Tài chính quốc tế

Lý do tỷ phú Trung Quốc đổ sang Mỹ du học

Nếu Mark Zuckerberg, Bill Gate... bỏ học để kinh doanh thì nhiều tỷ phú Trung Quốc tìm cách đi học lại sau thời gian dài tập trung cho sự nghiệp.

Cuối tuần trước, tỷ phú Trung Quốc - Richard Liu bị bắt giữ tại Mỹ với cáo buộc cưỡng bức. Nhà sáng lập JD.com khi đó đang học tại Trường quản lý Carlson thuộc Đại học Minnesota, nhằm hoàn tất một chương trình hợp tác Mỹ - Trung đào tạo tiến sĩ quản trị kinh doanh.

Điều khiến nhiều người ngạc nhiên là vì sao với số tài sản hơn 7 tỷ USD, tỷ phú này không chọn một hoạt động khác mà lại sang Mỹ học tập. Bloomberg cho biết trên thực tế, việc này đang trở thành xu hướng tại Trung Quốc.


Richard Liu (Lưu Cường Đông) - nhà sáng lập, chủ tịch kiêm CEO JD.com. Ảnh: Sina

Chương trình này hợp tác với Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), phục vụ tầng lớp lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao đang tăng nhanh tại Trung Quốc. Phần lớn thời lượng khóa học diễn ra tại Bắc Kinh với đối tượng sinh viên có độ tuổi trung bình là 50 và đa phần là các giám đốc doanh nghiệp đình đám.

Không như Mỹ - nơi rất nhiều doanh nhân như Mark Zuckerberg và Bill Gates bỏ học để làm kinh doanh, các lãnh đạo Trung Quốc thường tìm cách đi học lại sau một thời gian dài tập trung cho sự nghiệp. “Có bằng cấp tốt, trình độ giáo dục tốt sẽ giúp anh được công nhận nhiều hơn”, Wang Huiyao - nhà sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa cho biết, “Trung Quốc để ý đến giáo dục nhiều hơn”.

Dĩ nhiên, họ không chỉ học để lấy bằng. Nhiều người coi đây là cơ hội du lịch. Số khác đang có kế hoạch mở rộng thị trường lại tận dụng việc này để tăng mạng lưới ở nước ngoài và tìm hiểu thị trường ở đây.

“Với những người như Richard Liu, ông ấy không quá quan trọng việc quen thêm nhiều người. Đây chắc chắn là chuyến đi nhằm mở rộng kiến thức, học thêm ý tưởng mới, hiểu rõ hơn về xã hội và thị trường Mỹ”, Freeman Shen - cựu sinh viên Đại học Minnesota cho biết. Ông là người sáng lập hãng xe điện WM Motor Technology.

Dù căng thẳng Mỹ - Trung đang lên cao, Đại học Minnesota vẫn quảng cáo về truyền thống chào đón sinh viên phương Đông từ hàng chục năm nay. Trường này cho biết họ là một trong những đại học đầu tiên khôi phục các chương trình trao đổi sau khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc cuối thập niên 70. Năm 2008, họ còn mở văn phòng tại Bắc Kinh để hỗ trợ hoạt động này.

Shen cho biết “giáo dục tại Minnesota cũng khắt khe như Harvard”. Các du học sinh và giám đốc tuyển dụng thì nhận định lý do cốt lõi của làn sóng du học là nhu cầu cấp thiết giải quyết các vấn đề nảy sinh trong một nền kinh tế đang chuyển biến nhanh. Đó là sự phân hóa giàu nghèo, phát triển công nghệ và tăng trưởng bền vững.

“Ai cũng biết những gì có hiệu quả trong quá khứ sẽ không có tác dụng trong tương lai”, Ken Qi - giám đốc tuyển dụng tại Spencer Stuart cho biết, “Cả nền kinh tế đang chịu sức ép khủng khiếp phải thay đổi. Những chương trình như thế này đang ngày càng phổ biến trong giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc”.

Những người theo học chương trình này rất đa dạng, từ nhà sáng lập các startup đến lãnh đạo các công ty quốc doanh. Ngoài lợi ích là mở rộng quan hệ, các công ty Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ còn muốn học cách các doanh nghiệp phương Tây sử dụng công nghệ để vượt qua thời kỳ kinh tế biến đổi.

“Carlson nổi tiếng là nơi thay đổi các sinh viên”, Chủ tịch Ant Financial - Eric Jing cho biết trong một bài phát biểu năm 2017, “Tôi đã khám phá ra rất nhiều điều ở đây - kiến thức, góc nhìn toàn cầu và tham vọng kết nối Carlson với Trung Quốc”.

Tin mới lên