Tài chính quốc tế

Nga sẵn sàng cung cấp nông sản cho Trung Quốc, ‘thế chỗ’ Mỹ

(VNF) - Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maxim Oreshkin cho biết Moscow sẵn sàng cung cấp nông sản và các mặt hàng khác cho Trung Quốc, vốn bị thiếu hụt do ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ-Trung.

Nga sẵn sàng cung cấp nông sản cho Trung Quốc, ‘thế chỗ’ Mỹ

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Phát biểu trong một cuộc họp tại Cộng hòa Altai ngày 7/8, ông Oreshkin cho biết Trung Quốc luôn xem Nga là một nhà cung cấp các sản phẩm đáng tin cậy.

“Chúng tôi đã tích cực thương lượng với các đối tác Trung Quốc về nông sản và các mặt hàng khác, những gì họ trước đây thường mua của Mỹ, với mục đích hướng Trung Quốc sang thị trường Nga”, ông Oreshkin cho biết.

 Vị quan chức Nga khẳng định: “Nền kinh tế Trung Quốc sẽ trải qua các thời kỳ không phải huy hoàng nhất, nhưng chúng tôi hy vọng điều đó sẽ không tác động tiêu cực tới mối quan hệ của Nga với quốc gia này. Xét theo quan hệ song phương, Nga và Trung Quốc sẽ đi tiếp”.

Cũng theo ông Oreshkin, doanh số thương mại giữa hai nước đang tăng lên 108 tỷ USD vào năm ngoái, và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.

Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maxim Oreshkin.

Thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã tăng gần 25% trong năm 2018, cao hơn 8 tỷ USD so với mục tiêu 100 tỷ USD đã đặt ra trước đó. Trong nửa đầu năm 2019, thương mại Nga-Trung đạt 51,77 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hai nước hiện có kế hoạch tăng gấp đôi kim ngạch thương mại trong những năm tới.

Tuyên bố của Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga được đưa ra trong bối cảnh Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 6/8 đã chính thức thông báo ngừng mua nông sản Mỹ đồng thời úp mở khả năng áp thuế đối với mặt hàng này được nhập khẩu sau ngày 3/8.

Trước đó, Trung Quốc cũng đã quyết định hủy mua 14.700 tấn thịt heo Mỹ, vốn dự kiến nhận trong năm nay và năm sau.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc từ ngày 1/9 đã "vi phạm nghiêm trọng" thỏa thuận giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và và Tổng thống Trump trong cuộc gặp bên lề ở hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản hồi tháng 6.

Trong cuộc gặp, lãnh đạo hai bên đã đồng ý nối lại đàm phán kinh tế và Mỹ sẽ không áp bất kỳ mức thuế mới nào đối với các sản phẩm của Trung Quốc.

Ở động thái liên quan khác, Bắc Kinh ngày 5/8 đã cho phép đồng nhân dân tệ mất giá 2%, xuống ngưỡng trên 7 nhân dân tệ đổi được 1 USD, mức yếu nhất của đồng nội tệ Trung Quốc trong 10 năm trở lại đây.

Ngay sau động thái này của Trung Quốc, Bộ Tài chính Mỹ cho biết theo sự ủy quyền của Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Steven Mnuchin đã quyết định "Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ".

Theo đó, ông Mnuchin sẽ tham vấn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để loại trừ ưu thế cạnh tranh không công bằng mà Trung Quốc nhận được từ việc phá giá đồng nội tệ.

Với các động thái mới đây từ cả hai phía, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ khó có thể đạt được tiến triển và cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo sẽ còn tiếp diễn.

Xem thêm >> Ví Trung Quốc như ‘mỏ neo’ kìm hãm nền kinh tế, ông Trump lại tung đòn trừng phạt

Tin mới lên