Tài chính

Một loạt sai phạm của VEAM dưới thời ông Trần Ngọc Hà

Với vai trò là Tổng Giám đốc của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp - CTCP (VEAM), ông Trần Ngọc Hà đã vi phạm nhiều quy định về quản lý tài chính và điều lệ của VEAM.

Một loạt sai phạm của VEAM dưới thời ông Trần Ngọc Hà

Ông Trần Ngọc Hà, Tổng Giám đốc VEAM giai đoạn 2015-2018

Sai phạm trong quản lý vốn, tài sản, công nợ

Theo kết luận thanh tra của Bộ Công Thương, trong giai đoạn từ 2010 đến tháng 6.2018, dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hàng năm đều có lãi nhưng nguồn thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh mang lại. 

Quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót.

Trong công tác tổ chức cán bộ, công ty đã không thực hiện đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục, quy chế trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ như hồ sơ bổ nhiệm một số trường hợp không đầy đủ theo quy định; sai sót trong ban hành một số quyết định không cụ thể, chi tiết; không ban hành các quyết định về bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo đơn vị trực thuộc phù hợp với mô hình tổ chức mới của VEAM theo mô hình công ty mẹ - công ty con...

VEAM cũng có nhiều sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng Vốn, Tài sản, Công nợ. Theo đó, VEAM đã lưu trữ hồ sơ không đầy đủ các tài liệu liên quan đến quản lý tài sản, vốn đầu tư tại VEAM, Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy ôtô VEAM.

 Công tác kiểm tra tài sản chưa đầy đủ, không chính xác. Cụ thể, năm 2013, Nhà máy ôtô VEAM (VM) nhận tài sản cố định vào hoạt động nhưng VEAM và VM không thực hiện kiểm kê tài sản để ghi nhận chi tiết tài sản của Nhà máy cũng như tổng giá trị tài sản mà Nhà máy được bàn giao - giá trị tài sản cố định là 652 tỉ đồng.

Viện Công nghệ thuộc VEAM đã ghi giảm 29 tỉ đồng năm 2016. Ngoài ra, từ năm 2010 đến năm 2015, VEAM đã mua ôtô sai quy định số tiền vượt là 2 tỉ đồng.

VEAM  còn có những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng đất. Cụ thể như khu đất 25A Vũ Ngọc Phan, Hà Nội (Viện Công nghệ); Quản lý lô đất 27B Khu công nghiệp Quang Minh...

Một số khu đất quản lý không đúng quy định dẫn đến nguy cơ thất thoát, mất tài sản như công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo; Cty TNHH một thành viên Diesel Sông Công...

Thất thoát hàng tỉ đồng từ sai phạm trong kinh doanh

Thông qua thanh tra, Bộ Công Thương nhận thấy việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác kiểm tra, giám sát thiếu chặt chẽ đối với xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch tài chính hàng năm dẫn đến hoạt động của VEAM và một số đơn vị thành viên nhiều năm không hiệu quả, gây nguy cơ thất thoát vốn nhà nước, tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động kinh doanh. 

Việc mua 1.500 bộ linh kiện và việc mua 3.000 bộ linh kiện không được phê duyệt của hội đồng quản trị theo quy định. Việc mua 3.000 bộ linh kiện là vượt thẩm quyền được giao và không thực hiện tham khảo giá và đàm phán theo quy định.

Tổng Giám đốc VEAM đã thực hiện chi tiền cho đề án xúc tiến thương mại trong khi chưa được phê duyệt của Hội đồng quản trị là trái với quy định của Điều lệ tổ chức và hoạt động của VEAM.

Mặt hàng thuộc bộ linh kiện HD72, VEAM khai sai mã số HS, thuế suất của hàng hoá nhập khẩu dẫn đến bị Hải quan thành phố Hà Nội xử phạt với số tiền hơn 35 tỉ đồng.

VEAM cũng sai phạm trong việc bán hàng tiêu thụ sản phẩm và thanh toán tiền hàng không theo nội dung được thỏa thuận trong hợp đồng, cùng nhiều sai phạm khác trong kinh doanh tại các đơn vị con. 

Bộ Công Thương xác định, trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Thanh Giang (Tổng Giám đốc giai đoạn 2010-2011); ông Lâm Chí Quang (Chủ tịch giai đoạn 2004-2011, Tổng giám đốc 2011-2015); ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch giai đoạn 2011-2014, Tổng giám đốc giai đoạn 2015-2018); ông Bùi Quang Chuyện (Chủ tịch 2015 đến nay), cùng Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Người đại diện vốn nhà nước, Ban Kiểm soát, Kế toán trưởng...

Với những sai phạm nêu trên, ông Trần Ngọc Hà đã bị bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam qua hình thức bỏ phiếu.

Tin mới lên