Ngân hàng

Ngân hàng trong khát khao ‘lột xác’: Lạc lõng Agribank

(VNF) - Trong dòng chảy "cuồn cuộn" về tăng vốn và minh bạch, có một ngân hàng lớn dường như đứng lạc lõng: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).

Ngân hàng trong khát khao ‘lột xác’: Lạc lõng Agribank

Trong khi các ngân hàng "cuồn cuộn" tăng vốn và lên sàn, Agribank vẫn ở yên trong vòng tay Nhà nước

Nhu cầu tăng vốn của hệ thống ngân hàng thương mại đang được đẩy lên mức cao. Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng vốn tự có 8 tháng đầu năm 2017 của nhóm các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước ở mức 7,28%, thấp hơn đáng kể mức tăng tổng tài sản 8,69%, cho thấy nợ phải trả đang tăng nhanh hơn nhiều vốn tự có.

Tình hình tương tự cũng xảy ra ở nhóm NHTM Cổ phần khi tăng trưởng vốn tự có 8 tháng đầu năm của nhóm này chỉ ở mức 5,33% trong khi tổng tài sản tăng tới 8,75%.

Hiện nợ phải trả của nhóm NHTM Nhà nước đang gấp tới 16 lần vốn tự có, hệ số an toàn vốn ở mức thấp 9,69%. Con số này ở nhóm NHTM Cổ phần lần lượt là 13 lần và 11,12%.

Nhìn chung, tình hình đang khá cấp bách ở nhóm NHTM Nhà nước. Còn với nhóm NHTM Cổ phần, đòn bẩy tài chính đang ngày càng được sử dụng mạnh hơn, "tấm đệm" vốn tự có đang ngày càng "mỏng hơn" khi so với nợ phải trả. Tăng vốn tự có là lựa chọn số 1 hiện nay của cả NHTM Nhà nước lẫn Cổ phần.

Tín hiệu tốt đang đến từ các NHTM Cổ phần. HDBank đang trong tiến trình bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, kỳ vọng thu về tới 300 triệu USD. Đây là số vốn huy động rất lớn không chỉ đối với ngân hàng cỡ vừa như HDBank và còn lớn với ngay cả các NHTM quy mô nhất. VPBank – "ông lớn" vừa vượt BIDV về lợi nhuận với "át chủ bài" cho vay tiêu dùng – cũng "chỉ" huy động được 250 triệu USD từ đợt bán vốn và lên sàn hồi tháng 8 vừa qua.

Không chỉ có trường hợp của HDBank và VPBank, TPBank mới đây cũng đã gây ấn tượng về tiềm năng huy động vốn. Ngày 7/12 vừa qua, Quỹ đầu tư PYN Fund Management đã ký kết hợp đồng mua bán cổ phần để sở hữu 4,99% vốn điều lệ TPBank với mức giá bỏ ra là gần 40 triệu USD.

Hơn một năm trước, để sở hữu lượng cổ phần tương tự, nhà đầu tư ngoại IFC đã bỏ ra 18,3 triệu USD, bằng chưa tới một nửa mức giá của PYN Fund. Quyết định của PYN Fund không lạ bởi nay, TPBank đã hoàn toàn thoát khỏi ám ảnh nợ xấu, lợi nhuận tăng trưởng rất mạnh và sẽ cán mốc lãi nghìn tỷ ngay trong năm 2017. Tiên phong trong việc chuyển đổi hoạt động sang mô hình ngân hàng số cũng là lợi thế đáng chú ý của TPBank.

Tiềm năng huy động vốn của TPBank có thể còn được khai phá thành công hơn nhiều khi ngân hàng này chính thức lên sàn vào đầu năm 2018, khi ấy, giá trị vốn hóa của ngân hàng này thậm chí có thể vượt 1 tỷ USD. Hiện nay, tạm tính theo mức giá mà PYN Fund chi mua gần 5% cổ phần, TPBank hiện có vốn hóa khoảng 800 triệu USD.

