Tài chính quốc tế

Mỹ ra mặt bênh vực Đài Loan, thách thức Trung Quốc?

(VNF) - Giám đốc Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) Brent Christensen tuyên bố rằng Washington sẽ làm mọi thứ có thể để giúp Đài Loan tái gia nhập một số tổ chức quốc tế, ví như Interpol, bất chấp những phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh.

Mỹ ra mặt bênh vực Đài Loan, thách thức Trung Quốc?

Đài Loan vẫn luôn là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.

Phát biểu trong buổi họp báo ra mắt tại Đài Bắc ngày 31/10, ông Christensen nhấn mạnh rằng: “Bất kỳ nỗ lực nào nhằm quyết định tương lai của Đài Loan “ngoại trừ bằng các biện pháp hòa bình” đều là mối đe dọa cho hòa bình, an ninh của khu vực Tây Thái Bình Dương và cũng là mối quan tâm sâu sắc đối với Mỹ”.

Ông Christensen khẳng định "Mỹ có nghĩa vụ hỗ trợ Đài Loan duy trì năng lực tự vệ đầy đủ chống lại tình trạng cưỡng ép" và tuyên bố rằng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy hợp tác an ninh giữa Washington và Đài Bắc và "cải thiện khả năng tự vệ của Đài Loan".

Theo ông Christensen, một trong bốn ưu tiên của ông trong vai trò giám đốc của viện AIT là để thúc đẩy sự tham gia của Đài Loan vào cộng đồng quốc tế. "Khi chúng ta đối mặt với vô số thách thức toàn cầu, chúng ta không thể loại trừ một xã hội Đài Loan đã có quá nhiều cống hiến cho thế giới".

Đài Loan vẫn luôn là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Bắc Kinh khẳng định chủ quyền với hòn đảo trong chính sách “Một Trung Quốc” và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan.

Việc đẩy mạnh hợp tác với Đài Loan dường như là cách Mỹ tăng sức ép với Trung Quốc khi quan hệ hai nước trở nên căng thẳng.

Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc vào năm 1979 để ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc", nhưng vẫn là đồng minh chủ chốt và đóng vai trò nhà cung cấp vũ khí nước ngoài duy nhất của Đài Loan. Washington sau đó mở Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) để duy trì quan hệ giữa hai bên.

Giám đốc Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) Brent Christensen.

Kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền vào năm 2016, cả chính quyền của ông và quốc hội Mỹ đều từ bỏ chính sách tránh gây căng thẳng với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, thay vào đó là việc liên tục thách thức Bắc Kinh và tập trung vào việc tăng cường năng lực phòng thủ cho Đài Bắc.

Hồi đầu tháng 10, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương Randall Schriver tuyên bố Washington đang chuyển hướng tới "quan hệ mua bán khí tài quốc phòng bình thường hơn" với Đài Bắc.

Mới đây, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt kế hoạch bán lô khí tài quân sự trị giá 330 triệu USD cho Đài Loan bất chấp sự phản đối từ Trung Quốc.

Đây là thương vụ vũ khí thứ hai giữa Mỹ và Đài Loan trong vòng chưa đầy 18 tháng dưới thời Tổng thống Donald Trump và là tín hiệu cho thấy mối quan hệ quân sự ngày càng chặt chẽ giữa Washington và Đài Bắc.

Trung Quốc cho rằng việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ và luật pháp quốc tế, cũng như chính sách “một Trung Quốc", đồng thời xâm phạm lợi ích quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Xem thêm >> Mỹ tố Trung Quốc ‘đâm sau lưng’ Nga

Tin mới lên