Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: VietinBank triệu tập ĐHCĐ bất thường, VIB có CFO mới

(VNF) - Agribank bán đấu giá nợ xấu của BWG Mai Châu - công ty con của Sao Thái Dương; ông Hồ Vân Long làm Giám đốc Tài chính ngân hàng VIB; VietinBank triệu tập ĐHCĐ bất thường;…là các tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Ngân hàng tuần qua: VietinBank triệu tập ĐHCĐ bất thường, VIB có CFO mới

VietinBank triệu tập ĐHCĐ bất thường là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua

Agribank bán đấu giá nợ xấu của BWG Mai Châu - công ty con của Sao Thái Dương

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) mới đây đã thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần BWG Mai Châu – công ty con của Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương (HoSE: SJF).

Tổng dư nợ tính tới ngày 13/3/2021 của BWG Mai Châu tại Agribank là gần 94 tỷ đồng, dư nợ gốc là gần 85 tỷ đồng.

Giá khởi điểm của khoản nợ là 90 tỷ đồng. Thời gian đấu giá là vào ngày 30/9 tới đây.

Được biết, BWG Mai Châu được thành lập vào năm 2014 thông qua việc mua lại một công ty đã có lịch sử hoạt động lâu đời (12 năm) trong ngành sản xuất tre gỗ công nghiệp tại huyện Mai Châu tỉnh Hoà Bình. 

Năm 2015, BWG Mai Châu đã thực hiện đầu tư cải tạo và xây dựng mới nhà máy sản xuất tre công nghiệp co quy mô lớn nhất Việt Nam (tại thời điểm đó) trên diện tích 9ha tại cụm Công nghiệp Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình.

Chủ tịch HĐQT của BWG Mai Châu là ông Nguyễn Trí Thiện, đồng thời là chủ tich HĐQT của Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương.

Tính đến cuối quý II, tỷ lệ lợi ích và quyền biểu quyết của Sao Thái Dương tại BWG Mai Châu là 96,54%.

Ngoài BWG Mai Châu, Sao Thái Dương còn có 3 công ty con khác được hợp nhất trên báo cáo tài chính là Công ty Cổ phần Việt Nga Hòa Bình, Công ty Cổ phần Sunstar Bamboo Việt Nam và Công ty Cổ phần Sunstar Ecotech Việt Nam.

>>> Xem thêm: Agribank bán đấu giá nợ xấu của BWG Mai Châu - công ty con của Sao Thái Dương

Tín dụng khó tăng, lãi suất huy động giảm

Trong bản tin thị trường tiền tệ vừa công bố, Công ty Chứng khoán SSI cho hay tuần qua, thị trường mở không phát sinh giao dịch mới. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ khoảng 0,02 điểm %, kết tuần ở 0,7% cho kỳ hạn qua đêm và 0,84% cho kỳ hạn 1 tuần.

Số liệu từ Ngân hàng nhà nước cho thấy tăng trưởng dư nợ tín dụng tính đến hết tháng 8 đạt 7,4% so với cuối năm 2020, tương đương với mức 14,6% so với cùng kỳ. Mặc dù tín dụng vẫn duy trì đà hồi phục kể từ tháng 4/2020, tăng trưởng trong tháng 8 có phần chậm lại dưới ảnh hưởng của dịch bệnh và giãn cách xã hội.

"Chúng tôi kỳ vọng tín dụng sẽ chưa có nhiều tiến triển trong tháng 9 và tháng 10, khi lệnh giãn cách xã hội vẫn còn áp dụng ở nhiều thành phố lớn. Thanh khoản trên hệ thống nhờ đó vẫn duy trì trạng thái dồi dào và lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức thấp", chuyên gia của SSI nhận định.

Trong tuần qua, SSI cho biết lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn được điều chỉnh giảm 0,1 – 0,3 điểm % ở các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn (MB, ACB và Techcombank). Mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua, dao động ở 2,7 – 4% cho kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 – 5% cho kỳ hạn 6 – 12 tháng và 4,6 – 6,5% cho kỳ hạn trên 12 tháng.

Tính đến hết tháng 7, tổng tiền gửi chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái (thấp hơn so với mức tăng 4,35% trong năm 2020) và chênh lệch tiền gửi – tín dụng tiếp tục thu hẹp.

"Mức chênh lệch này chưa thực sự tạo áp lực lên thanh khoản hệ thống khi vẫn cao hơn so với giai đoạn trước Covid-19, do vậy chúng tôi kỳ vọng lãi suất huy động vẫn tiếp tục đi ngang, thậm chí có thể giảm trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước cần phải có các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch", chuyên gia của SSI nêu quan điểm.

>>> Xem thêm: Tín dụng khó tăng, lãi suất huy động giảm

Lãnh đạo HSBC: Việt Nam sẽ hưởng lợi trong vai trò nhà sản xuất hàng công nghệ lớn của thế giới

Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans ngày 13/9 đã có bài viết nhận định về “Triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2021”.

HSBC đã đặt ra hai viễn cảnh cho nền kinh tế Việt Nam cho đến cuối năm 2021:

Viễn cảnh 1, tăng trưởng GDP nằm trong ngưỡng 5%-5,5%, phụ thuộc vào tiến độ và mức hiệu quả của chương trình tiêm vaccine, việc mở cửa lại nền kinh tế cùng với khả năng phục hồi và khởi động lại các thị trường xuất khẩu lớn trong bối cảnh nhiều thách thức do biến chủng Delta.

Viễn cảnh 2, nếu chương trình tiêm vaccine triển khai không đủ nhanh trong khi giãn cách còn kéo dài, nền kinh tế sẽ chịu thêm nhiều tác động nặng nề và thêm áp lực lên chuỗi cung ứng, GDP sẽ có khả năng tăng trưởng ở mức 3,5%-4%.

