Tiêu điểm

'Khủng hoảng chu kỳ 10 năm khó có khả năng xảy ra ở Việt Nam'

(VNF) - Nhóm tác giả gồm Tiến sỹ Đào Văn Hùng và Tiến sỹ Phùng Thế Đông thuộc Học viện phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa nêu quan điểm về khủng hoảng chu kỳ và định hướng điều hành chính sách tài chính tiền tệ trong thời gian tới.

'Khủng hoảng chu kỳ 10 năm khó có khả năng xảy ra ở Việt Nam'

Điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm và giải pháp trong thời gian tới. (Ảnh minh họa)

VietnamFinance xin trích giới thiệu quan điểm của nhóm tác giả này: 

"Hiện nay các nghiên cứu và báo chí nhắc nhiều đến chu kỳ khủng hoảng 10 năm, các lý do lo ngại cho Việt Nam chủ yếu xuất phát từ đà tăng trưởng theo chu kỳ của kinh tế thế giới, trong khi độ mở của nền kinh tế Việt Nam lớn, tăng nhanh, phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới, chất lượng phát triển bất cân đối, tăng trưởng phụ thuộc vào vốn (FDI), nhập siêu lớn. Thế giới cũng đối mặt với nhiều rủi ro bất định lớn, đặc biệt liên quan đến địa chính trị, xu hướng bảo hộ...

Do đó, kháng thể nền kinh tế sẽ gặp vấn đề khi xuất hiện các cú sốc kinh tế từ bên ngoài. Tuy nhiên, theo quán sát của chúng tôi là không có lo ngại về khủng hoảng chu kỳ 10 năm cho Việt Nam, trong khi những lo ngại nêu trên đang được Chính phủ điều hành xử lý và kiểm soát tốt lên.

Các khủng hoảng kinh tế trong lịch sử thường xuất phát từ khu vực ngân hàng, liên quan đến tài chính, tiền tệ. Tuy nhiên, diễn biến thị trường thời gian qua là khá tích cực, như: chênh lệch GDP tiềm năng và GDP thực tế không nằm trong ngưỡng lo ngại; lãi suất trái phiếu ngắn hạn không vượt quá lãi suất trái phiếu dài hạn; lãi suất ổn định và có xu hướng giảm; cơ chế điều hành tỷ giá mới cho thấy, diễn biến tỷ giá bám sát thị trường hơn; dự trữ ngoại hối gia tăng; xử lý nợ xấu đang dần rõ ràng hơn về mặt cơ chế, và đang được kiểm soát; hệ thống ngân hàng thương mại hoạt động ổn định, và lớn mạnh, chưa có biểu hiện mấtkhả năng thanh khoản; thị trường chứng khoán và bất động sản có những biến động do kỳ vọng lớn hơn, tuy nhiên không có biểu hiện đáng lo ngại.

Ngoài ra, các khủng hoảng kinh tế thế giới các năm 1997, 2007-2008, 2011-2012cũng đã để lại cho Chính phủ những kinh nghiệm điều hành nhất định, đặc biệt thời gian qua Chính phủ đã và đang điều chỉnh phương pháp điều hành kinh tế vĩ mô thông qua thị trường hơn, cơ cấu được thị trường điều tiết. Đây là định hướng đúng của Chính phủ, phù hợp với tính kinh tế và các cam kết quốc tế.

Chính vì lý do đó, nhằm tránh các thông tin bất đối xứng ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, Chính phủ cần có thông tin cho công chúng hiểu rõ hơn về các quyết định điều hành, các phân tích đánh giá của Chính phủ. Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách thể chế, duy trì kỷ luật tài chính quốc gia, sớm ban hành chiến lược hành động phát triển Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như thúc đẩy các chương trình phát triển kinh tế - xã hội quốc gia khác.

