Tiêu điểm

Lựa chọn sự thật và bản lĩnh của báo chí

(VNF) - Chưa bao giờ, các nhà báo lại phải đối diện với nhiều thách thức rất nặng nề và không dễ đoán định về sự thay đổi của báo chí, truyền thông và mạng xã hội như thời đại hiện nay.

Lựa chọn sự thật và bản lĩnh của báo chí

Người ta có thể nhận thấy quá trình báo chí phát triển liên tục và mạnh mẽ. Thông qua việc khảo sát tên gọi chung của báo chí trong lịch sử xuất hiện và tồn tại trên phạm vi toàn cầu là ta đã thấy, từ sự thay đổi hình thức, tần suất bên ngoài cho đến bản chất bên trong. Ban đầu là information, magazine, journal, tiến đến press, news, rồi đến media.

Và ngày nay, thì báo chí không còn là chủ đạo cho việc cung cấp thông tin nữa, mà là một xã hội truyền thông, là communication, change communition. Báo chí ngày nay chỉ còn là một phần của truyền thông xung quanh con người. Không biết sắp tới sẽ là gì? Liệu có phải là social media, social communication không?

Chưa bao giờ truyền thông lại mạnh mẽ, phong phú và vây bủa chúng ta như thế này. Xung quanh chúng ta là dày đặc các phương tiện và loại hình truyền thông. Trong vòng vài thập kỷ vửa qua, truyền thông phát triển với tốc độ chóng mặt, gây nên sự bùng nổ thông tin trên phạm vi toàn thế giới.

Sự phát triển công nghệ đã đưa thế giới vào kỷ nguyên mới của truyền thông, trong đó hầu như tất cả mọi người đều được tiếp cận, hơn nữa, trở thành đồng sáng tạo và đóng góp cho truyền thông. Thông tin được truyền đi với những cách thức rất mới mẻ, tạo ra những hiệu ứng và hậu quả không thể đoán định trước được.

Đã xuất hiện cụm từ “we media” mô tả khả năng tiếp cận thông tin toàn cầu hầu như vô tận với những nội dung cho phép tăng cường sự tham gia của mỗi cá nhân vào lĩnh vực thông tin có ảnh hưởng tới xã hội. Mỗi cá nhân có thể tham gia, tác động trực tiếp vào quá trình và nội dung thông tin, có thể trở thành chủ thể, làm thay đổi tính chất của thông tin. Thế giới thông tin hiện đại là thế giới truyền thông tương tác nhiều chiều.

Trước thực tế ấy, liệu rồi báo chí sẽ tiến đến tiêu vong vì sự xâm lấn của các dạng thức truyền thông mới, của mạng xã hội không? Chưa có câu trả lời!

Trước mắt, báo chí, với những ưu thế về nhiều mặt, sẽ vẫn còn sống tốt, vẫn được bạn đọc chờ đợi, nếu nó mang đến được sự thật cần thiết cho công chúng.

Và đây là câu chuyện thời sự của người làm báo, của nhà báo: làm báo là mang những tiếp nhận của mình để chia sẻ với bạn đọc. Mỗi khi chuẩn bị một tác phẩm, dù là từ một dòng tin, nhà báo cũng đứng trước nhiều lựa chọn. Những lựa chọn sẽ dần làm nên ấn tượng và tình cảm của bạn đọc, xấu hay tốt, tin tưởng hay ngờ vực là do bản lĩnh của những người đứng đầu các tòa soạn, của những nhà báo, thể hiện ở việc lựa chọn nội dung và thông tin mà họ mang tới cho bạn đọc của mình. Lựa chọn đúng thông tin, lựa chọn đúng sự thật để mang đến cho bạn đọc chính là thể hiện bản lĩnh của báo chí.

Câu nói “Có rất nhiều thứ gần giống sự thật, nhưng sự thật chỉ có một” đã nhắc nhở về khó khăn trong tiếp cận sự thật để phản ánh với bạn đọc của mình.

Hồi báo chí nổi lên phong trào chống tiêu cực, tạo nên một “cơn sốt” xã hội, nhiều vụ việc động trời được phơi bày, dường như không có vùng cấm, báo chí bỗng vang động sức mạnh và vẻ đẹp quyến rũ...

Giữa những ngày đó, tôi nghe trên đài kể tội rất đanh thép một vị tổng giám đốc với đủ mọi loại tiêu cực, lộng quyền, mất dân chủ, tham ô, lãng phí... Tôi, và bao nhiêu người nghe như tôi, đã rất căm ghét vị tổng giám đốc này. Thế rồi có tin, ông ta đã dùng dây điện thắt cổ tự tử tại phòng làm việc để minh oan cho chính mình. Sau đó, có nhiều thông tin nói lại là ông tổng giám đốc ấy không tiêu cực như vậy, ông ta còn có công dám xé rào khi kinh tế thị trường bắt đầu có tín hiệu hình thành... Được minh oan thì ông tổng giám đốc kia đã chết. Liệu ông ta không tự tử thì có được minh oan?

