Tài chính

Khó thoái vốn nhà nước tại VEAM vì liên doanh Honda, Toyota

Kế hoạch giảm vốn nhà nước tại VEAM xuống 36% có thể kéo dài vì liên quan đến thỏa thuận góp vốn giữa doanh nghiệp này với Honda, Toyota.

Khó thoái vốn nhà nước tại VEAM vì liên doanh Honda, Toyota

Khó thoái vốn nhà nước tại VEAM vì liên doanh Honda, Toyota.

Chia sẻ tại buổi gặp nhà đầu tư mới đây, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) thông báo kế hoạch thoái vốn của Nhà nước hiện vẫn chưa rõ ràng. Bộ Công Thương - tổ chức đại diện vốn Nhà nước – dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu tại đây từ 88,5% xuống còn 36%, nhưng gần đây phát sinh những vấn đề cần thảo luận về thời gian thoái vốn liên quan đến thỏa thuận giữa VEAM và liên doanh Honda, Toyota.

Cụ thể, VEAM và Toyota thống nhất thành lập Toyota Việt Nam vào năm 1995 và hợp tác sẽ chấm dứt vào năm 2035. Toyota có điều khoản liên quan việc mua lại cổ phần của VEAM tại doanh nghiệp này nếu nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu tại đây xuống dưới 51%.

Trong khi đó, Honda Việt Nam được thành lập sau một năm và thỏa thuận cũng kéo dài 40 năm. VEAM sở hữu 30% vốn điều lệ, còn lại Honda Motor Thái Lan nắm 28% và Honda Motor Nhật Bản nắm 42%. Dù không quy định việc mua lại cổ phần, nếu đối tượng thực hiện là một doanh nghiệp cùng ngành và xuất hiện mối đe dọa tiềm ẩn với hoạt động kinh doanh của Honda Việt Nam thì điều khoản này có thể được kích hoạt.

Chính việc đàm phán với liên doanh, theo Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC) nhận định, sẽ khiến Bộ Công Thương cẩn trọng cân nhắc kế hoạch thoái vốn tại VEAM. Dù chưa hoàn tất việc bàn giao thủ tục liên quan đến đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng, VEAM vẫn đặt mục tiêu niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM trong năm nay.

Báo cáo tài chính công ty mẹ của VEAM ghi nhận cổ tức lợi nhuận được chia năm 2018 là 5.138 tỷ đồng. Liên doanh Honda Việt Nam đóng góp hơn 4.494 tỷ đồng, còn Toyota Việt Nam đóng góp 621 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh hợp nhất của công ty ghi nhận hơn 7.000 tỷ đồng doanh thu thuần, trong khi lợi nhuận sau thuế lên đến 7.130 tỷ đồng nhờ nguồn lãi lớn từ các công ty liên doanh liên kết.

VEAM đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm nay tăng hơn 26% lên 6.429 tỷ đồng. Lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết có thể đạt đến 6.648 tỷ đồng.

Tin mới lên