Tài chính

MWG: Giảm sự hiện diện của thegioididong.com, "phủ bóng" Bách hóa xanh trong 2018

(VNF) – Năm 2018, Công ty Cổ phần Thế giới di động (MWG) dự kiến rót thêm 3.000 tỷ đồng để "phủ bóng" Bách hóa xanh tại thành phố Hồ Chí Minh, nâng số cửa hàng từ 300 lên 1.000 vào cuối năm. Chiến lược này được Hội đồng quản trị của MWG trình bày tại Đại hội cổ đông thường niên 2018.

MWG: Giảm sự hiện diện của thegioididong.com, "phủ bóng" Bách hóa xanh trong 2018

MWG sẽ giảm sự hiện diện của chuỗi thegioididong.com trong 2018

"Phủ bóng" Bách hóa Xanh tại TP. Hồ Chí Minh, chưa có kế hoạch ra Hà Nội

Đại hội cổ đông thường niên 2018 của MWG có 527 cổ đông tham dự cuộc họp, đại diện cho 68,4% cổ phiếu có quyền biểu quyết.

Tại Đại hội, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MWG, cho biết năm 2018, MWG sẽ giảm sự hiện diện của chuỗi cửa hàng Thegioididong.com và mở rộng chuỗi Bách hóa Xanh. 

MWG có kế hoạch tấn công thị trường TP. HCM với mục tiêu 800 đến 1.000 cửa hàng Bách hóa xanh được mở tại đây vào cuối năm 2018. MWG chưa có kế hoạch đưa Bách hóa Xanh ra Hà Nội.

MWG sẽ huy động 3.000 tỷ đồng để phục vụ cho kế hoạch phát triển kinh doanh Bách hóa Xanh trong năm 2018 từ các nguồn vốn tự có, lợi nhuận giữ lại và vốn vay trung – dài hạn.

MWG cũng muốn tăng vốn cho Công ty TNHH MTV Công nghệ thông tin Thế Giới Di Động với mức huy động là 400 tỷ đồng trong năm 2018; tăng vốn cho Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động thêm 1.000 tỷ đồng.

Ông Trần Kinh Doanh - Thành viên Hội đồng quản trị MWG, cho biết từ năm 2018 trở đi Điện máy Xanh mang lại doanh thu lớn nhất trong cơ cấu.

Cụ thể, Điện máy Xanh sẽ góp 51,2% doanh thu, Thegioididong.com chiếm 44,9%, còn lại Bách Hóa Xanh chiếm 3,9%. Tuy nhiên, trong các ngành hàng, điện thoại vẫn chiếm chủ lực, sau đó tới điện máy.

Ông Doanh cam kết đến tháng 6, tại TP. HCM sẽ có khoảng 500 điểm Bách hóa Xanh, hiện nay là hơn 300 điểm bán.

Mặc dù không mở thêm cửa hàng Thegioididong và Điện máy Xanh nhưng MWG dự kiến doanh thu trên mỗi cửa hàng tăng trưởng khoảng 5-10%

Trả lời câu hỏi của cổ đông về kế hoạch sử dụng 3.000 tỷ đồng cho chuỗi Bách hóa Xanh, ông Trần Kinh Doanh đề cập đến 4 vấn đề then chốt là: Bách hóa Xanh sẽ có mức bao phủ dày đặc, tạo sự thuận tiện; cung cấp hàng tươi sống đảm bảo, không thua kém các chợ truyền thống; danh mục sản phẩm phải bằng hoặc tốt hơn cửa hàng bách hóa truyền thống và cuối cùng là thái độ phục vụ của nhân viên tốt như các chuỗi khác của Thế Giới Di Động.

Theo ông Doanh, hiện tại hàng hóa ở Bách hóa Xanh không đắt hơn siêu thị. Trong tương lai, Bách hóa Xanh sẽ bán hàng với giá ngang bằng.

Ông Trần Kinh Doanh cũng cho biết 1 cửa hàng Bách hóa Xanh có khả năng đạt doanh thu trung bình khoảng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi mở rộng, có thể doanh thu bị sụt giảm. Nguyên nhân chính nằm ở mặt bằng, có nhiều cửa hàng ở vị trí khuất hoặc dân cư thưa thớt. 

Ngoài ra, ông Doanh cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm của Hội đồng quản trị trong việc chưa hoàn thiện các công cụ quản lý khi mở rộng chuỗi Bách hóa Xanh. Việc này sẽ được khắc phục muộn nhất là hết tháng 6 năm nay.

