Tiêu điểm

Kiểm toán Nhà nước đề nghị 'mở đường' cho các đơn vị bị kiểm toán được khiếu nại

(VNF) - Dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN) năm 2015 có nội dung đáng chú ý là cho phép đối tượng bị kiểm toán có thể khiếu nại hoặc kiện Kiểm toán Nhà nước ra tòa.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị 'mở đường' cho các đơn vị bị kiểm toán được khiếu nại

Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước 2015

Kiểm toán Nhà nước cũng có thể bị kiện ra toà

Tại phiên họp sáng 11/3 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc đã trình bày tờ trình dự Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015.

Theo ông Phớc, Luật KTNN năm 2015 mới có hiệu lực thi hành từ năm 2016. Tuy nhiên, một số quy định bộc lộ những bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Theo đó, một trong những quy định mới đáng chú ý của dự luật sửa đổi là cho phép đối tượng bị kiểm toán có thể khiếu nại, kiện KTNN ra tòa. Cụ thể, dự luật bổ sung quyền kiến nghị, khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến việc sử dụng, quản lý đất đai, quản lý tài chính công, tài sản công.

Giải thích về vấn đề này, ông Hồ Đức Phớc cho hay, theo quy định của luật hiện hành thì các đơn vị bị kiểm toán không có quyền khiếu nại KTNN, chỉ được khiếu nại đối với quyết định hành chính, mà kết luận kiểm toán thì không phải là quyết định hành chính. Do đó, KTNN đề nghị bổ sung quy định này để mở đường cho các đơn vị có thể khiếu khiện.

Thảo luận về nội dung này, trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đồng ý quy định quyền khiếu nại và khởi kiện ra tòa đối với các kết luận và báo cáo kiểm toán (hiện nay chưa có quy định). "Nhưng luật cần quy định cụ thể, ví dụ khiếu nại cấp dưới của Tổng KTNN thì Tổng KTNN giải quyết, nhưng người ta khiếu nại chính Tổng KTNN thì ai giải quyết?", bà Hải nêu vấn đề.

Dự luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 cũng dự kiến trao thêm quyền cho Tổng KTNN như: Quyết định việc niêm phong tài liệu, kiểm tra tài khoản của đơn vị được kiểm toán hoặc cá nhân có liên quan; ra quyết định về việc phải nộp ngân sách nhà nước của tổ chức, cá nhân có liên quan theo kết quả kiểm toán của KTNN.

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cũng đề nghị quy định làm rõ thêm một số đơn vị được kiểm toán tại luật hiện hành. Theo đó, bổ sung đơn vị được kiểm toán gồm: Người nộp thuế, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản và những tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Thảo luận sau đó, nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất mở rộng đối tượng kiểm toán của KTNN. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, hiện nay, hoạt động kiểm toán vẫn chưa bao quát được hết các địa phương trong cả nước, nay lại mở rộng đối tượng là người nộp thuế thì tính khả thi khó có thể đảm bảo được.

Chỉ 5/18 nội dung của dự luật được đồng tình


Toàn cảnh phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thẩm tra sơ bộ dự án luật, Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chỉ đồng tình với 5/18 nội dung sửa đổi, bổ sung. Hai nội dung đề nghị chỉnh sửa lại, 11 nội dung là các vấn đề lớn thì đa số ý kiến chưa đồng tình vì không thực sự cần thiết hoặc chưa đảm bảo công bằng.

"2 nội dung đề nghị chỉnh sửa lại và 11 nội dung là các vấn đề lớn thì đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban không đồng tình vì chưa thực sự cần thiết và không đảm bảo công bằng và đề nghị giữ như Luật hiện hành. Hơn nữa, nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung chưa nhận được sự đồng tình của các bộ ngành liên quan", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nói.

Do vậy, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị KTNN tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh lại dự thảo Luật theo hướng chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung thực sự cần thiết;  nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động để tránh chồng chéo với cơ quan thanh tra.

Đối với những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật chuyên ngành nếu phát sinh vướng mắc thì đề xuất sửa đổi, bổ sung luật có liên quan, không thể hiện các nội dung này trong Luật KTNN để tránh chồng chéo, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Về hồ sơ trình dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, hồ sơ và thời gian gửi hồ sơ để thẩm tra còn chậm so với quy định. Bên cạnh đó, hồ sơ của dự án Luật này cũng chưa có ý kiến của Chính phủ; báo cáo giải trình ý kiến góp ý chưa có ý kiến của Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Do vậy, đề nghị Kiểm toán nhà nước bổ sung tài liệu đầy đủ theo đúng quy định.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mặc dù dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước đã bổ sung các nội dung nhằm hướng tới mục tiêu khắc phục chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước, tuy nhiên các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung mà Kiểm toán nhà nước trình lần này lại chưa có sự đồng thuận cao giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo. Do vậy Kiểm toán nhà nước cần nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ lưỡng đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật này.

Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, việc ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTTN để đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong lĩnh vực kiểm toán là rất cần thiết. Tuy nhiên, KTNN cần nghiên cứu, rà soát lại các nội dung đề xuất sửa đổi cũng như thực tiễn 3 năm thực hiện Luật KTNN năm 2015; tránh tối đa sự trùng lắp, đảm bảo không phá vỡ sự thống nhất của hệ thống pháp luật và nghiên cứu thật kỹ để chỉ sửa đổi, bổ sung vào những nội dung thực sự cần thiết.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, KTNN tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và có báo cáo giải trình tiếp thu ngay sau phiên họp và hoàn thiện tài liệu của hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định.

Trước đó, như VietnamFinance đã thông tin, phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 11-13/3). Tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 5 dự án luật gồm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); dự án Luật Kiến trúc; dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); dự án Luật Thư viện và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021. Nghị quyết quy định chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật Công an nhân dân năm 2018. Xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên và thị trấn Vĩnh Viễn thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. 

Tin mới lên