Tài chính

Lời khuyên của một sếp quản lý quỹ: 'Chọn cổ phiếu P/E dưới 12 lần, lợi nhuận tăng trên 12%/năm'

(VNF) - Trên cơ sở lãi suất tiền gửi ngân hàng khoảng 8%/năm, ông Đào Phúc Tường, Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ APS (Singapore) cho rằng dưới góc độ đầu tư, nên chọn những cổ phiếu có P/E dưới 12 lần, tăng trưởng lợi nhuận dự kiến trên 12%/năm cho năm tiếp theo.

Lời khuyên của một sếp quản lý quỹ: 'Chọn cổ phiếu P/E dưới 12 lần, lợi nhuận tăng trên 12%/năm'

Lời khuyên của một sếp quản lý quỹ: 'Chọn cổ phiếu P/E dưới 12 lần, lợi nhuận tăng trên 12%/năm'

Chọn cổ phiếu P/E dưới 12 lần, lợi nhuận tăng trên 12%/năm

"Chúng ta phải phân biệt rõ chúng ta đang đầu cơ hay đang đầu tư", ông Đào Phúc Tường, Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ APS (Singapore) đưa ra lời khuyên khi mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Lấy ví dụ với câu chuyện nâng hạng, khi các thị trường khác như Argentina, Kuwait được nâng hạng thì tỷ trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng lên, nhiều người sẽ đầu cơ vào các cổ phiếu hưởng lợi từ điều này bởi nghĩ rằng là nước ngoài sẽ "nhảy" vào mua và từ đó, giá cổ phiếu sẽ tăng.

"Với tôi, đó là bài toán đầu cơ. Lý do là các câu chuyện thị trường Argentina, Kuwait được nâng hạng, cổ phiếu lớn của Việt Nam được nước ngoài mua không phải là câu chuyện mới nữa. Nó là câu chuyện từ giữa năm ngoái rồi", ông Tường nhìn nhận.

"Những quỹ lớn đã biết rồi và bây giờ đang nằm vùng, chỉ chờ ông nào đó phải mua vào thì bán cho họ thôi. Nếu những gì đã là câu chuyện của thị trường rồi thì liệu nó còn tăng giá không là một điều các bạn phải rất cẩn thận", vị sếp quản lý quỹ chia sẻ thêm.

Dưới góc độ định giá, ông Đào Phúc Tường cho rằng những cổ phiếu lớn của Việt Nam không còn rẻ nữa.

"P/E của Việt Nam ngấp nghé loanh quanh P/E của trung bình của khu vực. Nhưng Earning Yield của Việt Nam lại tệ hơn rất nhiều. Chứng tỏ rằng chứng khoán Việt Nam đang đắt hơn chứng khoán khu vực", Giám đốc đầu tư của Công ty Quản lý quỹ APS nói.

Earning Yield tạm dịch là chỉ số lợi tức thu nhập, tính bằng EPS chia thị giá (E/P), là đối số của chỉ số P/E. Ví dụ, lãi suất 8%/năm tương đương E/P là 8% nên P/E là 12,5 lần.

"Tại sao P/E của Thái Lan, của Indonesia cao hơn chúng ta? Vì lãi suất thấp hơn!", ông Tường nhấn mạnh.

Một nguyên nhân khác khiến P/E một số nước cao hơn Việt Nam là cơ cấu của rổ chỉ số khác nhau. Ví dụ, Thái Lan, Indonesia đa phần là hàng tiêu dùng, trong khi hàng tiêu dùng được định giá P/E cao (20 lần, 25 lần), hoặc ngành ngân hàng của Indonesia đang được định giá rất cao, vì độ vênh lãi suất đầu vào – đầu ra của Indonesia tới 5%, cao hơn rất nhiều so với các ngân hàng ở Việt Nam.

"Quay lại Earning Yield. Nếu tôi đi gửi lãi suất ngân hàng được 8%/năm thì loanh quanh P/E khoảng 12 lần. Tôi lựa chọn những cổ phiếu có P/E nhỏ hơn 12 lần. Nhưng nếu tăng trưởng lợi nhuận của năm 2019 không lớn hơn được 12% thì bỏ vì những cổ phiếu đấy nằm ở dạng UP (được định giá cao - PV)", ông Tường cho hay.

Ông chia sẻ thêm: "Tại sao? Theo kinh nghiệm của chúng tôi, trên một nền tảng tăng trưởng giảm, nhà đầu tư luôn luôn trả giá cao hơn cho doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng tốt hơn".

Ông Đào Phúc Tường - Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ APS (Singapore)

Chọn cổ phiếu bất động sản: Nên lưu ý "lương khô"

Liên quan đến cổ phiếu bất động sản, ông Đào Phúc tường cho hay cá nhân ông không ngại với chuyện lợi nhuận bất động sản sụt giảm, vì một doanh nghiệp bất động sản phát triển một dự án năm nay thì 2 năm tiếp theo mới được ghi nhận lợi nhuận bất động sản.

