Ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: Saigonbank có chủ tịch mới, TPBank muốn sở hữu 9,09% vốn Chứng khoán Tiên phong

(VNF) - Cùng VietnamFinance điểm lại những thông tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua: Saigonbank có chủ tịch mới; Phó chủ tịch TPBank giữ chức Chủ tịch HĐQT Chứng khoán TPS; cùng với đó TPS cũng quyết định bổ nhiệm các nhân sự mới cho chức vụ tổng giám đốc, kiểm toán nội bộ. Trước đó, TPBank đã thông báo mua 4 triệu cổ phiếu của TPS nhằm sở hữu 9,09% vốn điều lệ của công ty này.

Ngân hàng tuần qua: Saigonbank có chủ tịch mới, TPBank muốn sở hữu 9,09% vốn Chứng khoán Tiên phong

Việc TPBank chính thức thông qua việc mua 4 triệu cổ phiếu của TPS là một trong những sự kiện nổi bật của giới ngân hàng tuần qua.

Dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để nhập khẩu hàng hóa từ ngày 1/10

Theo quy định của Thông tư 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015/TT-NHNN, từ 1/10, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn đối với một số nhóm nhu cầu.

Cụ thể, Thông tư 42 nêu rõ sau ngày 30/9/2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu trong nước ngay cả khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh.

Kể từ tháng 10/2019, theo quy định tại Thông tư 42, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hàng năm để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Thông tư cũng nêu rõ cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

Khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền thanh toán phải bằng ngoại tệ.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc ban hành trên nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.

World Bank tài trợ Việt Nam 2,2 triệu USD phát triển ngành ngân hàng

Chiều 1/10, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã kí kết hiệp định viện trợ cho khoản tài trợ không hoàn lại trị giá 2,2 triệu USD do Chính phủ Thụy Sỹ cung cấp để thực hiện dự án "Tăng cường sự lành mạnh và phát triển của ngành ngân hàng".

Dự án này nhằm tăng cường sự lành mạnh và khả năng chống chịu của ngành ngân hàng thông qua việc nâng cao năng lực của NHNN trong việc giải quyết các hạn chế về mặt cấu trúc trong hệ thống ngân hàng.

Theo đó, World Bank sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện các cải cách đã được đặt ra trong Kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2016-2020 và Chiến lược phát triển ngành ngân hàng 2025.

World Bank cũng dự định hợp tác cùng NHNN trong việc tăng cường khuôn khổ pháp lí cho ngành ngân hàng, đặc biệt là Luật các Tổ chức tín dụng và thực hiện Nghị quyết số 42 về xử lí nợ xấu.

Mục đích của dự án là giúp NHNN dự đoán và chống chịu các cú sốc tốt hơn, nâng cao năng lực giám sát phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ tốt trên thế giới, hỗ trợ phát triển thị trường nợ và nâng cao năng lực cho Công ty Quản lí tài sản Việt Nam (VAMC) để có thể quản lí tốt các tài sản của các khoản nợ xấu.

Khoản tài trợ không hoàn lại 2,2 triệu USD thuộc chương trình 8 triệu USD "Tăng cường Sự lành mạnh và Phát triển của ngành Ngân hàng" do Cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ và Ngân hàng Thế giới quản lí.

Saigonbank có chủ tịch mới

Đại hội cổ đông bất thường năm 2019 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) vừa được tổ chức hôm 4/10 đã bầu ông Vũ Quang Lãm giữ chức Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024.

Trước đó, vào tháng 6/2018, ông Vũ Quang Lãm đã được HĐQT Saigonbank quyết định cho thôi giữ chức danh Tổng giám đốc để tạm thời đảm nhiệm công việc của Chủ tịch HĐQT thay ông Phạm Văn Thông – đại diện phần vốn góp của Thành uỷ TP. HCM tại ngân hàng.

Ông Vũ Quang Lãm sinh ngày 5/9/1969, là đại diện phần vốn góp của các cổ đông là Văn phòng Thành ủy TP.HCM và Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận.

Từ năm 1990 đến 1992, ông Vũ Quang Lãm phụ trách kế toán tại Công ty Phát triển nhà và dịch vụ nhà quận 1. Từ năm 1992-1994, ông giữ chức Phó phòng kế hoạch Xí nghiệm chế biến hàng Xuất khẩu Tân Thuận. Từ 1994 – 2013, ông Vũ Quang Lãm là chuyên viên Phòng Đầu tư sửa chữa, Phó trưởng Phòng Ngân sách, Trưởng Phòng Đầu tư sửa chữa – Sở Tài chính TP. HCM.

Từ tháng 4/2017 đến nay ông Lãm giữ chức cán bộ đại diện vốn Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và Kinh doanh Nhà phú Nhuận.

Từ tháng 6/2017 - 6/2018, ông Vũ Quang Lãm là Thành viên HĐQT, đại diện quản lý vốn góp của các cổ đông Công ty TNHH một thành viên Xây dựng dự và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận, kiêm Tổng giám đốc Saigonbank.

Bên cạnh vị trí Chủ tịch HĐQT, Đại hội cũng bầu 4 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2019 – 2024 gồm bà Trần Thị Phương Khanh; ông Trần Thanh Giang; ông Trần Quốc Thanh; ông Nguyễn Cao Trí và một thành viên độc lập là bà Phạm Thị Kim Lệ.

TPBank muốn sở hữu 9,09% vốn của Chứng khoán Tiên Phong

Cũng trong tuần qua, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – Mã: TPB) đã chính thức thông qua việc mua 4 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS - Mã: ORS), tương đương 10% vốn điều lệ trước phát hành trong đợt chào bán riêng lẻ cổ phiếu của công ty này.

Với giá mua là 10.000 đồng/cp, tổng giá trị cổ phiếu mà TPBank dự kiến mua vào là 40 tỷ đồng. Giao dịch dự kiến được thực hiện vào quí IV/2019.

Được biết TPS chính thức gia nhập hệ sinh thái của TPBank  từ tháng 4/2019. Tuy nhiên, hiện TPBank không nắm giữ bất kì cổ phần nào tại đây. Do vậy nếu giao dịch thành công, ngân hàng sẽ sở hữu 9,09% vốn điều lệ sau đợt phát hành của công ty chứng khoán này.

Phó chủ tịch TPBank Đỗ Anh Tú giữ chức Chủ tịch HĐQT Chứng khoán TPS

Hội đồng Quản trị (HĐQT) TPS đã quyết định bầu ông Đỗ Anh Tú – Thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của công ty nhiệm kì 2016 – 2021 kể từ ngày 4/10/2019. Đồng thời, ông Tú sẽ thôi giữ chức danh Phó Chủ tịch HĐQT.

Bên cạnh đó, HĐQT TPS cũng đã chấp thuận đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Trần Sơn Hải và bổ nhiệm ông Hải giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực.

Trước đó, ngày 26/4, HĐQT TPS đã bầu ông bầu ông Đỗ Anh Tú giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT TPS nhiệm kì 2016-2021.

Cùng với việc thay đổi vị trí Chủ tịch HĐQT, TPS cũng quyết định bổ nhiệm ông Trần Sơn Hải giữ chức vụ Tổng Giám đốc thay thế cho ông Diệp Trí Minh; đồng thời, bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Khánh Hòa giữ chức vụ Kiểm toán nội bộ.

Động thái thay đổi một loạt nhân sự cấp cao của TPS diễn ra sau khi TPBank thông báo mua 4 triệu cổ phiếu của TPS nhằm sở hữu 9,09% vốn điều lệ của công ty này.

Tin mới lên