Công nghệ

Lalamove trở thành startup kỳ lân tỷ USD

Tại thị trường Việt Nam, Lalamove đã tiếp cận gần 200.000 người dùng với 5.000 doanh nghiệp thường xuyên đặt hàng với số lượng đơn giao hàng tăng khoảng 50% mỗi tháng trong thời gian đầu.

Lalamove trở thành startup kỳ lân tỷ USD

Lalamove - một startup có trụ sở tại Hong Kong hoạt động trong lĩnh vực logistics vừa thông báo hoàn tất vòng gọi vốn Series D với số tiền lên tới 300 triệu USD, từ 2 quỹ đầu tư là Hillhouse Capital và Sequoa China.

Nhờ có số vốn này, Lalamove đã chính thức gia nhập câu lạc bộ startup kỳ lân tỷ USD tại châu Á. Phía Lalamove cho biết, sẽ tập trung phát triển nền tảng công nghệ, ứng dụng và tích hợp các công nghệ mới, và tiếp tục hành trình mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường Ấn Độ trong năm 2019, đi kèm với mảng dịch vụ mới: kinh doanh xe ô tô.

"Công nghệ và hệ thống thông tin đang giúp định nghĩa lại toàn bộ hệ thống giao vận toàn cầu, và chính sự nhanh nhạy và nhiệt huyết từ đội ngũ lãnh đạo đã giúp Lalamove dẫn đầu xu thế hiện nay. Hillhouse Capital thật sự ấn tượng và bị thuyết phục hoàn toàn trước những bước tiến thần tốc và sự thành công của Lalamove tại thị trường Đông Nam Á & Trung Quốc và tin rằng đây là một thương vụ đầu tư hiệu quả, qua đó sẽ nâng tầm vị thế của Lalamove nói riêng và ngành vận tải hàng hóa nội thành siêu tốc nói chung", Lei Zhang, nhà sáng lập và hiện là Giám đốc điều hành của Hillhouse Capital cho biết.

Thành lập vào năm 2013, Lalamove được dẫn dắt bởi sáng lập Shing Chow, từng tốt nghiệp Stanford. Startup này được ví như "Uber trong ngành logistics", chuyên cung cấp dịch vụ vận tải, giao hàng cho các đối tác là doanh nghiệp.

"Vòng gọi vốn Series D thành công một phần rất lớn đến từ sự tin tưởng của 2 nhà đầu tư mới: Hillhouse Capital & Sequoia và tất cả các cổ đông hiện hành đã hỗ trợ tối đa. Trong năm qua, thị trường thế giới ghi nhận sự bùng nổ mạnh mẽ về số lượng giao dịch (đơn hàng) giao nhận, tuy nhiên cùng với sự ứng dụng và tối ưu hóa của nền tảng công nghệ, tổng chi phí cho ngành vận tải hàng hóa lại có sự giảm nhẹ.

Phần chi phí cắt giảm chủ yến đến từ việc tối ưu thời gian và quãng đường, qua đó tiết kiệm chi phí quản lý và nguyên liệu, cũng như tiết kiệm rất nhiều chi phí kho vận.

Với Lalamove, chúng tôi tin rằng, với sự phát triển song hành mạnh mẽ của nền tảng công nghệ và Internet, sự ra đời của các startup sẽ tiếp tục thúc đẩy tính hiệu quả trong ngành vận tải. Với vị thế là doanh nghiệp tiên phong, Lalamove sẽ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như hợp tác cùng phát triển để mang lại những giá trị ngày một tốt hơn", ông Shing Chow, nhà sáng lập và CEO của Lalamove cho hay.

Cha đẻ Lalamove Việt Nam chính thức gia nhập câu lạc bộ startup Kỳ lân tỷ USD
Ông Shing Chow, nhà sáng lập và CEO của Lalamove

Thị trường mà Lalamove đang hoạt động mạnh nhất hiện nay là Trung Quốc, phủ sóng và dẫn đầu mạng lưới giao nhận tại hơn 110 thành phố, điều hành khoảng 2 triệu tài xế xe tải, ô tô và xe máy.

Sau khi tiến vào Việt Nam với điểm đến là TP. HCM vào tháng 8/2017, Lalamove đã đồng loại có mặt tại 5 thị trường mới: Malaysia - Kuala Lumpur, Indonesia - Jakarta, Ấn Độ - Mumbai, Việt Nam - Hà Nội, và Philippines - Cebu.

Giám đốc điều hành Lalamove tại Việt Nam - ông Nguyễn Đức Lợi cho biết, TP. HCM hiện là thị trường Lalamove ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực.

Một năm qua, startup này đã tiếp cận gần 200.000 người dùng với 5.000 doanh nghiệp thường xuyên đặt hàng. Số lượng đơn giao hàng tăng khoảng 50% mỗi tháng tính từ thời điểm bắt đầu đến tháng 10/2018.

Còn tại thị trường Hà Nội, phía Lalamove đặt mục tiêu thiết lập mạng lưới khoảng 10.000 tài xế trong giai đoạn quý 1/2019. Đại diện Lalamove khẳng định, chiến lược của startup này là sẽ không lao vào cuộc chiến tranh giành tài xế giữa các bên, mà sẽ tự phát triển theo hướng chất lượng và bền vững.

Tin mới lên