Tiêu điểm

Ký kết EVFTA: 'Cú hích' cho ngành nông sản, dệt may, giày dép

(VNF) - "EVFTA mở ra cơ hội cho nhiều ngành thế mạnh hiện nay của Việt Nam khi lộ trình cam kết về giảm thuế hoàn tất (phổ biến từ 3-7 năm). Theo đó, các ngành nông sản, dệt may, giày dép của Việt Nam được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn", Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhấn mạnh trong báo cáo chuyên đề về ảnh hưởng của việc ký kết hiệp định EVFTA đối với Việt Nam vừa được công bố mới đây.

Ký kết EVFTA: 'Cú hích' cho ngành nông sản, dệt may, giày dép

Ký kết EVFTA: 'Cú hích' cho ngành nông sản, dệt may, giày dép

Theo BVSC, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU năm 2018 đã tăng 310% so với giá trị năm 2008. Nhưng điểm khá thuận lợi với Việt Nam là thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã được duy trì từ hơn 10 năm nay và tăng 562,75% từ mức 4,08 tỷ EUR vào năm 2009 lên đến 27,08 tỷ EUR vào năm 2018.

Xét về quy mô, EU là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, chiếm tới 11,9% tổng giá trị giao dịch hàng hóa của Việt Nam với thế giới. EU cũng đứng ở vị trí thứ 4 trong số các nước xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Việt Nam với thị phần chiếm đến 6,0%, chỉ sau Trung Quốc (28,3%), Hàn Quốc (20,5%), Nhật Bản (8,2%).

Tuy vậy, đối với Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu giao dịch thương mại của EU – đứng thứ 16 vả giá trị giao dịch thương mại giữa Việt Nam và EU chỉ chiếm 1,3% giá trị giao dịch thương mại toàn cầu của EU.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các nền kinh tế thuộc Liên Minh châu Âu chủ yếu là Máy Móc và Đồ Gia Dụng (đạt 20,14 tỷ EUR trong năm 2018 – chiếm 52,7% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU), Giày Dép và Mũ (đạt 4,03 tỷ USD – tương đương với 10,6%), Dệt May và May Mặc (đạt 3,73 tỷ EUR – tương đương với 9,8%), Rau Củ Quả (đạt 2,24 tỷ EUR - tương đương với 5,9%) và các sản phẩm máy móc khác (đạt 1,49 tỷ EUR – tương đương với 3,9%).

Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Liên Minh châu Âu bao gồm: Máy móc và Đồ Gia dụng (đạt 3,42 tỷ EUR trong năm 2018 – chiếm 30,8% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ EU), Thiết bị vận tải (đạt 1,82 tỷ EUR trong năm 2018 – chiếm 16,4%), Sản phẩm hóa học và Ngành công nghiệp phụ trợ (đạt 1,73 tỷ EUR trong năm 2018 – chiếm 15,6%), Kính và thiết bị ghi hình (đạt 562 triệu EUR trong năm 2018 – chiếm 5,1%) và Đồ ăn uống, Thuốc lá (đạt 503 triệu EUR trong năm 2018 – chiếm 4,5%)

Trong các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam xuất sang EU thì mật ong, thủy sản và các sản phẩm rau củ quả là những mặt hàng hiện bị đánh thuế nặng nhất với mức thuế trung bình lần lượt là 17,3%, 11,6% và 10,3%.

Trong các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam xuất sang EU thì các mặt hàng chủ đạo như Ô tô, Xe máy, Dệt may với mức thuế trung bình lần lượt là 55,86%, 69,80%, 15,52% và 6,50%. Riêng ngành Giày Dép được hưởng mức thuế GSP ở mức trung bình khoảng 3 -4%.

Trong trường hợp hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, BVSC cho biết 50% số sản phẩm Thủy Sản sẽ được lập tức giảm thuế nhập khẩu về 0%, 50% còn lại sẽ được giảm thuế về 0% theo lộ trình từ 3 – 7 năm.

