M&A

Hội doanh nghiệp Nhật Bản đề nghị bán cổ phần nhà nước theo quy trình M&A chuẩn quốc tế

(VNF) - Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018 (VBF) diễn ra mới đây, ông Koji Ito, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI)  bày tỏ mong muốn thực hiện quy trình bán vốn cổ phần của nhà nước sao cho gần với quy trình M&A theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hội doanh nghiệp Nhật Bản đề nghị bán cổ phần nhà nước theo quy trình M&A chuẩn quốc tế

Hội doanh nghiệp Nhật Bản đề nghị bán cổ phần nhà nước theo quy trình M&A chuẩn quốc tế.

Cụ thể, theo ông Koji Ito, cần phải đảm bảo việc đánh giá đầy đủ thực trạng và các vấn đề của doanh nghiệp bán vốn thông qua quá trình rà soát đặc biệt liên quan đến luật pháp, tài chính, thuế và đưa vào hợp đồng (hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần, hợp đồng cổ đông) các giải pháp đối với các vấn đề đã được làm rõ qua quá trình rà soát đặc biệt trên.

Cũng theo Chủ tịch JCCI, đối với các nhà đầu tư chiến lược có chất lượng tốt là các doanh nghiệp niêm yết của nước ngoài bao gồm cả Nhật Bản, do nghĩa vụ giải trình trước cổ đông, hội đồng quản trị của công ty khi quyết định đầu tư liên quan đến các dự án M&A sẽ phải thực hiện việc đánh giá các phân tích rủi ro, rà soát, các đối sách trong quy trình nêu trên một cách thận trọng.

"Nếu quy trình này không đầy đủ thì khả năng nhà đầu tư đưa ra quyết định tham gia tiếp dự án sẽ là rất thấp. Vì vậy chúng tôi đề nghị chính phủ xem xét điều chỉnh lại quy trình bán vốn", ông nói.

Vị này cũng chỉ ra rằng cho đến nay các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư cổ phần thiểu số với tư cách là nhà đầu tư chiến lược hoặc thành lập liên doanh tại rất nhiều doanh nghiệp nhà nước của Việt nam (bao gồm cả các doanh nghiệp tài chính ngân hàng) và cũng còn rất nhiều doanh nghiệp Nhật hiện đang xem xét việc đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước.

Về vậy JCCI rất mong muốn rằng quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam sẽ tiến triển tốt đẹp, thuận lợi thông qua việc đầu tư, góp vốn của các doanh nghiệp Nhật Bản. Để thực hiện tốt cải cách doanh nghiệp nhà nước, theo ông Koji Ito, quan trọng hơn hết là phải kêu gọi các nguồn vốn đầu tư “có chất lượng cao” từ nước ngoài bao gồm cả Nhật Bản.

Tiếp tục nêu lên nguyên vọng của mình, đại diện JCCI cho hay quy mô của các doanh nghiệp tập đoàn nhà nước chủ lực là rất lớn, có nhiều trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài rất khó có thể hiểu rõ nội dung ngành nghề kinh doanh của các tập đoàn đa tầng này. Do vậy, sẽ hiệu quả hơn nếu tách riêng các công ty con, công ty cháu trong tập đoàn một cách rõ ràng theo nội dung ngành nghề để ưu tiên đầu tư.

Ngoài ra, đại diện JCCI cũng đề nghị tăng cường bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số. Theo ông, nhiều trường hợp các doanh nghiệp Nhật đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước mà chính phủ vẫn nắm cổ phần chi phối theo quy định hiện hành, do đó mà đa số vẫn bị hạn chế đầu tư nước ngoài.

“Nghĩa là, các doanh nghiệp Nhật, đang đa phần là đầu tư chiến lược vào các doanh nghiệp nhà nước mà chỉ được chấp nhận đầu tư của cổ đông thiểu số theo luật định (hầu hết là không giữ quyền phủ quyết (nắm trên 35% cổ phần có quyền biểu quyết) theo luật doanh nghiệp)”, ông giải thích.

Ông Koji Ito cũng phân tích: “Với những trường hợp vì hạn chế của các quy định pháp luật mà nhà đầu tư chỉ có thể góp vốn của cổ đông thiểu số như vậy, để thu hút các nhà đầu tư tốt thì cần phải tăng cường bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số hơn nữa để các nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư một cách dài hạn”.

“Trong trường hợp này, nếu doanh nghiệp mục tiêu là công ty tư nhân, thì thông thường nhà đầu tư sẽ kí hợp đồng giữa các cổ đông với nhau, trong đó sẽ quy định các điều khoản 'nghiêm cấm nhà đầu tư bán cổ phần cho đối thủ cạnh tranh', 'hạn chế pha loãng cổ phiếu', 'quyền ưu tiên mua, quyền ưu tiên đàm phán khi bán cổ phiếu' để bảo vệ quyền lợi của mình”, Chủ tịch JCCI nhấn mạnh thêm.

Tin mới lên