Diễn đàn VNF

Nên bán vốn nhà nước tại Vinamilk, MobiFone để có tiền xây cảng nước sâu miền Trung

“Nên bán vốn nhà nước tại Vinamilk, FPT, MobiFone… để có đủ tiền xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu tại miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Đồng thời, nhanh chóng hoàn chỉnh hệ thống đường cao tốc Bắc-Nam. Làm được những việc này trong 5 năm nữa thì nền kinh tế Việt Nam sẽ ở một tầm cao mới”, ông Nguyễn Hoàng Hải (Phó Chủ tịch VAFI) đề xuất.

Nên bán vốn nhà nước tại Vinamilk, MobiFone để có tiền xây cảng nước sâu miền Trung

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà Đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI)

Trước thềm Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà Đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), đã có một số đề xuất giải pháp nhằm xây dựng  hệ thống cảng biển nước sâu Miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khả năng khai thác các tàu có tải trọng trên 100.000 DWT, có năng lực tổ chức các tuyến tàu container kết nối thẳng với các vùng kinh tế lớn trên thế giới.

Bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp lấy tiền xây dựng cảng biển nước sâu ở miền Trung

Lý giải cho đề xuất của VAFI, ông Nguyễn Hoàng Hải đã đặt một câu hỏi: “Tại sao các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long còn nghèo hơn các tỉnh, thành phố gần các khu cảng lớn như Hải Phòng, Sài Gòn, Vũng Tàu?”.

Theo ông Hải, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách, nguồn ngân sách dành cho phát triển kinh tế xã hội tại các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên, ĐBSCL. Từ đó, hạ tầng kinh tế, xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục và đời sống nhân dân tại các vùng này không ngừng được cải thiện và thay đổi rõ rệt so với trước.

Song các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên, ĐBSCL vẫn nghèo hơn các tỉnh, thành phố gần các khu cảng biển lớn do vị trí địa lý không tự nhiên tạo cảng biển nước sâu, công nghiệp chậm phát triển.

Nói về yếu tố khiến công nghiệp tại các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên, ĐBSCL chậm phát triển, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, đối với nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, lựa chọn nhà máy sản xuất gần các cảng biển lớn luôn là ưu tiên số một vì chi phí logistic thấp.

Nếu chọn miền Trung và ĐBSCL, chi phí logistic rất cao, thời gian vận chuyển hàng hóa, vật tư kéo dài làm cho giá vốn hàng tồn kho tăng cao.

“Để kinh tế Miền Trung, Tây Nguyên, ĐBSCL nhanh chóng tiến kịp các tỉnh thành phố gần các khu cảng biển lớn như Hải Phòng, Sài Gòn, Vũng Tàu… Nhà nước cần chính sách ưu tiên phát triển hệ thống cảng nước sâu miền Trung, ĐBSCL. Khi đã có khu cảng hiện đại, các nhà đầu tư sẽ đổ xô tới đầu tư”, ông Nguyễn Hoàng Hải phân tích.

Trước câu hỏi: “Nguồn vốn ở đâu để đầu tư cho hệ thống cảng biển nước sâu ở miền Trung và ĐBSCL?”.

Ông Hải cho rằng, nguồn vốn là không nhiều, chủ yếu cho cảng Liên Chiểu và Trần Đề theo hình thức PPP, mất khoảng vài tỷ USD. Hiện tại, nên bán vốn nhà nước tại Vinamilk, Sabeco, FPT, Mobifone… để có đủ tiền xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu tại Miền Trung và ĐBSCL. Đồng thời, nhanh chóng hoàn chỉnh hệ thống đường cao tốc Bắc-Nam.

“Làm được những việc này trong 5 năm nữa thì nền kinh tế Việt Nam sẽ ở một tầm cao mới”, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết.

Đề xuất bán 51% cổ phần nhà nước tại công ty cổ phần cảng Quy Nhơn cho nhà đầu tư nước ngoài

Đối với Dự án cảng biển nước sâu Trần Đề, hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai nghiên cứu.

“Nếu Trần Đề đủ điều kiện để xây dựng một cảng nước sâu cho tàu trên 100.000 DWT, VAFI hoàn toàn ủng hộ dù cho nhà nước có phải bỏ ra vài tỷ USD cho xây dựng cơ sở hạ tầng”, ông Nguyễn Hoàng Hải bày tỏ quan điểm.

Theo đó, nên chọn các hãng tầu đa quốc gia lớn đang khai thác mạng lưới tuyến tầu container quốc tế là nhà đầu tư khai thác cảng Trần Đề. Bởi với khối lượng hàng xuất nhập khẩu lớn như hiện nay, khi cảng Trần Đề được xây dựng, sẽ dễ dàng hình thành các tuyến tàu container quốc tế và chắc chắn rằng vốn đầu tư sẽ đổ mạnh vào khu vực ĐBSCL. Khi đó, chúng ta không cần phải kêu gọi đầu tư nhiều mà hàng nghìn nhà đầu tư sẽ tìm đến.

Bài học thành công từ xây dựng cảng biển nước sâu Lạch Huyện

Dẫn lại câu chuyện xây dựng cảng biển nước sâu Lạch Huyện tại Hải Phòng, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, nếu không có cảng nước sâu Lạch Huyện, bây giờ khu Cảng Hải Phòng đã quá tải, cước phí bốc xếp tăng cao và quan trọng là hàng nghìn dự án đầu tư mới triển khai ở khu vực phía Bắc trong các năm qua sẽ không xuất hiện. Không có nhà đầu tư nào dại dột bỏ vốn vào địa bàn ách tắc giao thông, chi phí vận chuyển lên cao.

“Cảng nước sâu Lạch Huyện ra đời đã mở ra những tuyến tầu xuyên đại dương, thu hút tàu trên 100.000 DWT, giúp cộng đồng doanh nghiệp phía Bắc có chi phí logistic thấp hơn so với trước kia, thời gian vận chuyển hàng hóa nhanh hơn, nhất là các thuyền xuyên Thái Bình Dương.

Phải nói rằng chủ trương xây dựng cảng Lạch Huyện của Đảng và Nhà nước là hết sức đúng đắn, Nhà nước chỉ bỏ ra 1 tỷ USD nhưng thu được lợi ích vô cùng to lớn. Bài học xây cảng nước sâu Lạch Huyện cần được nhân rộng cho việc xây dựng hệ thống cảng biển nước sau các tỉnh Miền Trung và ĐBSCL”, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết.

Tin mới lên