Trong khi đó, các sản phẩm như Mật Ong và Rau Củ Quả được lập tức giảm thuế nhập khẩu về 0% ngay sau khi hiệp định này có hiệu lực. Các sản phẩm như Ô Tô và Xe Máy sẽ được miễn thuế theo lộ trình 9 và 10 năm.

Đối với các sản phẩm Dệt May, hơn 42% dòng sản phẩm sẽ được miễn thuế ngay lập tức sau khi hiệp định có hiệu lực, các sản phẩm còn lại sẽ được miễn thuế theo lộ trình từ 3 – 7 năm. Còn với các sản phẩm Giày Dép, khoảng 37% số sản phẩm sẽ được miễn thuế ngay lập, các dòng sản phẩm còn lại sẽ được miễn thuế theo lộ trình từ 3 – 7 năm.

BVSC cho rằng hiệp định EVFTA mở ra cả cơ hội lẫn thách thức cho Việt Nam. Việc hiệp định này có hiệu lực sẽ giúp cho tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng thêm 0,48 điểm%. Các ngành như Dệt may và Giày dép là ngành được hưởng lợi nhiều nhất với tăng trưởng xuất khẩu đến năm 2035 đạt thêm 13,49 tỷ EUR.

Tiếp theo là xuất khẩu các loại Thực phẩm và Dịch vụ kinh doanh, được dự kiến sẽ tăng thêm 794 triệu EUR và 543 triệu EUR.

Ở chiều ngược lại, do cạnh tranh mạnh đến từ xuất khẩu các mặt hàng máy móc và thiết bị điện tử từ các nền kinh tế thuộc Liên Minh Châu Âu vào Việt Nam, xuất khẩu các sản phẩm Thiết bị điện tử cùng với các loại máy móc khác và linh kiện được dự báo sẽ giảm nhẹ khoảng 196 và 32 triệu EUR.

"Mặc dù được dự báo sẽ được hưởng lợi nếu hiệp định EVFTA có hiệu lực, ngành dệt may của Việt Nam sẽ phải có những thay đổi để có thể thỏa mãn điều kiện về xuất xứ, qua đó có thể tận dụng các ưu đãi về thuế quan mà hiệp định EVFTA mang lại", BVSC lưu ý.

Trong ngắn hạn, theo BVSC, những ngành như dệt may, giày dép còn gặp mức thuế cao hơn do không còn được hưởng mức thuế ưu đãi, nhưng sau khoảng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực hàng dệt may của Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh lớn hơn trên thị trường Châu Âu.

Ngành sữa của Việt Nam được dự báo sẽ gặp phải cạnh tranh từ các sản phẩm sữa có xuất xứ từ EU với ưu thế về chất lượng và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, do phân khúc sản phẩm chính có phần lệch nhau nên theo BVSC, áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp sữa của Việt Nam là không quá đá kể.

"Các ngành về rau quả, giầy dép hiện đang là thế mạnh của Việt Nam, và nếu vượt qua được các tiêu chuẩn về kỹ thuật (đặc biệt là ngành rau quả) thì EVFTA sẽ tạo ra cú huých về tăng trưởng cho nhiều doanh nghiệp đang theo đuổi nông nghiệp công nghệ cao hiện nay", BVSC nhấn mạnh.

Ngoài các nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp từ lộ trình cam kết giảm thuế của Hiệp định EVFTA, BVSC đánh giá những ngành hàng khác cũng được hưởng lợi gián tiếp như: ngành logistics, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp.

"Bởi, để tận dụng được ưu thế của các Hiệp định thương mại, chắc chắn hệ thống luật pháp cùng cơ sở hạ tầng về đường xá, giao thông, logistics cần phát triển mạnh để thích ứng với điều kiện phát triển cao hơn", BVSC lý giải.

Tin mới lên