Bất động sản

Luật sư nói gì về việc 'bán thầu' tại Dự án của trường Đại học Hàng Hải

(VNF) - Trao đổi với VietnamFinance, Luật sư Lê Thu Hằng, Công ty Luật TAT Law Firm khẳng định: “Theo nội dung mà VietnamFinance đã phản ánh về vụ việc ‘bán thầu’ tại Dự án nhà thi đấu đa năng của trường Đại học Hàng Hải thì cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, bồi thường trách nhiệm dân sự và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư nói gì về việc 'bán thầu' tại Dự án của trường Đại học Hàng Hải

Khu nhà thi đấu đa năng của Đại học hàng hải Việt Nam

Nhà thầu cố tình làm sai lệch hồ sơ

Luật sư Lê Thu Hằng cho rằng: theo nội dung phản ánh về những dấu hiệu có hành vi vi phạm của Chủ đầu tư, nhà thầu liên quan đến lĩnh vực đấu thầu Dự án “Xây dựng nhà tập luyện và thi đấu đa năng-Khu liên hiệp thể thao” của trường Đại học Hàng Hải.

Cụ thể: “Dự án còn tồn tại một số vấn đề trong đó công tác quản lý của Tư vấn giám sát, chủ đầu tư đối với việc quản lý nhà thầu còn chưa chặt chẽ. Ngoài ra, chưa kịp thời phát hiện việc chuyển nhượng thầu (bán thầu) để quản lý và hợp đồng đã ký kết, kết quả hoạt động Tư vấn giám sát chưa cao”.

Đối chiếu qui định pháp luật hiện hành tại Luật đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành thì cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, bồi thường trách nhiệm dân sự và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ảnh: Luật sư Lê Thu Hằng, Công ty Luật TAT Law Firm

Việc nhà thầu cố ý trình bày sai, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu nhằm thu được lợi ích, trốn tránh nghĩa vụ hoặc cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ đấu thầu làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu đều bị coi là gian lận trong đấu thầu theo quy định tại Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu. Nhà thầu có các hành vi gian lận này thì bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 đến 5 năm căn cứ Khoản 1 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Về trình tự xử lý vi phạm, theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 90 Luật Đấu thầu, người có thẩm quyền ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự toán mua sắm trong phạm vi quản lý của mình; trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương hoặc đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước.

Chuyển nhượng thầu trái phép xử lý thế nào?

Đối với hành vi chuyển nhượng thầu trái phép cần được cơ quan có thẩm quyền xem xét điều tra làm rõ để xác định cụ thể cá nhân, đơn vị vi phạm. Trong quá trình thực hiện các gói thầu, luật pháp cho phép các nhà thầu được chuyển nhượng nhằm thực hiện hiệu quả gói thầu. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng thầu cần tuân thủ các quy định của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật hiện nay, các hành vi chuyển nhượng thầu sau bị nghiêm cấm: Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá hợp đồng đã ký kết; Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc thuộc trách nhiệm thực hiện của nhà thầu, trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ đã kê khai trong hợp đồng.

Đối với việc xử lý vi phạm theo qui định tại khoản 1 Điều 121 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định như sau: “Cảnh cáo, phạt tiền được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư”. Cụ thể, hình thức cảnh cáo, phạt tiền áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu được quy định tại mục 3 chương II của nghị định 50/2016/NĐ-CP.

Trong đó, những hành vi bị xử lý là: Vi phạm các quy định về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Vi phạm các quy định về hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; Vi phạm các quy định về tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;… với mức phạt tiền cao nhất là 40 triệu đồng với hành vi Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu, nhà đầu tư không đúng tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu dẫn đến thay đổi kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Cho phép nhà thầu làm rõ hồ sơ dự thầu dẫn đến làm thay đổi bản chất của nhà thầu tham dự thầu.

Nhà thầu sai phạm chỉ bị cấm cửa 1 năm, Bộ GTVT có ‘giơ cao đánh khẽ’?

Theo quyết định số 1827/QĐ-BGTVT của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, nhà thầu là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và du lịch chỉ bị cấm cửa tại các dự án Bộ GTVT trong vòng 1 năm.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Lê Thu Hằng cho rằng: đối với nhà thầu sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu theo Khoản 2 Điều 121 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định: “Cấm tham gia hoạt động đấu thầu được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại Điều 89 của Luật Đấu thầu và Khoản 8 Điều 12 của Nghị định này”.

Theo đó, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi bị cấm theo quy định của luật đấu thầu và vi phạm quy định về sử dụng lao động sẽ bị cấm tham gia vào hoạt động đấu thầu và đưa vào danh sách các nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Ngoài ra, nếu hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 222 của Bộ luật hình sự 2015 về “Tội vi phạm qui định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Cụ thể với các mức độ xử lý vi phạm như: bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm (khoản 1); bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm (khoản 2); bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm (khoản 3); và người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (khoản 4).

Xử lý các cá nhân tổ chức thế nào?

Theo luật sư Lê Thu Hằng, trước tiên, về vấn đề bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực đấu thầu được quy định tại Điều 124 nghị định 63/2014/NĐ-CP như sau: “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại và các quy định khác của pháp luật liên quan”.

Như vậy, nếu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu mà gây thiệt hại thì sẽ phải chịu trách nhiệm bối thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại như pháp luật dân sự và các quy định khác có liên quan.

Hiện nay, việc pháp luật quy định chi tiết những hành vi bị cấm, những hành vi vi phạm với hình thức xử lý tương ứng đã tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để xử lý những vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu.

Tuy nhiên, trên thực tế việc buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng cũng khiến việc vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu vẫn còn phổ biến đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư công. Do vậy, cần siết chặt khu vực này thì việc thông thầu, vi phạm quy trình đấu thầu sẽ được giảm thiểu đáng kể…

Những vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực đấu thầu gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng của hoạt động đấu thầu, một hoạt động mang ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển nền kinh tế của quốc gia.

Do đó, khi pháp luật đã có những quy định cụ thể về vấn đề này thì việc các cơ quan có thẩm quyền đưa những quy định này thi hành trên thực tế là cần thiết để hoạt động đấu thầu diễn ra hiệu quả, đạt được mục tiêu đã đề ra.

Điều này rất cần có sự quyết tâm của cơ quan thực thi và giám sát thực thi pháp luật để ngăn chặn kịp thời các hành vi hối lộ, tham nhũng, gian lận vẫn còn phổ biến và nhức nhối trong xã hội.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, các sai phạm 'bán thầu' tại Đại học hàng hải xảy ra trong giai đoạn những năm 2015 đến 2017, thời kỳ ông Lương Công Nhớ làm Hiệu trưởng và ông Lê Quốc Tiến làm Hiệu phó.

Hiện ông Lương Công Nhớ, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học hàng hải đã chính thức về hưu. Thay ông Lương Công Nhớ là PGS.TS Phạm Xuân Dương được Bộ GTVT bổ nhiệm ngày 23/5/2019.

Tuy nhiên, rất bất ngờ rằng, dù liên quan đến các sai phạm tại Dự án xây dựng nhà tập luyện và thi đấu đa năng nhưng Hiệu phó Lê Quốc Tiến vẫn được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng.

 

Tin mới lên