HSBC tin tưởng rằng hoạt động tiêu dùng sẽ khôi phục rất mạnh mẽ ngay khi đợt bùng dịch này dần lắng xuống.

Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, các khó khăn của chuỗi cung ứng sẽ sớm được giải quyết, đơn hàng sẽ lại đổ về và FDI cũng phục hồi phong độ với bối cảnh chính phủ ổn định với các chính sách nhất quán, nguồn nhân lực chất lượng/bền bỉ, một loạt Hiệp định Tự do Thương mại và cam kết của chính phủ đầu tư 7% GDP vào phát triển cơ sở hạ tầng.

Theo Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, bấp chấp tình cảnh hiện tại, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do Covid.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc vốn hiểu rất rõ Việt Nam đang tiếp túc hoạt động đầu tư vào thị trường này. Samsung dự kiến chuẩn bị mở rộng nhà máy điện thoại trong 6 tháng cuối năm nay nhằm tăng sản lượng điện thoại màn hình gập 47% lên 25 triệu chiếc. Trong khi đó, LG Display cũng vừa được duyệt một khoản đầu tư bổ sung 1,4 tỷ USD cho nhà máy ở Hải Phòng.

Ngày càng nhiều nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại trong khu vực sau khi triển khai tiêm vaccine trên diện rộng, cùng với nhu cầu hiện tại của thị trường châu Âu và Bắc Mỹ, sẽ mang lại tác động tích cực lên xuất khẩu hàng công nghệ, máy móc, da giày, dệt may, nội thất, thực phẩm và nông sản.

Ông Tim Evans cho rằng đại dịch đã góp phần thúc đẩy các xu hướng tự động hóa và số hóa, vì vậy, Việt Nam sẽ hưởng lợi trong vai trò nhà sản xuất hàng công nghệ lớn của thế giới.

>>> Xem thêm: Lãnh đạo HSBC: Việt Nam sẽ hưởng lợi trong vai trò nhà sản xuất hàng công nghệ lớn của thế giới

Ông Hồ Vân Long làm Giám đốc Tài chính ngân hàng VIB

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa công bố về việc thay đổi nhân sự ban điều hành. Theo đó, VIB đã miễn nhiệm chức vụ Giám đốc Tài chính đối với ông Hoàng Linh và bổ nhiệm ông Hồ Vân Long, Phó tổng giám đốc kiêm giữ chức vụ Giám đốc Tài chính kể từ ngày 13/9.

Ông Hồ Vân Long được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc VIB kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ từ tháng 11/2018 đến nay. Ông Long tốt nghiệp cử nhân Kinh tế, là thành viên của Hiệp hội Kiểm toán viên Công chứng Vương Quốc Anh (ACCA) từ năm 2003 và là Kiểm toán viên Nhà nước từ năm 2004.

Ngoài bổ nhiệm ông Long, VIB miễn nhiệm chức vụ người phụ trách quản trị công ty đối với bà Trương Lê Ngọc Trâm và bổ nhiệm ông Ân Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc, Giám đốc Ban pháp chế và quản trị Doanh nghiệp kiêm giữ chức vụ người phụ trách quản trị công ty kể từ ngày 13/9.

Ông Ân Thanh Sơn là luật sư với hơn 25 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng. Ông được bổ nhiệm vào vị trí Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Ban pháp chế và quản trị doanh nghiệp VIB từ tháng 8/2013. ​

Ông Sơn tốt nghiệp thạc sỹ Quản trị kinh doanh quốc tế, cử nhân Luật Kinh tế Trường Đại học Luật Hà Nội, kỹ sư Kinh tế Vận tải biển Trường Đại học Hàng Hải.

Trong hơn 15 năm làm việc tại VIB, ông Sơn đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí công tác như Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc Thường trực, Giám đốc Khối chi nhánh và dịch vụ, Chánh văn phòng, Trợ lý Tổng giám đốc, Chủ tịch Công ty AMC của VIB.

>>> Xem thêm: Ông Hồ Vân Long làm Giám đốc Tài chính ngân hàng VIB

VietinBank dự kiến tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 3/11

Ngày 14/9/2021, HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) đã ban hành nghị quyết về việc tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2021, dự kiến vào ngày 3/11/2021.

Theo đó, căn cứ diễn biến của dịch bệnh Covid-19 và các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ĐHĐCĐ bất thường năm 2021 của VietinBank sẽ được tổ chức trực tiếp tại hội trường lớn Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực VietinBank (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) hoặc theo hình thức trực tuyến.

Một trong các nội dung chính của ĐHĐCĐ bất thường là bầu bổ sung thành viên HĐQT VietinBank nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Mới đây, liên quan đến vấn đề nhân sự cấp cao VietinBank, ông Trần Minh Bình - thành viên HĐQT kiêm tổng giám đốc VietinBank, đã được chuẩn y chức danh bí thư Đảng ủy VietinBank nhiệm kỳ 2020 - 2025 và được HĐQT VietinBank bầu giữ chức chủ tịch HĐQT VietinBank nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Ông Bình thay thế cho ông Lê Đức Thọ - nguyên ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối, bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐQT, đã được bầu là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức vụ bí thư Tỉnh ủy Bến Tre từ đầu tháng 7/2021.

HĐQT VietinBank cũng đã công bố nghị quyết về việc giao ông Nguyễn Hoàng Dũng - phó tổng giám đốc VietinBank phụ trách ban điều hành VietinBank.

>>> Xem thêm: VietinBank dự kiến tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 3/11

Tin mới lên