Ngân hàng

Masan chia cổ tức, Techcombank liệu có tiếp bước?

(VNF) – Techcombank tiếp bước Masan trong vấn đề chia cổ tức, trong bối cảnh lợi nhuận đang rất dồi dào và cổ đông nhỏ lẻ đã phải chờ đợi quá lâu, là phương án "vẹn cả đôi đường" cho Techcombank, cổ đông đặc biệt Masan và cả các cổ đông nhỏ lẻ.

Masan chia cổ tức, Techcombank liệu có tiếp bước?

Techcombank sẽ tiếp bước Masan trong vấn đề chia cổ tức?

Từ Techcombank đến "Tech-come-back"

Thời gian gần đây, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) được nhắc đến như là một hiện tượng trong giới ngân hàng khi lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2016 của ngân hàng này lên tới 2.864 tỷ đồng, chính thức vượt qua MBBank và chỉ chịu thua "tam trụ" ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV cùng một hiện tượng đặc biệt khác là VPBank.

Tuy nhiên thực ra, Techcombank đã từng có thời kỳ rất rực rỡ trong quá khứ và thời kỳ đó mới chỉ cách đây có 5 năm. Còn nhớ năm 2011, Techcombank là ngân hàng có lợi nhuận trước thuế lớn nhất trong số các ngân hàng thương mại cổ phần ngoại trừ 3 "ông lớn" Vietcombank, VietinBank và BIDV.

Cụ thể, năm 2011, lợi nhuận trước thuế của Techcombank lên đến 4.221 tỷ đồng, nhỉnh hơn 19 tỷ đồng so với ACB và nhỉnh hơn 156 tỷ đồng so với Eximbank. Thời kỳ đó, "đại gia" Sacombank chỉ thu về "vỏn vẹn" 2.770 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; con số này ở MBBank cũng "chỉ" là 2.625 tỷ đồng.

Hồi ấy, Techcombank được coi là hình mẫu phát triển của nhiều ngân hàng và thường được gọi với cái tên thân mật là "Tech".

Lợi nhuận trước thuế Techcombank

Lợi nhuận trước thuế của nhóm 6 ngân hàng thời kỳ năm 2011 và 9 tháng đầu năm 2016

Nhưng kể từ khi Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh từ nhiệm sau hơn 12 năm gắn bó, thay vào đó là vị CEO ngoại Simon Morris, Techcombank bỗng tăng trưởng chậm lại một cách rõ rệt về cả lợi nhuận, vốn chủ sở hữu và dư nợ tín dụng trong 3 năm tiếp theo là 2012, 2013 và 2014.

Cụ thể, xét trong giai đoạn 2011 – 2014, tăng trưởng bình quân mỗi năm về lợi nhuận trước thuế, vốn chủ sở hữu và dư nợ tín dụng của Techcombank lần lượt là -9,4%, 6,2% và 8,3%. Đây đều là những mức tăng trưởng thấp, thậm chí trường hợp lợi nhuận còn tăng trưởng âm.

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến Techcombank không chia cổ tức trong các năm 2012, 2013, 2014. Riêng năm 2011, Techcombank không tiến hành chia cổ tức nhiều khả năng là để chuẩn bị cho 3 năm giảm tốc sau đó.

Biểu đồ tình hình tài chính của Techcombank

Tình hình tài chính của Techcombank giai đoạn 2011 – 9 tháng đầu năm 2016

Sở dĩ có Techcombank tăng trưởng chậm lại trong thời kỳ năm 2012 – 2014, theo lý giải từ phía ngân hàng này, chủ yếu là do chính sách thận trọng trong trích lập dự phòng rủi ro, lãi suất cho vay thấp và môi trường tín dụng cạnh tranh hơn. Dù lý giải như vậy, nhưng giới ngân hàng vẫn khá khó hiểu với việc sụt giảm lợi nhuận rất mạnh của Techcombank, đặc biệt là trong năm 2012.

Theo quan sát trực quan, còn một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận là do chi phí hoạt động của Techcombank đột nhiên tăng rất mạnh trong năm 2012, từ mức 2.099 tỷ đồng của năm 2011 lên mức 3.294 tỷ đồng. Trong đó, tiêu biểu là các khoản tăng lương, tăng chi phí in ấn, tiếp thị và khuyến mại, tăng chi phí thuê trụ sở và tài sản, tăng chi phí bảo dưỡng và sửa chữa tài sản.

