Tài chính quốc tế

Mỹ - Trung giao tranh thương mại, Ấn Độ hưởng lợi 11 tỷ USD

Báo cáo của DBS Bank (Singapore) khẳng định nền kinh tế Ấn Độ hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Mỹ - Trung giao tranh thương mại, Ấn Độ hưởng lợi 11 tỷ USD

Các nhà sản xuất đang ráo riết tìm kiếm các điểm đến thay thế mới cho Trung Quốc và Ấn Độ sẽ hưởng lợi. Ảnh: Getty Images.

Theo CNBC, một số chuyên gia kinh tế quốc tế khẳng định căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đã khiến hàng loạt nhà sản xuất rút khỏi Trung Quốc để tránh mức thuế cao.

Các quốc gia Đông Nam Á được coi là “ngư ông đắc lợi”, nhưng trên thực tế Ấn Độ mới là một trong những nước nhận được nhiều lợi ích nhất từ thương chiến Mỹ - Trung.

″Ấn Độ có thể tăng quy mô thương mại nhờ xung đột thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là ở những lĩnh vực mà Mỹ đánh thuế lên hàng Trung Quốc”, nhà kinh tế Radhika Rao của DBS Group (Singapore) viết trong báo cáo tháng 8.

“Ngoài việc hưởng lợi từ thương mại, sự chuyển hướng đầu tư là cơ hội vàng đối với Ấn Độ. Hiện tại, các nhà sản xuất đang ráo riết tìm kiếm những điểm đến thay thế mới cho Trung Quốc”, báo cáo viết.

Thị phần của Ấn Độ trên thị trường xuất khẩu toàn cầu đang còn ở mức khá khiêm tốn. Để so sánh, dân số Đức nhỏ hơn gần 16 lần so với Ấn Độ nhưng xuất khẩu nước này đã chiếm tới 8,17% tổng lưu lượng thương mại toàn cầu trong năm 2017. Tỷ lệ này của Ấn Độ chỉ là 1,68%.

“Ba lĩnh vực hàng đầu ở Ấn Độ có thể hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là dược phẩm, hóa chất và cơ khí”, chuyên gia DBS Group khẳng định. Đây là những lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh ở phạm vi toàn cầu. 

Ba lĩnh vực hàng đầu ở Ấn Độ có thể hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là dược phẩm, hóa chất và cơ khí. Ảnh: Chemicals Techonology.

Theo báo cáo hồi tháng 7 của Tổ chức Thương hiệu Ấn Độ (IBEF), quốc gia Nam Á đáp ứng hơn một nửa nhu cầu vắc-xin trên thế giới và 25% lượng thuốc ở Vương quốc Anh.

Về cơ khí, Ấn Độ là nhà sản xuất công cụ máy lớn thứ 12 thế giới trong năm 2017, theo một báo cáo khác của IBEF. Nước này cũng xuất khẩu hơn 60% hàng hóa cơ khí sang Mỹ và châu Âu.

Nhà kinh tế Rajiv Biswas của IHS Markit cho rằng sản xuất của Ấn Độ cũng có thể được hưởng lợi, đặc biệt là ngành dệt may, giày dép và điện tử. Xuất khẩu của Mỹ và Trung Quốc sẽ càng ngày trở nên đắt đỏ hơn do thuế trừng phạt, nhiều nhà sản xuất chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước châu Á khác, bao gồm Ấn Độ.

“Ấn Độ có thể có lợi từ xu hướng này trong trung hạn, đặc biệt khi các nhà sản xuất toàn cầu đang ngày càng tập trung vào thị trường tiêu dùng nội địa Ấn Độ”, chuyên gia Biswas nói.

Ví dụ, Foxconn của Đài Loan - nhà sản xuất hàng điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, chuyên lắp ráp các sản phẩm Apple - đã chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ trong năm nay.

"Điều này nhằm mục đích đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất của Foxconn để tránh sự phụ thuộc quá mức vào sản xuất của Trung Quốc”, ông Biswas cho biết. Theo chuyên gia Rao, nền kinh tế Ấn Độ có thể hưởng lợi 11 tỷ USD từ những thay đổi thương mại này.

Tin mới lên