Ngân hàng

Ngành ngân hàng: Chuyện kép chính, chuyện kép phụ

(VNF) – Trong khi các "kép phụ" ngành ngân hàng thảnh thơi và bước đi nhanh hơn với lối đi nhỏ, thì giữa các "kép chính" lại so kè gay gắt với thiệt thòi thuộc về nhóm các NHTM gốc "tư nhân", bởi nhóm các NHTM gốc "Nhà nước" vẫn liên tục tận dụng ưu thế từ gốc "Nhà nước" của họ.

Ngành ngân hàng: Chuyện kép chính, chuyện kép phụ

"Kép chính" ngành ngân hàng so kè gay gắt, trong khi các "kép phụ" bước nhanh hơn với lối đi riêng

Vị thế "Nhà nước" và nỗi lòng "tư nhân"

Sự nổi lên, hay đúng hơn là nổi dậy mạnh mẽ của nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, còn gọi là các NHTM tư nhân, đang khiến cán cân quyền lực trong giới ngân hàng trở lên cân bằng hơn, thậm chí đem lại cảm giác lấn át nhóm các NHTM Nhà nước.

Cảm giác này trong thực tế là có cơ sở, bởi theo số liệu thống kê đến hết tháng 11/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng vốn tự có của nhóm các NHTM cổ phần đã lên đến 250.884 tỷ đồng, cao hơn 24.658 tỷ đồng so với con số 226.226 tỷ đồng của nhóm các NHTM Nhà nước (đã loại bỏ các TCTD có vốn tự có âm).

Nhóm NHTM Nhà nước ở đây bao gồm: Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV và 3 "ngân hàng 0 đồng" CBBank, GPBank, OceanBank.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là bề nổi, dù vốn tự có thường được coi là chỉ tiêu xem xét tiềm lực tài chính thuần túy và khách quan nhất. Đi sâu hơn, những chỉ tiêu tài chính quan trọng khác đang hé lộ một cách tường tận hơn tương quan giữa nhóm các NHTM Nhà nước và nhóm các NHTM cổ phần.

Theo số liệu từ NHNN, tính đến hết tháng 11/2016, tổng tài sản của nhóm NHTM Nhà nước đạt mức 3.735.291 tỷ đồng, cao hơn 474.681 tỷ đồng so với mức 3.260.610 tỷ đồng của nhóm các NHTM cổ phần.

Quy mô tài sản lớn hơn, đồng nghĩa với tổng nguồn vốn lớn hơn, trong khi vốn tự có nhỏ hơn, cho thấy nhóm các NHTM Nhà nước sử dụng đòn bẩy tài chính mạnh tay hơn nhiều nhóm các NHTM cổ phần.

Nhiều bằng chứng khác cũng chứng minh nhận định này, chẳng hạn như tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) của nhóm các NHTM Nhà nước tính đến hết tháng 11/2016 lên tới 94,43% (vượt xa quy định tối đa 90% của NHNN), trong khi con số này ở nhóm các NHTM cổ phần chỉ là 79,37%. Hay như hệ số an toàn vốn (CAR) của nhóm các NHTM cổ phần tính đến hết tháng 11/2016 ở mức 11,76%, cao hơn đáng kể mức 9,81% của nhóm các NHTM Nhà nước.

Điều này khá nghịch lý, bởi nhóm các NHTM cổ phần vốn dĩ năng động hơn, "máu" kiếm tiền hơn, đáng ra phải chấp nhận mạo hiểm hơn nhóm các NTHM Nhà nước, nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại. Và điều này lại tạo ra một hệ quả "nghịch lý"  khác.

Ngành ngân hàng Chuyện kép chính Chuyện kép phụ

Nhiều nghịch lý trong giới ngân hàng xuất phát từ gốc "Nhà nước", gốc "tư nhân"

Thông thường quy mô lớn, hay rất lớn như trường hợp của mỗi NHTM Nhà nước, sẽ tăng trưởng chậm hơn mỗi NHTM cổ phần vốn có quy mô nhỏ hơn nhiều, thậm chí nhỏ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, thực tế lại một lần nữa chứng minh điều ngược lại.

Tính đến hết tháng 11/2016, tăng trưởng vốn tự có của nhóm các NHTM Nhà nước so với cùng kỳ 2015 lên đến 11,26%, trong khi con số này ở NHTM cổ phần chỉ là 6,15%. Kế đến, tăng trưởng tổng tài sản của nhóm các NHTM Nhà nước cũng cao hơn nhóm các NHTM cổ phần, 13,05% so với 11,35%. Nguyên nhân ở đây, như đã trình bày, là do các NHTM Nhà nước mạnh tay hơn trong sử dụng đòn bẩy tài chính, mạo hiểm hơn trong cân đối nguồn vốn.

