Tài chính quốc tế

Mỹ dồn ép Iran, Trung Quốc chìa tay 'giải cứu'

(VNF) - Kể từ khi ông Trump rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA, Iran đã cố gắng thuyết phục các quốc gia khác để giữ ổn định cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu. Và Trung Quốc, cũng là nước đang “đối đầu” với ông Trump, chính là quốc gia quan trọng nhất trong chiến lược này của Tehran.

Mỹ dồn ép Iran, Trung Quốc chìa tay 'giải cứu'

Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Các công ty châu Âu đã từ chối mua dầu của Iran bởi lo ngại bị trừng phạt bởi Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của Iran, dường như không quan tâm đến lời đe dọa của Mỹ. Trên thực tế, Trung Quốc có thể sẽ tận dụng lệnh cấm vận đối với Iran để giành ưu thế trong các cuộc đàm phán thương mại với Hoa Kỳ.

Derek Scissors, học giả của Viện Doanh nghiệp Mỹ, đặt vấn đề: "Hiện mối quan hệ thương mại Trung – Mỹ đã không được tốt đẹp, tại sao Trung Quốc lại hành động như vậy? Nếu chúng ta nói với người Trung Quốc,‘Ồ, chúng tôi sẽ hủy bỏ thuế nhập khẩu, miễn là các bạn tuân thủ việc thực hiện các biện pháp trừng phạt Iran', thì họ sẽ không ngần ngại mà đồng ý ngay”.

Hôm thứ Hai (23/7), một cuộc “khẩu chiến” giữa Hoa Kỳ và Iran đã nổ ra. Ông Trump và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã tuyên bố Iran “không nên đe dọa nước Mỹ”, nếu không sẽ phải “trả giá đắt”. Không lâu sau đó, Bộ Ngoại giao Iran cho biết sẽ thực hiện biện pháp đối phó "cứng rắn" với Hoa Kỳ nếu như nước này cố gắng ngăn chặn hoạt động xuất khẩu dầu của Iran.

Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô đứng đầu thế giới. Mỗi ngày, nền kinh tế này nhập khẩu trung bình khoảng 718.000 thùng dầu từ Iran trong 5 tháng đầu năm 2018, theo số liệu chính thức từ Hải quan Trung Quốc. Con số này tương đương với hơn 25% lượng dầu xuất khẩu của Iran. Trung Quốc đã tăng lượng nhập khẩu dầu của Iran lên 9,3% so với cùng kỳ năm trước, và dự kiến ​​sẽ không ngừng việc mua hàng dù Mỹ đã đe dọa sẽ trừng phạt cả các đối tác của Iran.

Trong quá khứ, khi từ chối tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ sẽ tìm cách giảm tác động tài chính của chế tài đó. David Dollar, học giả tại Trung tâm John L. Thornton nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Brookings, cho biết: "Cách làm của Trung Quốc nói chung là tôn trọng các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Nhưng đối với các biện pháp trừng phạt của Mỹ - kể cả song phương và đơn phương – Trung Quốc trong quá khứ thường đặt lợi ích kinh tế của mình lên trên mối quan hệ với Mỹ”.

Giáo sư David Dollar, học giả chuyên nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Brookings

Tuy nhiên, dưới thời chính quyền Obama, Hoa Kỳ đã đàm phán thành công với Trung Quốc trong việc thuyết phục Bắc Kinh giảm bớt đầu tư vào ngành dầu khí Iran. Giáo sư Dollar cũng cho rằng trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc đánh giá cao mối quan hệ song phương và lợi ích chung với Hoa Kỳ, bao gồm cả biến đổi khí hậu, an ninh và quan hệ kinh tế mạnh mẽ của hai quốc gia.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung do Tổng thống Trump “châm ngòi” đã gây ra thiệt hại không nhỏ cho thị trường tài chính Trung Quốc. Các cổ phiếu Trung Quốc liên tục giảm giá, một lượng lớn nhà đầu tư nước ngoài tìm cách bán cổ phiếu, rút vốn ra khỏi Trung Quốc do lo ngại nguy cơ chiến tranh thương mại bùng phát. Đồng Nhân dân tệ giảm giá kỉ lục trong vòng 3 năm qua, khiến Ngân hàng trung ương phải can thiệp nhằm hỗ trợ đồng nội tệ.

“Bởi vậy, thật khó để Bắc Kinh chịu hợp tác với Washington về vấn đề Iran lúc này”, David Dollar cho biết. "Nếu tôi là nhà lãnh đạo Trung Quốc, tôi cũng sẽ không vì lợi ích kinh tế ngắn hạn mà ngừng mua dầu từ Iran".

Những cuộc hội kiến và hoạt động hợp tác gần đây cho thấy dường như Bắc Kinh có ý định tăng cường mối quan hệ thương mại với Tehran chứ không phải giảm bớt. Ngay sau khi Hoa Kỳ thông báo rằng sẽ khôi phục các biện pháp trừng phạt, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo nước ngoài để được hỗ trợ. Chuyến thăm đầu tiên của ông là đến Bắc Kinh.

Sau chuyến thăm của ông Zarif, cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua đã công bố sự ra mắt của tuyến đường sắt mới kết nối Bayannur của Iran với khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc. Tuyến đường này sẽ đẩy nhanh thời gian di chuyển thêm 20 ngày so với vận chuyển bằng tàu. Đây là một phần của sáng kiến ​​Vành đai và Đường bộ trị giá 124 tỷ USD của Bắc Kinh. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đầu tư không nhỏ vào Iran để xây dựng đường sắt, đường cao tốc, cảng và nhà máy điện nhằm mở rộng thương mại.

Trung Quốc đầu tư không nhỏ vào Iran nhằm mở rộng thương mại, đặc biệt là xuất khẩu dầu thô

Trong tuần trước, khi được hỏi liệu Trung Quốc có hợp tác với các biện pháp trừng phạt của Mỹ hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lu Kang tuyên bố: "Trung Quốc luôn phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương và quyền tài phán dài hạn".

Các nhà phân tích dự đoán rằng thị trường dầu sẽ ngày càng khó lường trong vài tháng tới. Trong các phiên giao dịch gần đây, giá dầu trở nên bất ổn định hơn bao giờ hết. Một cuộc chiến tranh thương mại và lệnh cấm vận đối với Iran đã tạo ra một sự “xói mòn” đối với nhu cầu dầu thô toàn cầu trong ngắn hạn. "Thị trường sẽ bấp bênh trong suốt 2 tháng tới, cho đến khi sự sụt giảm trong xuất khẩu của Iran thực sự tác động", các nhà phân tích tại Energy Aspects cho biết trong một nghiên cứu được công bố hôm thứ Hai (23/).

Tin mới lên