/2015, VPBank đã thực hiện thoái 89% vốn tại VPBS. Mức giá chuyển nhượng và đối tác của thương vụ không được tiết lộ.

Sau khi VPBank thoái vốn, VPBS đã cải thiện đáng kể quy mô vốn điều lệ nhằm phục vụ cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh. Đến cuối năm 2018, VPBS vốn điều lệ của công ty này đã được nâng lên mức 3.500 tỷ đồng, trở thành công ty chứng khoán có quy mô vốn hàng đầu tại Việt Nam.

Cũng trong năm 2018, VPBS đã đổi tên thành CTCP Chứng khoán VPS (VPS) nhằm giúp khách hàng dễ dàng nhận diện, tiếp cận hơn và không bị trùng lắp các ký tự khi phát âm tên viết tắt.

Vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VPS do ông Nguyễn Lâm Dũng đảm nhiệm kể từ đầu năm 2016.

Không chỉ riêng VPS, ông Dũng cũng đảm nhiệm nhiều nhiều vị trí cấp cao tại một số công ty khác như: Chủ tịch Công ty TNHH Lộc Kim Sơn; Chủ tịch Công ty TNHH MTV Công nghệ Trí Tuệ Tài chính và Chủ tịch HĐQT của CTCP Quản lý Quỹ Sài Gòn (Sài Gòn Capital).

Được biết, Trưởng ban kiểm soát của VPS cũng đang do Tổng Giám đốc của Sài Gòn Capital là bà Lê Thị Thu nắm giữ.

Trái phiếu ngân hàng “đắt hàng”

So với trái phiếu nhiều doanh nghiệp chào bán trong thời gian qua, mức lãi suất dành cho trái phiếu của các ngân hàng (bao gồm của VPBank) cũng có phần thấp hơn khá nhiều, nhưng không vì thế mà trở nên kém hấp dẫn.

Ngày 26/4/2019, Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) cũng đã công bố việc phát hành thành công 2.350 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, với mức lãi suất 6,8%/năm. Lô trái phiếu này đã được bán hết cho CTCP Chứng khoán VNDirect và CTCP Chứng khoán SHS.

Tương tự, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng đã phát hành thành công 2.500 tỷ đồng loại hình trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm.

Trái phiếu do ABBank phát hành có kỳ hạn 3 năm, mức lãi suất danh nghĩa năm đầu tiên là 6,5% và sau đó được điều chỉnh mỗi năm 1 lần. Lô trái phiếu này được phân phối cho 4 nhà đầu tư tổ chức trong nước.

Ngoài ra, vào đầu tháng 5/2019 vừa qua, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội cũng là nhà đầu tư duy nhất “ôm trọn” lô trái phiếu giá trị 1.000 tỷ đồng do Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank - Mã CK: LPB) phát hành riêng lẻ. Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn 2 năm, với mức lãi suất cổ định là 6,7%/năm.

Cần phải nhìn nhận rằng, việc các ngân hàng phát hành trái phiếu sẽ giúp các đơn vị này giải quyết được nhu cầu về vốn, cải thiện hệ số an toàn rủi ro. Hoạt động huy động vốn qua trái phiếu còn giúp các ngân hàng cân bằng được nguồn vốn.

Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu cũng cần phải được tính toán kỹ lưỡng nhằm tránh rủi ro về dòng tiền cho ngân hàng khi công cụ tài chính này đến ngày đáo hạn.

Tin mới lên