Tiêu điểm

Mobifone hủy hợp đồng mua cổ phần AVG: Những câu hỏi chưa có lời giải

(VNF) - Các vấn đề tài chính, pháp lý và nhân sự sẽ phát sinh ngay cả trong trường hợp Mobifone và AVG tìm được giải pháp khả dĩ cho thương vụ mua cổ phần tai tiếng.

Mobifone hủy hợp đồng mua cổ phần AVG: Những câu hỏi chưa có lời giải

Như VietnamFinance đã đưa tin, ngày 12/3/2018, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc Công ty Viễn thông Mobifone cùng 3 đại diện của nhóm các cổ đông Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã bàn bạc, thoả thuận về Hợp đồng mua cổ phần AVG của Mobifone.

Theo đó, hai bên đã thống nhất huỷ bỏ Hợp đồng mua cổ phần của Mobifone với AVG. Phía AVG nhận lại cổ phần công ty và hoàn trả các chi phí đã nhận từ Mobifone, trong khi phía Mobifone làm các thủ tục huỷ bỏ Hợp đồng.

Đáng chú ý là trước đó, Ban Bí thư đã giao Thường trực Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo và chịu trách nhiệm về Kết luận thanh tra, sớm công bố Kết luận thanh tra thương vụ này theo quy định của pháp luật.

"Các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc đảm bảo khách quan, chính xác theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật và thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát", Ban Bí thư chỉ đạo.

Câu hỏi được đặt ra là, nếu các bên thống nhất việc hủy hợp đồng thì việc xử lý các vấn đề liên quan sẽ được thực hiện thế nào?

Thứ nhất là vấn đề tài chính. Theo thông tin đã được công bố, để mua 95% cổ phần của AVG, Mobifone đã phải chi ra 8.890 tỷ đồng. Với mức vốn điều lệ của AVG tại thời điểm chuyển nhượng là 3.628 tỷ đồng, Mobifone đã chi ra mức giá cao gấp 2,58 lần mệnh giá cổ phần doanh nghiệp này.

Chưa rõ các bên sẽ "chốt" con số trả lại là bao nhiêu. Nếu trả nguyên số tiền 8.890 tỷ, đây sẽ là áp lực rất lớn cho AVG. Trong khi đó, ngay cả việc nhận lại đủ số tiền này, Mobifone cũng "khó ăn khó nói" khi về lý thuyết, các khoản đầu tư phải sinh lợi, nếu không sinh lợi thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm.

Cần nhắc lại một "tiền lệ" đầy tính thời sự là trong một đại án được xét xử mới đây, cơ quan công tố đã xác định "thiệt hại" đối với một khoản tiền lãi ngay cả khi tiền gốc đã được thu hồi đầy đủ.

Thứ hai là vấn đề pháp lý. Hợp đồng với giá trị lớn như vậy chắc chắn sẽ kèm theo nhiều điều khoản ràng buộc khác về trách nhiệm của các bên. Hơn nữa, thương vụ cũng đã diễn ra được hơn hai năm, trong thời gian đó bản thân công ty AVG cũng đã có nhiều hoạt động có phát sinh doanh thu, chi phí, thì việc hạch toán, đánh giá lại sẽ như thế nào?

Thứ ba là vấn đề nhân sự. Cho dù việc hủy hợp đồng và AVG có thể giúp "thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát" theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, thì câu hỏi đặt ra đối với các nhân sự liên quan đến thương vụ này như thế nào? Nếu chỉ đảm bảo việc "thu hồi tài sản" thì việc "làm rõ đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật" sẽ được thực thi như thế nào?

Có lẽ, đã đến lúc cần minh bạch hóa các thông tin về thương vụ này, nhất là nội dung hợp đồng, để có thể đưa ra được giải pháp hợp tình hợp lý nhất, đúng với tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư và đảm bảo đưa lại niềm tin trong đông đảo nhân dân.

Tin mới lên