Vì sao các NHTM Nhà nước lại sử dụng đòn bẩy tài chính mạnh hơn, thậm chí luôn duy trì tỷ lệ LDR vượt xa ngưỡng tối đa 90% của NHNN, trong khi các NHTM cổ phần lại "co ro" trong sử dụng đòn bẩy, luôn tuân thủ đúng các quy định cấp trên?

Vì là gốc "Nhà nước" nên có thể mạo hiểm, có thể vượt rào? Vì là gốc "tư nhân" nên phải cẩn trọng, tuân thủ quy định?

"Kép phụ" tăng tốc

Các NHTM cổ phần, nếu so với các NHTM Nhà nước, dưới góc nhìn nào đó, vẫn chỉ được coi là "kép phụ", thì khi đem so với nhóm các ngân hàng liên doanh, nước ngoài và nhóm các công ty tài chính, cho thuê tài chính, các NHTM cổ phần vẫn đường đường được coi là "kép chính".

Những "kép phụ chân chính" như các NHTM liên doanh, nước ngoài hay các công ty tài chính, cho thuê tài chính, tuy thua kém đáng kể "kép chính" về tiềm lực tài chính, quy mô tài sản, nhưng xét ra thì có nhiều điểm cực kỳ đáng chú ý.

Về vốn tự có, nhóm các ngân hàng liên doanh, nước ngoài phần nào gây bất ngờ với quy mô lên đến 129.422 tỷ đồng tính đến hết tháng 11/2016, bằng 57,2% vốn tự có của nhóm NHTM Nhà nước và bằng 51,6% của nhóm NHTM cổ phần. Trong khi đó, tổng tài sản của nhóm các ngân hàng liên doanh, nước ngoài ở mức 862.251 tỷ đồng, chỉ bằng 23,1% NHTM Nhà nước và 26,4% NHTM cổ phần, cho thấy các ngân hàng liên doanh, nước ngoài ít sử dụng đòn bẩy tài chính hơn các NHTM trong nước. Điều này cũng được thể hiện qua việc hệ số an toàn vốn (CAR) của nhóm ngân hàng này ở mức rất cao 32,67%, tỷ lệ LDR ở mức thấp 58,1%.

Ngoài quy mô vốn tự có, tốc độ tăng trưởng cũng được coi là điểm sáng của nhóm các ngân hàng liên doanh, nước ngoài. Cụ thể, tính đến tháng 11/2016, tốc độ tăng trưởng vốn tự có của nhóm các ngân hàng liên doanh, nước ngoài là 10,46%, thấp hơn một chút nhóm các NHTM Nhà nước và cao hơn nhiều nhóm các NHTM cổ phần, trong khi tốc độ tăng trưởng tổng tài sản ở mức khá cao là 14,12%, cao hơn các NHTM trong nước.

Tuy nhiên, nếu xét về tốc độ tăng trưởng, "ngôi vương" phải thuộc về nhóm các công ty tài chính, cho thuê tài chính. Tốc độ tăng trưởng vốn tự có và tổng tài sản của nhóm các công ty tài chính, cho thuê tài chính cao hơn bất cứ nhóm tổ chức tín dụng nào khác, đạt mức lần lượt 11,49% và 24,77%.

Ngành ngân hàng Chuyện kép chính Chuyện kép phụ

Các NHTM liên doanh, nước ngoài đang gia tăng quy mô tài chính với tốc độ nhanh hơn các NHTM trong nước

Quy mô vốn tự có của nhóm này cũng ở mức khá đáng khích lệ là 19.751 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản đã lên đến 109.597 tỷ đồng. Đây đều là hệ quả của sự nở rộ các công ty tài chính phục vụ cho thị trường tín dụng cá nhân vốn còn rất màu mỡ, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng. Nhiều đại diện trong số này là đơn vị trực thuộc các ngân hàng, chẳng hạn như FE Credit trực thuộc VPBank, hay HD SAISON trực thuộc HDBank…

Với tốc độ tăng trưởng cao, cộng thêm với những sự gia nhập đáng chú ý sắp tới, chắc chắn quy mô tài chính của nhóm các công ty tài chính, cho thuê tài chính sẽ tăng lên rất mạnh trong tương lai gần.

Dù những "kép phụ" như nhóm các NHTM liên doanh, nước ngoài hay các công ty tài chính, cho thuê tài chính không thể đuổi kịp "kép chính" về quy mô, nhưng lại thảnh thơi hơn với lối đi nhỏ. Trong khi cuộc cạnh tranh giữa các "kép chính" lại diễn ra khá gay gắt với sự thua thiệt thuộc về nhóm các NHTM gốc "tư nhân", bởi nhóm các NHTM gốc "Nhà nước" vẫn liên tục tận dụng ưu thế từ gốc "Nhà nước" của họ.

Tin mới lên