Tài chính

Năm 2019, Cục Thuế Hà Nội được giao chỉ tiêu thu ngân sách 245.726 tỷ đồng

(VNF) - Năm 2019, Cục Thuế TP. Hà Nội được Bộ Tài chính, HĐND, UBND TP. Hà Nội giao dự toán thu ngân sách nhà nước 245.726 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với kết quả thực hiện năm 2018.

Năm 2019, Cục Thuế Hà Nội được giao chỉ tiêu thu ngân sách 245.726 tỷ đồng

Năm 2019, Cục Thuế Hà Nội được giao chỉ tiêu thu ngân sách 245.726 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ)

Theo thông tin từ Cục Thuế TP. Hà Nội, năm 2018, cơ quan này có mức tổng thu ngân sách là 226.795 tỷ đồng, đạt 103,9 % dự toán, tăng 16,5% so với thực hiện 2017. Trong đó, thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng khá, bền vững - cao nhất trong 3 năm trở lại đây là khu vực công thương nghiệp dịch vụ ngoài quốc doanh tăng 20%; thuế thu nhập cá nhân tăng 21%; khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương tăng 13%... Năm 2018, đơn vị đã thu hồi 12.100 tỷ đồng số tiền thuế nợ đọng.

Được biết năm 2018 là năm đầu tiên đơn vị hoàn thành cả kế hoạch thanh tra và cả kiểm tra, cũng là năm thứ 3 liên tiếp hoàn thành vượt kế hoạch thanh tra. Cụ thể báo cáo của Cục Thuế Hà Nội cho thấy năm 2018, đơn vị đã hoàn thành 20.052 cuộc thanh, kiểm tra, đạt 108% kế hoạch được giao, tăng 11% so với cùng kỳ với tổng số truy thu, truy hoàn và phạt là 4.679 tỷ đồng, tăng 41,6% so cùng kỳ, giảm thuế GTGT được khấu trừ 183,4 tỷ đồng, giảm lỗ 4.272 tỷ đồng.

Năm 2019, Cục Thuế TP. Hà Nội được Bộ Tài chính, HĐND, UBND TP. Hà Nội giao dự toán thu ngân sách nhà nước 245.726 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với kết quả thực hiện năm 2018.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Cục Thuế Hà Nội diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho hay ngoài nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, Cục Thuế Hà Nội phải đẩy mạnh công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, đưa số nợ tuyệt đối giảm so với hiện nay.

“Cục Thuế Hà Nội đã rất nỗ lực để giảm nợ đọng thuế. Kết quả là trong năm 2018 đã thu được 12.100 tỷ đồng nợ thuế. Tuy nhiên, các đồng chí cần có biện pháp tích cực hơn nữa để giảm số nợ tuyệt đối, đảm bảo nợ đọng không vượt quá 5% thu ngân sách theo nghị quyết của Quốc hội”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nói.

Để đạt được mục tiêu trên, lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu Cục Thuế Hà Nội phải quyết liệt công tác thu nộp ngay từ đầu năm, nắm chắc đối tượng, nắm chắc nguồn thu để tổ chức thu đúng, thu đủ, đúng pháp luật; thực hiện nghiêm túc các giải pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng nhấn mạnh Cục Thuế Hà Nội phải tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xác định số thuế phải nộp, đồng thời triển khai các biện pháp xử lý nợ đọng thuế theo Chỉ thị số 04 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, có phân công phân nhiệm vụ, có giải pháp cụ thể quyết liệt, phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý; chú ý tập trung nợ có khả năng thu hồi.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng yêu cầu Cục Thuế Hà Nội cần tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào công tác quản lý thuế, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng và tạo sự hài lòng đối với doanh nghiệp và người dân.

Cùng với đó, Thứ trưởng yêu cầu cục thuế cần thực hiện nghiêm túc, theo tinh thần Nghị quyết 18, Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/09/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính, Quyết định số 1836/QĐ-BTC ngày 08/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; đồng thời triển khai đề án hợp nhất chi cục thuế thành chi cục thuế khu vực.

“Hiện nay cục thuế đã có đề án, đã báo cáo cấp ủy và UBND TP. Hà Nội. Tuy nhiên, tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục rà soát lại đề án này trên tinh thần tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế, nhưng không được làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị, trong đó có nhiệm vụ quản lý thuế và thu ngân sách nhà nước. Nếu trường hợp cần thiết phải điều chỉnh lại đề án cho phù hợp, thì đơn vị báo cáo lại lãnh đạo Bộ Tài chính. Khi đã làm thì làm cho chắc, đã làm là phải thành công, không được để sai sót”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.

Tin mới lên