Ngân hàng

Ngân hàng ‘mở lối riêng’ cho doanh nghiệp vay vốn

(VNF) – Song song với dòng vốn tín dụng thông thường, các ngân hàng đang liên tục tạo dựng "lối riêng" cho doanh nghiệp vay vốn mà điển hình nhất là chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, với số vốn cam kết có thể lên đến 120.000 tỷ như trường hợp của VietinBank.

Ngân hàng ‘mở lối riêng’ cho doanh nghiệp vay vốn

Các ngân hàng đang liên tục "mở lối riêng" cho doanh nghiệp vay vốn, đặc biệt là đối với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ

Theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, 9 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 12,16% so với cuối năm 2016, khá cao so với một số năm gần đây.

Song song với dòng vốn tín dụng thông thường, một dòng vốn tín dụng khác đang chảy qua "lối riêng" theo chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp.

Xét riêng trong 9 tháng đầu năm 2017, đã có trên 300 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức. Qua đó, các ngân hàng cam kết cho vay các doanh nghiệp mới gần 570.000 tỷ đồng, và đã giải ngân hơn 550.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp; số tiền được gia hạn, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ là gần 30.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, các ngân hàng còn áp dụng các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ cho các doanh nghiệp với tổng dư nợ được hỗ trợ gần 20.000 tỷ đồng.

Lượng tín dụng chảy qua "lối riêng" này, ngoài việc đóng góp vào tăng trưởng tín dụng chung, còn giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn vay hơn, nắm bắt thời cơ kinh doanh tốt hơn, nhiều khoản vay còn được hưởng lãi suất thấp, nhiều khoản vay khác được tái cơ cấu, gia hạn thời gian trả nợ, thậm chí miễn, giảm lãi suất trong lúc doanh nghiệp khó khăn.

Toàn hệ thống ngân hàng hiện đang triển khai trên 70 chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó 15 chương trình áp dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, Vietinbank được xem là "cánh chim đầu đàn" khi dành tới 120.000 tỷ đồng (với lãi suất ngắn hạn dưới 7%/năm và lãi suất trung dài hạn dưới 9%/năm) cho Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp năm 2017 và 10.000 tỷ đồng cho Chương trình cho vay doanh nghiệp đầu tư sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ TP HCM (các khoản vay trung dài hạn với lãi suất 8,8%/năm).

Một số ngân hàng tiêu biểu khác có thể kể đến như Vietcombank với chương trình cho vay phát triển ngành y tế (30.000 tỷ đồng với lãi suất tối đa 7-8%/năm) và Chương trình Hợp tác phát triển ngành Công nghiệp và Công nghiệp hỗ trợ tại TP. HCM (10.000 tỷ đồng trong đó hạn mức cho vay lên tới 200 tỷ đồng/dự án; Ngân hàng Quân đội với gói tín dụng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (38.000 tỷ đồng với lãi suất ngắn hạn 7,2%/năm và dài hạn 8,7%/năm) và Gói Doanh nghiệp khởi nghiệp (1.500 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 7,4%/năm)...

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tại buổi hội thảo "Giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa" cách đây không lâu đã gọi mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp Việt là đồng hành "một cách dũng cảm, liều lĩnh", "đồng hành cùng với doanh nghiệp trong những lúc khó khăn nhất".

Theo ông Nghĩa, ở các nước như Nhật Bản, Mỹ, khi khủng hoảng nổ ra thì ngân hàng đóng băng tín dụng với doanh nghiệp, nếu nới thì chỉ nới cho các doanh nghiệp lớn. Thế nhưng, ngân hàng Việt Nam chưa bao giờ đóng băng tín dụng với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) nói riêng.

TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá cao sự đồng hành giữa ngân hàng với doanh nghiệp Việt

Nói về nhu cầu của nhóm DNNVV với ngân hàng hiện nay, ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết: Chưa bao giờ việc vay vốn của các doanh nghiệp, vấn đề lãi suất, cơ chế lại được tạo điều kiện thuận lợi như bây giờ. Ông Vinh gọi mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là "suốt ngày nghĩ về nhau và cần nhau".

Theo ông Vinh, trong 3 năm gần đây, VietinBank đã có chuyển dịch cơ cấu rõ nét, đẩy mạnh hoạt động tín dụng cho DNVVN. Nếu trước đây, dư nợ cho các tập đoàn, tổng công ty chiếm 80% tổng dư nợ của VietinBank, thì nay tỷ trọng cho vay cá nhân, cho vay DNNVV đã tăng lên mức 25% tổng dư nợ.

Ngoài tập trung vào hỗ trợ lãi suất thông qua các chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, các ngân hàng còn "mở lối riêng" bằng nhiều gói dịch vụ khác nhau, phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng khác nhau, trong đó DNVVN (hay nhóm khách hàng SME) là đối tượng các ngân hàng đang tập trung hỗ trợ rất mạnh.

Như tại VietinBank, ngoài chương trình ưu đãi lãi suất dành riêng cho phân khúc SME hay các sản phẩm đặc thù, đơn cử như "Combo 6 trong 1" dành riêng cho khách hàng SME mới, ngân hàng này thậm chí còn ra mắt Câu lạc bộ SME VietinBank với sự tham gia của 800 thành viên cao cấp SME, chiếm 1,8% khách hàng SME tại VietinBank.

Hiệu quả là khá rõ rệt. Năm 2016, số lượng khách hàng SME của VietinBank đã tăng đáng kể từ 128.993 (đầu năm) lên 142.848 (cuối năm). Trong 6 tháng của năm 2017, con số này tiếp tục tăng mạnh với 7.500 khách hàng mới. Hiện tại, khoảng 25% khách hàng SME tại Việt Nam giao dịch với VietinBank.

Xét trên khía cạnh khác, năm 2016, tổng dư nợ cho vay SME của VietinBank tăng hơn 29.000 tỷ đồng so với năm 2015. 6 tháng đầu năm 2017, với một loạt chính sách kích thích, tổng dư nợ cho vay SME của VietinBank đã tăng tới 16.000 tỷ đồng, đạt gần 165.000 tỷ đồng.

"Mảnh đất" SME màu mỡ từ chỗ chỉ được các ngân hàng cỡ vừa và nhỏ khai thác, nay đang thực sự được khai phá và mở rộng bởi các ngân hàng lớn, không chỉ bằng dòng vốn tín dụng thông thường mà còn bằng nhiều "lối riêng".

Tin mới lên