"Cho nên nếu các bạn phân tích một doanh doanh bất động sản thì nên phân tích trên báo cáo tài chính chỉ tiêu "Khách hàng trả trước"", vị sếp quản lý quỹ đưa lời khuyên. "Ông nào ăn hết đống lương khô ấy rồi, ông ghi nhận lợi nhuận và doanh thu mà ông không còn cục lương khô "Khách hàng trả trước", ông đấy rơi vào vòng nguy hiểm. Tại sao? Vì ông phải mất khoảng 2 năm nữa thì mới ghi nhận lợi nhuận từ dự án mới".

Ông Tường chia sẻ: "Dưới góc độ cổ phiếu bất động sản, thường tôi không nhìn vào lợi nhuận bất động sản mà tôi nhìn vào dòng tiền bất động sản, đặc biệt là "lương khô" bất động sản có còn hay không".

Với ngành dầu khí, cổ phiếu dầu khí đã tăng khoảng 19% từ đầu năm, trong khi đó lợi nhuận tăng khoảng trên 5%.

"Đa phần ngành dầu khí chúng ta nhìn vào một số dự án lớn", Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ APS cho hay. "Dưới góc độ đầu tư cổ phiếu dầu khí thì tôi nhìn đơn giản thế này: các dự án lớn như Block B Ô Môn, Cá Voi Xanh… là thông tin của 2, 3 năm rồi. Từ cuối năm ngoái xảy ra một loạt các kỳ vọng, chính vì thế giá cổ phiếu dầu khí mới tăng trưởng tốt như thế, thanh khoản dầu khí mới tốt như thế".

"Từ thời điểm này, tiếp theo, nếu chúng ta giữ cổ phiếu dầu khí hay có tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu dầu khí hay không thì nó phụ thuộc vào chuyện các bạn phân tích những dự án đấy có trở thành hiện thực hay không vào nửa cuối năm nay. Nếu như các bạn thấy rằng các dự án lớn đấy (thị trường đã kỳ vọng lợi nhuận từ những dự án đấy rồi) mà không thành hiện thực thì phải cẩn thận với cổ phiếu dầu khí", ông Đào Phúc Tường nói.

Liên quan đến ngành dệt may, ông cho rằng ngành này đã có bước tăng "nỗ lực" về giá cổ phiếu từ quý IV năm ngoái đến quý I năm nay.

"Với ngành dệt may, nên để ý công suất của các doanh nghiệp làm dệt may. Không phải ông nào cũng còn công suất để tăng trưởng. Vì cứ mở xưởng may ra thì cần 500 – 700 lao động có kỹ năng", vị sếp quản lý quỹ khuyên.

Quan điểm của ông là rất nhiều doanh nghiệp dệt may, lợi nhuận đang ở vùng đỉnh vì qua theo dõi của ông, những doanh nghiệp đó đã chạy 100% công suất hết rồi. Kể cả có đơn hàng mới thì chưa chắc đã chạy thêm được, chưa chắc đã có người để làm, đã có máy móc để hoạt động.

Dù vậy, theo vị này, ngành dệt may đang trong một chiều hướng rất tốt, đơn hàng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam rồi Hàn Quốc sang Việt Nam nhờ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, điều này không thể phủ nhận.

Vị này chia sẻ thêm: "Định giá dệt may không còn rẻ, đó là quan điểm của tôi. Nếu các bạn muốn tiếp tục đầu tư ngành dệt may thì nên tìm những doanh nghiệp còn công suất, nghĩa là khi có đơn hàng mới thì không phải đầu tư thêm, không phải chạy đôn chạy đáo để tuyển lao động.

Thực ra cổ phiếu dệt may trên sàn không có nhiều, nhà đầu cơ nằm đấy quá nhiều rồi. Cầu đầu cơ xuất hiện là vì có thông tin nội gián. Cầu đầu cơ có quá nhiều rồi mà họ lại có thông tin nội gián nữa, nếu bạn không nằm trong nhóm đó thì bạn ở trong nhóm bất lợi về thông tin. Đến bây giờ mà vẫn đeo cổ phiếu dệt may ở những doanh nghiệp không còn công suất thì rủi ro lớn hơn cơ hội".

Ông Đào Phúc Tường đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, tư vấn quản lý và đầu tư. Ông đã chứng kiến và nghiên cứu rất nhiều các thủ thuật kế toán của các công ty Việt Nam và trong khu vực. Hiện, ông Tường là Giám đốc đầu tư của APS Asset Management, một công ty quản lý quỹ với tổng tài sản quản lý 3,1 tỷ USD tại Singapore.

Ông Tường tốt nghiệp cử nhân Đại học Kinh tế Quốc dân, lấy bằng Thạc Sỹ Tài chính tại Đại học New South Wales, Úc. Hiện nay, ông là thành viên trong Hiệp hội CFA tại Singapore.

Tin mới lên