Sang đến năm 2015, Techcombank bắt đầu lấy lại vị thế khi lợi nhuận trước thuế, vốn chủ sở hữu và dư nợ tín dụng tăng trưởng lần lượt 43,8%, 9,8% và 39% so với năm 2014. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn tiếp tục "khất" cổ tức như những năm trước dù lợi nhuận và vị thế đã được cải thiện rất rõ rệt.

9 tháng đầu năm 2016, ngân hàng "Tech" ngày nào đã thực sự trở lại khi lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đã vươn lên con số 2.864 tỷ đồng, tăng tới 84,7% so với cùng kỳ 2015. Hay nói một cách ví von, Techcombank đã thực sự trở thành "Tech-come-back".

Lợi nhuận đã dồi dào, vị thế đã trở lại, Techcombank khó lòng tiếp tục chối bỏ trách nhiệm chia cổ tức cho cổ đông, nhất là khi nhiều cổ đông nhỏ lẻ đã chấp nhận hy sinh lợi tức nhiều năm để gắn bó với Techcombank trong giai đoạn gập ghềnh.

Nhưng vẫn còn một nhân tố đáng kể nữa sẽ thúc đẩy tiến trình chia cổ tức của Techcombank, đó là Tập đoàn Masan.

Cổ tức Techcombank và nhân tố Masan

Có lẽ cũng không cần nói quá nhiều về mối quan hệ "huyết thống" giữa Techcombank và Masan. Techcombank từ lâu đã hoạt động như là một công ty liên kết của Tập đoàn Masan và cho đến thời điểm kết thúc ngày 31/12/2015, Masan hiện đang sở hữu trực tiếp 15% cổ phần của Techcombank. Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh hiện đang đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT Masan, trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Masan Nguyễn Đăng Quang lại đang đồng thời là Phó Chủ tịch thứ nhất của Techcombank.

Nhưng điều này thì có liên quan gì đến việc chia cổ tức của Techcombank?

Trong một diễn biến rất bất ngờ mới đây, Masan cho biết, tập đoàn này đã gửi thư xin ý kiến cổ đông phê duyệt kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 50% và chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 30%, tương đương mỗi cổ phiếu nhận được 3.000 đồng.

Động thái này không chỉ khiến cổ đông của Masan chú ý, mà còn khiến cổ đông của Techcombank được dịp ngóng chờ, bởi bộ đôi Masan – Techcombank nhiều năm trở lại đây đã "rủ nhau" không chia cổ tức, giờ Masan tiến hành chia cổ tức, liệu Techcombank có tiếp bước không?

Techcombank liệu có chia cổ tức?

Việc Masan chia cổ tức là yếu tố thúc đẩy tiến trình chia cổ tức ở Techcombank diễn ra nhanh hơn trong bối cảnh lợi nhuận của Techcombank đã khá dồi dào

Nhận định này không phải là không có cơ sở. Bởi một khi Masan tiến hành chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ khá cao là 30%, tập đoàn này sẽ cần đến hàng nghìn tỷ đồng để trang trải.

Để giảm thiểu tác động của việc giảm vốn chủ sở hữu do giảm lợi nhuận chưa phân phối trong bối cảnh nợ vay đang ở mức cao, Masan có thể sẽ phải tìm kiếm thêm các nguồn lợi nhuận khác để bù đắp phần nào vào lượng tiền bị hụt đi, trong đó khả thi nhất là nguồn cổ tức từ Techcombank.

Mặc dù tỷ lệ sở hữu trực tiếp của Masan tại Techcombank "chỉ" là 15% nhưng trên thực tế, lợi ích kinh tế của tập đoàn này trong Techcombank tại ngày 30/09/2016 lên tới 30,4%, bao gồm 15,7% là thông qua sở hữu trực tiếp và gián tiếp cổ phần, còn lại 14,7% là thông qua trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 10 năm phát hành bởi Techcombank.

Việc Techcombank tiếp bước Masan trong vấn đề chia cổ tức, trong bối cảnh lợi nhuận đang rất dồi dào và cổ đông nhỏ lẻ cũng đã chờ đợi quá lâu, là một phương án "vẹn cả đôi đường" cho Techcombank, cổ đông đặc biệt Masan và cả các cổ đông nhỏ lẻ. Nếu không phải thời điểm sắp tới, có lẽ cổ đông nhỏ lẻ của Techcombank sẽ tiếp tục phải "dài cổ" chờ cổ tức trong một thời gian dài, thậm chí là rất dài nữa.

Tin mới lên