Các NHTM Cổ phần đang xúc tiến mạnh việc huy động vốn tự có

Với các NHTM Nhà nước, "khát khao" tăng vốn là không thua kém gì so với các NHTM Cổ phần. Người đứng đầu Vietcombank và VietinBank đã không dưới một lần bày tỏ sự sốt ruột đối với tiến trình tăng vốn đang rơi vào tình huống khó khăn.

Vietcombank, sau đợt "bán hụt" 7,73% vốn cho quỹ GIC của Singapore, vẫn đang tiếp tục xin cơ chế để bán vốn dù vẫn đang bị "trói chân" bởi quy định không được bán vốn nhà nước thấp hơn giá thị trường (nếu không sẽ bị quy là "làm thất thoát vốn nhà nước"). Hiện cổ phiếu VCB đang giao dịch ở mức khá cao khoảng 45.000 đồng/cổ phiếu, tăng 30% xét theo năm và 18% xét theo quý, cho thấy tình huống hiện tại phần nào còn khó khăn hơn thời điểm dự tính bán vốn cho GIC.

Việc bán vốn của Vietcombank có thành công hay không hiện phụ thuộc vào sự thay đổi trong cơ chế bán vốn và đánh giá của đối tác về tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu VCB. Giả dụ như trường hợp của GIC, nếu quỹ này hoàn tất mua cổ phiếu của Vietcombank thời điểm trước với giá thị trường thì nay, lợi nhuận thu về là không ít.

Trường hợp của VietinBank thì éo le hơn khi ngân hàng này liên tục phải tăng vốn thông qua trái phiếu nhằm đảm bảo an toàn vốn, tạo dư địa cho tăng trưởng tín dụng, bởi "room" cổ phần ngoài nhà nước đã đầy từ lâu. VietinBank đang kiến nghị một số cơ chế tháo gỡ khó khăn, trong đó có việc dùng ngân sách nhà nước để góp vốn – tuy nhiên điều này nhiều khả năng sẽ bất thành trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, dư luận cũng rất nhạy cảm với việc dùng ngân sách để góp thêm vốn cho doanh nghiệp nhà nước.

Phần về BIDV, ngân hàng này cũng đang có xúc tiến rất cụ thể về vấn đề bán vốn cho đối tác nước ngoài nhưng có lẽ, mọi chuyện sẽ chỉ hoàn thành khi cương vị Chủ tịch có chủ.

Lạc lõng Agribank

Khát khao tăng vốn là khía cạnh chính, nhưng nhìn rộng ra, các ngân hàng thương mại còn có một khao khát lớn hơn: lột xác. Thực tế, việc tăng vốn cũng là để phục vụ cho khát khao này.

Chẳng hạn ở khía cạnh minh bạch (và cả tăng vốn), hàng loạt ngân hàng đã cùng "dắt tay nhau" lên sàn, hồi đầu năm là VIB, giữa năm là Kienlongbank, sau đó là VPBank, LienVietPostBank và tương lai gần sẽ là TPBank, Techcombank, HDBank.

Hiện tượng "bé hạt tiêu" OCB mới đây tuyên bố trở thành ngân hàng đầu tiên hoàn tất triển khai dự án Basel II với các yêu cầu cao về vốn, rà soát và giám sát, minh bạch thông tin, cũng là một dấu điểm cho khát khao "lột xác" của các ngân hàng thương mại.

Một dấu điểm khác khá đáng chú ý với nhóm NHTM Nhà nước là việc Vietcombank mới đây đã lần đầu tiên bổ nhiệm người nước ngoài giữ chức giám đốc khối Bán lẻ. Được biết việc chưa có tiền lệ này, cộng với động thái quyết liệt tăng vốn là nhằm đưa Vietcombank bước sang trang mới, trở thành ngân hàng số 1 về bán lẻ vào năm 2020.