Định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới

- Mục tiêu điều hành CSTT.Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nền kinh tế dễ phản ứng với những biến động của kinh tế toàn cầu, đặt ra những thách thức cho việc điều hành kinh tế vĩ mô nói chung, và CSTT nói riêng. Tuy nền kinh tế được dự báo là có nhiều biến động, song các phân tích cho thấy khả năng Việt Nam vẫn đạt được những mục tiêu kinh tế vĩ mô. Do đó, trong năm 2018, NHNN cần thiết giữ nguyên các mục tiêu, chỉ tiêu định hướng điều hành đề ra từ đầu năm: Điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Định hướng năm 2018, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng khoảng 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

- Giải pháp điều hành CSTT.Điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT, phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng hợp lý. Trong đó: (i) để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các Bộ Ngành kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng Nhà nước quản lý; (ii) ổn định lãi suất, theo đó không giảm lãi suất đồng VND trong thời điểm hiện nay và chuẩn bị cho kịch bản tăng lãi suất trong bối cảnh diễn biến kinh tế bất lợi từ bên ngoài; điều hành ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, chuẩn bị các kịch bản xấu cho biến động tỷ giá trước các tác động từ bên ngoài, như: Fed tăng lãi suất tái chiết khấu, Trung Quốc phá giá đồng CNY, thoái lui dòng vốn quốc tế; (iii) chú trọng giải pháp kiểm soát kỳ vọng thị trường, tâm lý công chúng, nhà đầu tư, doanh nghiệp trên thị trường bằng những thông điệp, tín hiệu CSTT rõ ràng, nhất quán.

Ngoài ra, về lãi suất tiền gửi USD, NHNN cần thiết xem xét việc nâng lãi suất đồng USD từ 0% lên 0,25 – 0,5% hoặc theo lộ trình.Việc áp dụng lãi suất 0% cho đồng USD đã thể hiện được phần nào kỳ vọng của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô, có thể là phù hợp trong thời gian qua khi FED chưa tăng lãi suất, lãi suất trái phiếu của chính phủ Mỹ ở mức thấp, chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi USD 0% với lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ không lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến kinh tế hiện nay, FED chủ động nhiều lần tăng lãi suất, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vào khoảng 3%.

Do vậy, tạo ra chênh lệch lớn với lãi suất tiền gửi đồng USD 0% hiện nay ở Việt Nam, điều này sẽ tác động đến dòng tiền USD vào/ra Việt Nam, như: (i) Các nhà đầu tư sẽ không giữ tiền USD ở Việt Nam, chỉ đến khi cần thanh toán hoạt động kinh doanh mới chuyển USD về Việt Nam, nhằm tận dụng lãi suất ngoài lãnh thổ Việt Nam; (ii) tác động lên dòng tiền kiều hối gửi về trong nước, dòng tiền này được giữ lại, hoặc chuyển sang quốc gia khác nhằm đầu tư, tận dụng lãi suất ngoài Việt Nam; (iii) lượng tiền USD trong dân chảy ra ngoài nhằm hạn chế chi phí giữ tiền và đầu tư, hưởng lãi suất ở bền ngoài Việt Nam; (iv) dự trữ ngoại hối phụ thuộc hoàn toàn vào việc có thặng dư hay không trên tài khoản vãng lai, và tài khoản vốn. Việc tăng lãi suất của FED có thể dẫn đến việc đồng VND bị định giá cao hơn so với đồng USD, từ đó gây ra thâm hụt tài khoản vãng lại. Khi thâm hụt kéo dài, cùng với điều kiện kinh tế thế giới đi xuống (giả định) sẽ dẫn tới mất cân đối nguồn dự trữ ngoại hối, thâm thụt tài khoản vãng lãi không được bù đắp từ thặng dư tài khoản vốn và nhiều NHTM phải “đi đêm” với lãi suất.

Việc điều chỉnh lãi suất đồng USD góp phần kích thích đầu tư, tận dụng lượng tiền nhàn rỗi trong dân, các dòng tiền bên ngoài sẽ chảy về, tăng thêm nguồn cung, giảm bớt áp lực vay VND, góp phần giảm lãi suất cho vay trên trên thị trường, đặc biệt sự điều chỉnh này là phù hợp với nguyên tắc thị trường, cũng như xu thế tăng lãi suất của FED, và xu thế điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt của các NHTW trên thế giới trong thời gian tới và minh bạch quá trình huy động USD của các NHTM trách vi phạm sau này".

Tin mới lên