Tài chính

Ngành xây dựng Việt ảm đạm, lối đi nào cho 'ông lớn' HBC?

(VNF) - HBC hiện đang trong quá trình tái cấu trúc, đồng thời thực hiện các chính sách thu hồi nợ quyết liệt nhằm củng cố tình hình tài chính của công ty. Theo đó, ban lãnh đạo HBC đặt mục tiêu giảm trên 40% khoản phải thu trong các năm tiếp theo.

Ngành xây dựng Việt ảm đạm, lối đi nào cho 'ông lớn' HBC?

Quý II/2019, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) đạt doanh thu thuần 5.324 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 51 tỷ đồn, giảm 68%. Biên lợi nhuận gộp của HBC có sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ còn gần 5,7% (cùng kỳ đạt 8,7%), đây là nguyên nhân chính của việc giảm lợi nhuận.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, HBC đạt doanh thu thuần 9.032 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 172 tỷ đồng, giảm 42%. Biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 7,2% so với cùng kỳ là 9,6%.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), sở dĩ doanh thu HBC tăng nhưng lợi nhuận sau thuế sụt giảm là do giá vật liệu xây dựng tăng và cạnh tranh khốc liệt trong ngành.

"Thị trường xây dựng có xu hướng chậm lại, dòng vốn tín dụng vào thị trường bất động sản bị hạn chế, chi phí nguyên vật liệu và nhân công tăng, cùng các khó khăn trong chính sách pháp lý làm chậm tiến độ triển khai dự án của các chủ đầu tư. Những tác động này lý giải được mức lợi nhuận giảm sút của HBC trong năm 2019", VCBS lý giải thêm.

Tại thời điểm cuối quý II/2019, tài sản ngắn hạn của HBC tăng không đáng kể, đạt 13.553 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu lên đến 11.246 tỷ đồng - chiếm 83% tài sản ngắn hạn và 70% tổng tài sản.

Trong khi đó, các khoản phải thu tăng không đáng kể so với đầu năm đạt 11.246 tỷ đồng - chủ yếu là phải thu khách hàng và phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng. Dự phòng phải thu ngắn hạn giảm không đáng kể còn 389 tỷ đồng. Các dự án khiến HBC phải trích lập dự phòng bao gồm FLC Sầm Sơn, Trung tâm Thương mại Văn phòng Hải Quân, Era Town (Đức Khải)…

Chỉ số vòng quay khoản phải thu giảm từ 1,9 lần xuống còn 1,6 lần trong năm 2019, tương đương vòng quay phải thu là 228 ngày. VCBS đánh giá chỉ số này khá thấp nếu so với đối thủ Coteccons (HoSE: CTD).

Công ty chứng khoán này cho biết thêm, HBC hiện đang trong quá trình tái cấu trúc, đồng thời thực hiện các chính sách thu hồi nợ quyết liệt nhằm củng cố tình hình tài chính của công ty. Theo đó, ban lãnh đạo HBC đặt mục tiêu giảm trên 40% khoản phải thu trong các năm tiếp theo.

Về nợ, nợ phải trả của HBC giảm không đáng kể trong quý II/2019, còn 12.350 tỷ đồng. Trong đó, gần 95% là nợ ngắn hạn, đạt 11.624 tỷ đồng (giảm 5,6%).

"Chúng tôi lưu ý HBC đang có khoản nợ vay ngân hàng khá cao đạt 4.479 tỷ đồng (tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 28% tổng tài sản và và gấp 1,25 lần vốn chủ sở hữu). Với lãi suất trung bình hiện nay, ước tính HBC phải chi trả tiền lãi trên 300 tỷ đồng hàng năm, đây là con số không nhỏ so với quy mô doanh thu/lợi nhuận hiện nay của công ty", VCBS nêu góc nhìn.

Công ty chứng khoán này cho biết thêm, để tăng năng lực tài chính và cải thiện dòng tiền, HBC hiện đang làm việc với các công ty tài chính nhằm chuyển đổi nợ vay ngắn hạn sang nợ vay trung/dài hạn.

Ngoài ra, công ty cũng lên kế hoạch phát hành tăng vốn nhằm cải thiện tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu. 6 tháng vừa qua, công ty đã tăng vốn từ 1.960 tỷ đồng lên 2.308 tỷ đồng. Cụ thể, HBC đã phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu cho Huyndai Evelator Co. Ltd với giá 23.000 đồng/cổ phần, thu về hơn 566 tỷ đồng.

Về triển vọng tương lai, do thị trường bất động sản dân dụng đang có nhiều suy giảm nên kể từ năm 2018, HBC đã phát triển phân khúc mới với tỷ trọng xây lắp mảng công nghiệp đã đóng góp đến 8%.

Hiện nay, HBC đang tham gia đấu thầu các gói thầu đường cao tốc Bắc – Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, cao tốc phía Đông, tuyến đường sắt đô thị Metro 2 tại TP.HCM; các gói thầu khác của Bộ GTVT, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các tỉnh thành: TP.HCM, Hà Nội, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Cần Thơ,…

Ngoài ra, HBC định hướng mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài nhằm đảm bảo tăng trưởng. Hiện nay, HBC đang nhắm đến các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Myanmar, Canada, Mỹ, Australia… Mới đây, doanh nghiệp này vừa hợp tác với Công ty Kỹ thuật và Xây dựng HOT liên doanh tham gia đấu thầu dự án Đại học Kiến trúc Kuwait giá trị 100 triệu KD (tương đương 330 triệu USD).

Bên cạnh mảng xây dựng, mảng bất động sản dự kiến sẽ đem về cho HBC lợi nhuận đáng kể trong giai đoạn 2020 - 2021. Theo đó, Tiến Phát - công ty con của HBC - dự kiến ghi nhận lợi nhuận khoảng 250 tỷ đồng, chủ yếu từ bàn giao các dự án Ascent Plaza (Quận Bình Thạnh), Ascent Garden Homes (Quận 7), Ascent City View (Quận 4).

Tựu chung, trong ngắn hạn cho đến năm 2020, VCBS cho rằng tình hình kinh doanh của HBC sẽ chưa được cải thiện. Mặc dù giá trị hợp đồng ký mới vẫn tăng trưởng, nhưng việc tỷ suất lợi nhuận gộp sụt giảm sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của HBC.

Hiện HBC đang tìm kiếm hướng đi mới tại nước ngoài.

"Mặc dù đây là hướng đi hợp lý trong bối cảnh thị trường xây dựng trong nước ảm đạm, chúng tôi đánh giá hướng đi mới này sẽ cần thêm nhiều thời gian để thực hiện hiệu quả và chưa đem lại lợi nhuận trong thời gian sắp tới", VCBS cho hay.

Năm 2019, VCBS ước tính HBC sẽ đạt doanh thu khoảng 18.300 tỷ đồng, tương đương năm 2018 và lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 595 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với năm 2018.

Tin mới lên