Trong dòng chảy "cuồn cuộn" về tăng vốn và minh bạch, có một ngân hàng lớn dường như đứng lạc lõng: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).

Hồi đầu năm nay, khi Quyết định số 58/2016/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ được công bố cũng là lúc thông tin chính thức duy nhất về cổ phần hóa Agribank được hé lộ. Theo quyết định, Nhà nước sẽ cổ phần hóa và nắm giữ trên 65% vốn điều lệ của Agribank trong giai đoạn 2016 – 2020, nghĩa là tương đồng với tỷ lệ Nhà nước nắm giữ tại 3 ngân hàng Vietcombank, VietinBank và BIDV.

Đến nay, một năm đã trôi qua, mặc dù Agribank tuyên bố đã bước sang "giai đoạn mới" về tái cơ cấu nhưng thông tin cổ phần hóa gần như chưa có gì mới. Agribank liệu có sốt ruột?

Câu trả lời có lẽ là có, bởi nếu không cổ phần hóa, ngân hàng này không "đào đâu ra" cách nào để tăng vốn tự có, ngoài phương án thiếu khả thi là dùng ngân sách góp thêm vốn (trường hợp của Agribank còn khó hơn cả VietinBank bởi nếu góp, ngân sách phải góp 100% vốn).

Cổ phần hóa gần như là giải pháp duy nhất để Agribank tăng vốn, đồng thời tiến gần hơn đến sự minh bạch chung mà đa phần các NHTM đã thực hiện đến một mức độ nhất định

Lừng khừng cổ phần hóa thì càng gần hạn chót, tiềm lực tài chính của Agribank càng bị tụt lại, thậm chí bật khỏi nhóm "Big 4" – 4 NHTM lớn nhất. Hiện nay, vốn tự có của ngân hàng này đã đứng "bét bảng" khi so với VietinBank, Vietcombank và BIDV; lợi nhuận cũng thua kém 3 ngân hàng trên, thậm chí khi so với các ngân hàng tư nhân như VPBank hay Techcombank, việc thua kém là điều trong dự tính.

Đó là chưa kể đến khoản nợ xấu khổng lồ mà theo Kiểm toán Nhà nước, đến hết ngày 31/12/2015, nợ xấu Agribank nếu tính đúng, tính đủ lên đến trên 73.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu trích lập dự phòng đầy đủ, vốn tự có và lợi nhuận chắc chắn sẽ giảm đáng kể. Khoảng cách với các ngân hàng tư nhân top dưới càng ngắn, tương lai bị vượt mặt cả về vốn vốn tự có càng gần lại.

Hồi năm 2012, trao đổi tại phiên thảo luận về đề án tái cơ cấu kinh tế vào chiều ngày 8/6, ông Nguyễn Văn Bình – Thống đốc NHNN thời đó cho biết, trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam, NHNN có chương trình tiếp tục cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước, nhưng riêng Agribank kiên quyết trong vòng 5 năm tới không đặt vấn đề cổ phần hóa.

NHNN muốn hướng Agribank trở thành một trụ cột của phát triển nông nghiệp và nông thôn với mục tiêu là đến 2015, dư nợ cho vay đối với khu vực nông nghiệp và nông thôn của Agribank phải đạt mức không dưới 80% tổng dư nợ. Tổ chức tín dụng nào không có điều kiện cho vay nông nghiệp và nông thôn thì chuyển nguồn vốn tương ứng đó cho Agribank để cho vay nông nghiệp.

Tuy nhiên đến nay, 5 năm đã kết thúc, NHNN cũng đã có người đứng đầu mới, tình huống đặt ra đã khác. Với "nhiệm vụ chính trị" cho vay nông nghiệp, Nhà nước hoàn toàn có thể giữ định hướng này kể cả khi cổ phần hóa bởi cổ đông chi phối Agribank sau IPO vẫn là Nhà nước.

Tin mới lên