Tài chính quốc tế

Moody’s lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Theo dự đoán của Moody’s, sau khi đạt mức tăng trưởng GDP cao nhất trong sáu năm là 6,8% vào năm 2017, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2018.

Moody’s lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Theo dự đoán của Moody’s, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2018. Ảnh: EPA

Trong báo cáo vừa công bố mang tên “Triển vọng Việt Nam: Khả năng phục hồi giữa sự bấp bênh của các thị trường mới nổi”, hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s nhận định nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tăng tốc với triển vọng lạc quan, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của những bất ổn tài chính và thương mại gần đây đối với nhiều thị trường mới nổi ở Đông Nam Á.

Theo dự đoán của Moody’s, sau khi đạt mức tăng trưởng GDP cao nhất trong sáu năm là 6,8% vào năm 2017 (số liệu đã điều chỉnh theo lạm phát), nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2018.

Triển vọng kinh tế tích cực được hỗ trợ bởi hoạt động xuất khẩu các mặt hàng điện tử và dệt may đang diễn ra mạnh mẽ, đi cùng đà phục hồi tương đối của lĩnh vực nông nghiệp và dòng vốn đầu tư nước ngoài ổn định.

Ngoài ra, không giống những năm qua, thị trường nội địa mạnh mẽ cũng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với lượng khách du lịch ở mức cao kỷ lục kể từ đầu năm nay và một thị trường lao động vững mạnh, lĩnh vực tiêu dùng đã ghi nhận tăng trưởng hai con số kể từ năm ngoái.

Thương mại tiếp tục là động lực thúc đẩy sự phát triển tại Việt Nam. Những lợi thế như chi phí lao động thấp, lực lượng lao động trẻ dồi dào và đang gia tăng đã giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất, trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu trong nửa đầu năm 2018.

Kết quả là, cán cân thương mại được cải thiện đã làm tăng thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam, chiếm đến 6,6% GDP trong quý II/2018, từ con số 5,1% GDP của năm 2017.

Bên cạnh đó, chịu tác động từ những căng thẳng thương mại đang bùng phát, các công ty đa quốc gia, bao gồm LG và Samsung, đã chuyển một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các khu vực khác, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù vậy, căng thẳng thương mại toàn cầu và sự mạnh lên của đồng USD cũng có tác động tiêu cực đến thị trường tài chính Việt Nam trong năm nay, dù ảnh hưởng này là nhỏ hơn so với các thị trường mới nổi khác. Chỉ số chứng khoán VN-Index đã giảm hơn 20% kể từ mức đỉnh đạt được hồi tháng Tư, song đây vẫn là một trong số ít các thị trường mới nổi duy trì hoạt động tích cực cho đến nay.

Trong khi đó, đồng Việt Nam đã mất giá 2,7% so với đồng USD kể từ đầu năm 2018, song đây vẫn chưa phải là con số đáng lo ngại nếu đem so sánh với các đồng tiền của những thị trường mới nổi khác.

Thặng dư tài khoản vãng lai và nguồn dự trữ ngoại tệ lớn sẽ tiếp tục định vị nền kinh tế Việt Nam ở vị trí tốt hơn so với những thị trường mới nổi khác vốn đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng trầm trọng.

Do đó, Moody’s kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ duy trì lập trường trung lập cho đến hết năm nay. Ngân hàng trung ương chủ yếu hài lòng với các điều kiện kinh tế đang diễn ra và muốn duy trì một môi trường mà hỗ trợ hoạt động đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế.

Cùng với đó, các chính sách kinh tế vĩ mô hiệu quả và cải cách cơ cấu hơn nữa là hai yếu tố rất quan trọng quyết định sự tăng trưởng liên tục trong trung và dài hạn.

Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng ổn định gánh nặng nợ của Chính phủ, do tỷ lệ nợ công của Việt Nam hiện đã tăng lên mức ước tính 63,7% GDP trong năm 2017, theo số liệu từ Bộ Tài chính.

Xem thêm >> Grab bị phạt hàng trăm triệu vì hoạt động 'chui'

Tin mới lên