Ngay trước khi sáng tỏ vụ án Nguyễn Thanh Chấn, tôi vẫn đọc được trên một vài tờ báo có mấy bài viết, cho rằng đây là một kẻ phạm tội rất tinh vi, lại còn kêu oan và kêu oan kiên trì. Vậy mà chỉ sau đó một thời gian ngắn, thủ phạm thật sự của vụ án lộ diện, ông Nguyễn Thanh Chấn được tạm tha, rồi chính thức được minh oan sau 10 năm bị kết án và tù giam...

Hay mới đây nhất, khi xảy ra vụ án cô gái giao gà bị làm nhục và giết chết ở Điện Biên, bạn đọc thương xót cho nạn nhân, cho gia đình cô ấy, nhất là người mẹ nghèo đau khổ. Khi những tên tội phạm đầu tiên bị bắt, có rất nhiều người còn buông lời trách mắng là công an đã quá chậm trong việc tìm ra thủ phạm, đã không ngăn được cái chết của cô gái. Những ý kiến này ban đầu xuất hiện trên mạng xã hội. Đã có không ít bài báo trên những tờ báo chạy theo dư luận này. Nhưng đến khi mẹ cô gái này bị bắt, thì dư luận lại bất ngờ, lại xoay chuyển. Hóa ra vụ án ấy là quá mức phức tạp, là kỳ lạ đến không thể hiểu nổi và người ta mới thầm cảm phục người phá án…

Trong những câu chuyện trên, tôi tin rằng các nhà báo khi tiếp cận sự thật đã không tự đánh lừa mình, không cố tình phản ánh sai sự thật. Họ đã, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, không tiếp cận được đúng sự thật, đã lầm tưởng cái gần giống sự thật là sự thật. Đây cũng là ví dụ cho việc báo chí nguy hiểm như thế nào khi không nhận thức được đúng và phản ánh đúng sự thật.

Thời đại ngày nay còn phức tạp hơn rất nhiều. Bây giờ thì ta lại nhận ra thêm: Không phải chỉ có một sự thật, mà có rất nhiều sự thật.

Một con người có nhiều mặt, như nhiều sự thật về anh ta. Ở lúc này, góc nhìn này, anh ta là nhân tố mới, là hy vọng, là người quyết liệt cống hiến vì mọi người, nhưng ở thời điểm khác, khía cạnh khác, anh ta lại là một tội phạm, là tham nhũng... Anh ta là trượng phu ở nơi này nhưng khốn nạn ở nơi kia.

Một sự vật, hiện tượng cũng vậy, rất đáng ca tụng, tung hô nếu nhìn ở góc độ này, nhưng ở góc độ khác, lại có thể phê phán, dè bỉu... Một công trình mang lại lợi ích cho rất nhiều người, nhưng nhìn góc khác, lại xâm phạm hoặc ảnh hưởng tới lợi ích của một nhóm người khác... Có rất nhiều ví dụ như thế.

Xã hội ngày càng phát triển, thì càng phân hóa và càng khó tạo dựng đồng thuận hơn nếu tiếp cận từ nhiều phía khác nhau và càng bị chi phối bởi các nhận thức về các sự thật khác nhau ở cùng một con người, một vấn đề, một sự kiện, hiện tượng...

Các nhà báo có thể đều nói lên sự thật, nhưng tiếng nói của họ nhiều khi trở nên đối lập nhau, chính là do cách lựa chọn sự thật khác nhau và ai cũng có lý.

Tôi đã thán phục truyền thông của Nhật Bản và cách nước này tiếp cận với truyền thông thế giới khi phản ánh vụ thảm họa kép động đất và sóng thần năm 2011. Rất nhiều hình ảnh tan hoang, tàn phá ghê rợn nhưng tôi không thấy một hình ảnh nào về những đống xác người, về sự tuyệt vọng của con người... Khác hẳn sau đó, khi cơn bão khủng khiếp Haiyan tràn qua một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á năm 2013, thì lại thấy rất nhiều hình ảnh về những xác chết, về sự khốn khó, tuyệt vọng của con người...

Chắc chắn thảm họa ở Nhật Bản không thiếu sự thật tuyệt vọng và nhỏ nhoi của con người trước thiên nhiên. Có điều các nhà báo Nhật đã không lựa chọn sự thật này để phản ánh mà thôi. Điều ấy làm cho thế giới càng tin vào sức mạnh đoàn kết và tái tạo của người Nhật, tin vào sự vươn dậy của Nhật Bản, họ cũng vẫn chia sẻ, hỗ trợ Nhật Bản khắc phục hậu quả không kém sau này khi xảy ra cơn bão Haiyan. Bây giờ, nếu được chọn đến một trong hai nơi đã xảy ra thảm họa này, chắc chắn tôi sẽ chọn đến Nhật Bản...