Nhận được câu hỏi từ cổ đông về việc "Khi nào Bách hóa Xanh thành công?", ông Trần Kinh Doanh nói "Khi nào lợi nhuận trực tiếp của Bách hóa Xanh ở mức dương, bù đắp mọi chi phí cho shop thì chúng tôi tự tin là thành công".

MWG sẽ không vận hành chuỗi nhà thuốc An Khang

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc chuỗi dược phẩm sẽ được vận hàng ra sao, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Hội đồng quản trị, cho biết MWG sẽ không vận hành chuỗi nhà thuốc An Khang mà chỉ là đơn vị hỗ trợ với tư cách cổ đông lớn.

Cụ thể, trước đây MWG có ý định mua trên 51% để chiếm quyền sở hữu, biến chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang thành công ty con và vận hành. Sau đó, Hội đồng quản trị đánh giá lại rủi ro và quyết định thương lượng, điều chỉnh đầu tư xuống dưới 40%. Như vậy, MWG không phải đơn vị vận hành nữa mà chỉ là đơn vị hỗ trợ nhà thuốc với tư cách cổ đông lớn. 

Các kế hoạch về việc vận hành chuỗi mà MWG đã chia sẻ trước đây bị "treo" lại hoàn toàn. Việc phát triển chuỗi sẽ phụ thuộc vào người quản lý của chuỗi. Tuy nhiên, chuỗi nhà thuốc An Khang vẫn sử dụng logo của Thế giới Di Động.

Thương vụ sáp nhập giữa MWG và Công ty Cổ phần Chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang được hoàn tất vào cuối tháng 12/2017. Trước đó, Phúc An Khang là đơn vị quản lý khoảng 20 cửa hàng bán lẻ dược phẩm quy mô trung bình tại TP. HCM.

Ông Nguyễn Đức Tài từng chia sẻ rằng nhiều khả năng MWG chỉ tham gia lĩnh vực dược phẩm với định hướng cho trung và dài hạn. Việc tham gia ngành bán lẻ dược phẩm sẽ được tiến hành chậm rãi vì đây là lĩnh vực hoàn toàn mới. Đến thời điểm chín muồi, MWG sẽ mở rộng chuỗi nhà thuốc An Khang theo cấp số nhân.

Trước đó, vào tháng 6/2017, MWG đã thông qua việc tăng ngân sách thực hiện mua bán – sáp nhập trong năm 2017 lên 2.500 tỷ đồng, gấp 5 lần kế hoạch được phê duyệt. Ban đầu, MWG dự kiến dành khoảng 500 tỷ đồng mua tối thiểu 20% cổ phần của chuỗi bán lẻ dược phẩm, sau đó nâng dần tỷ lệ sở hữu để nắm quyền chi phối.

Thừa nhận nhiều thiếu sót làm ảnh hưởng tới doanh thu của Trần Anh

Một thương vụ M&A khác của MWG trong năm 2017 được chú ý là sáp nhập Điện Máy Xanh và Trần Anh. Tại đại hội cổ đông thường niên, ông Trần Kinh Doanh đã thừa nhận có nhiều thiếu sót làm ảnh hưởng tới doanh thu Trần Anh.

Lãi gộp giữa Điện máy Xanh và Trần Anh chênh lệch khá xa. Về chi phí, cũng trên 1 đồng doanh thu, chi phí của Trần Anh cao hơn Điện Máy Xanh 3%. MWG đặt mục tiêu sẽ cải thiện chênh lệch lãi gộp giữa cửa hàng Điện Máy Xanh và Trần Anh là 1%. 

Chi phí khác biệt nhất giữa Điện Máy Xanh và Trần Anh hiện nay là thuê mặt bằng. Mục tiêu của MWG là cải thiện lại chi phí để kéo chênh lệch về khoảng 3%. Những việc này sẽ được xử lý hết tới tháng 7/2018.

Trong 2 tháng đầu năm 2018, doanh thu của MWG tăng 40%, lãi gộp tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.

Thế Giới Di Dộng đặt mục tiêu kinh doanh 2018 với doanh thu đạt 86.390 tỷ đồng, tăng 30% so với 2017; lợi nhuận sau thuế 2.603 tỷ đồng, tăng 18%.

Tin mới lên