Tôi lục lại trí nhớ của mình về vụ khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ: cũng không có hình ảnh nào về sự tang thương và kinh hãi của con người. Không có máu me, chết cháy, đống xác người... Chỉ có vài hình ảnh người rơi ra từ tòa tháp đôi, đủ cho ta hình dung mức độ khủng khiếp nhưng không rơi vào tuyệt vọng...

Truyền thông nhiều nước phát triển, khi phản ánh các vụ bạo lực, xả súng giết người hay các vụ tai nạn ở mức thảm họa, họ đều cố tránh đưa các hình ảnh hạ thấp phẩm cách con người và sự ghê rợn của hiện trường. Nếu cần, họ dựng bằng các mô hình, đồ họa. Chắc chắn họ không thiếu những hình ảnh và video về sự thật này nhưng họ đã không lựa chọn.

Trong khi chúng ta thì sao? Thông tin trên báo chí của chúng ta hiện nay càng ngày càng bộc lộ những điểm yếu chết người do cứ chăm chăm vào mục tiêu trước mắt là phải tiến đến chiếm lĩnh, đeo bám để tranh giành lượng bạn đọc với mục đích thương mại.

Những thông tin đời tư con người được phơi bày trần trụi trên báo chí. Những cảnh phòng the của một ngôi sao hạng ba lan truyền như ánh sáng. Những vụ án được miêu tả tỉ mỉ, rùng rợn, hút chặt tâm trí tò mò của người đọc rồi sau đó là làm cho họ rã rời, mất hết niềm tin vào tính bản thiện của con người.

Nhiều khi trong bữa tối, ta xem truyền hình phản ánh về một vụ tai nạn hay đưa câu chuyện về dịch bệnh, ô nhiễm... ta phải dừng ngang bát cơm.

Có những doanh nhân thành đạt, vì tự hào mình là người Việt, vì hoài bão lớn với đất nước, đã đầu tư tại quê nhà, họ làm thay đổi bộ mặt của nhiều vùng đất nghèo khó, họ tạo dựng nên những giá trị thương mại lớn lao đến không ngờ cho những vùng núi, vùng biển bỏ hoang bao nhiêu đời nay. Nhưng không khéo lại trở nên “xấu xí” trên truyền thông vì họ, hay đối tác của họ, hay ngay cả chính quyền địa phương, khi chuẩn bị và hợp tác, trong quá trình triển khai, đã không bao quát hết, bao quát cho thật đầy đủ những ảnh hưởng tới mọi người liên quan. Trong thực hiện những dự án, có sự cố ngoài ý muốn, nếu không “quản lý” và “xử lý” kịp thời, có thể trở thành “thảm họa truyền thông” ngay.

Bây giờ đã có một khoa học, gọi là ứng xử với truyền thông, rồi có đúc kết kinh nghiệm xử lý “khủng hoảng truyền thông”, rồi kỹ năng biến “đám cháy” thành “hoa đăng” trong môi trường truyền thông. Hay nhỉ? Nhà báo đã biến thành một đối tượng cần hết sức cảnh giác trong ứng xử từ bao giờ vậy? Nếu các nhà báo là những con người luôn biết lựa chọn các sự thật, không vụ lợi cá nhân, vì cộng đồng, vì hình ảnh và phẩm cách dân tộc mình, vì đổi mới, phát triển, thì xã hội đâu phải cần đến những kinh nghiệm và kỹ năng ấy?

Phải nói rằng, trong đội ngũ báo chí hiện nay, còn có nhiều nhà báo chưa có phẩm cách cao hơn công dân, chưa có một trái tim nồng ấm và còn thiếu nhiều hiểu biết và kỹ năng để dẫn đường cho tư duy và lựa chọn của mình, xứng đáng với nghề nghiệp cao quý của mình.

Trên báo chí hiện nay, không có thật nhiều những thông tin mang đến thêm cho con người xúc cảm, sự tinh tế trong sâu kín tâm hồn, làm cho con người thêm yêu thương và chia sẻ để càng thêm muốn nâng niu cuộc sống này. Càng bị mạng xã hội lấn lướt, càng bị các phương tiện truyền thông khác cạnh tranh thì sự thiếu hụt này trên báo chí càng thể hiện rõ ràng hơn. Và đó chính là sự thiếu hụt bản lĩnh của người làm báo, là từ bỏ thế mạnh của báo chí trong cuộc chiến trụ hạng trước mạng xã hội.

Nếu còn mong muốn báo chí phát triển, có ích với cộng đồng, được cộng đồng tin tưởng và chờ đợi, thì việc đầu tiên cần phải trau dồi chính là bản lĩnh trong cách thức lựa chọn thông tin, lựa chọn sự thật mà báo chí sẽ mang đến cho bạn đọc của mình.

Tin mới lên