Tài chính

HHS: Giữ tiền, xoay trục

(VNF) - Chiến lược “giữ tiền” trong thời kỳ mảng ô tô tải khó khăn đang cho phép HHS xoay trục sang mảng Bất động sản một cách thuận lợi do sở hữu lượng tiền dồi dào.

HHS: Giữ tiền, xoay trục

Tháng 5 vừa qua, Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) đã hoàn tất mua vào 20 triệu cổ phiếu quỹ, hiện thực hóa một trong những nỗ lực “cứu” giá cổ phiếu của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, nỗ lực trên là không đủ khi giá cổ phiếu HHS hiện chỉ ở mức 4.150 đồng/cổ phiếu, thấp hơn cả mức giá mua cổ phiếu quỹ bình quân là 4.630 đồng/cổ phiếu.

2 năm trở lại, cổ phiếu HHS lình xình giao dịch ở mức giá trên dưới 5.000 đồng/cổ phiếu. Thực tế này khiến nhiều cổ đông sốt ruột, liên tục chất vấn ban lãnh đạo HHS rằng vì sao cổ phiếu cứ mãi giao dịch ở mức giá “trà đá”.

Hiện giá trị vốn hóa của HHS ở mức 1.039 tỷ đồng, trong khi giá trị sổ sách lên tới 3.243 tỷ đồng, nghĩa là giá trị vốn hóa chỉ bằng 1/3 giá trị sổ sách. Đây là tỷ lệ rất thấp so với đa phần các doanh nghiệp niêm yết nói chung và các doanh nghiệp cùng ngành nói riêng (tỷ lệ này ở TMT là 0,73; trong khi ở HTL là 1,22).

Điều này hàm ý HHS đang được thị trường định giá rẻ hơn so với giá trị thực? Có thể. Câu trả lời sẽ nằm ở thì tương lai, do nhà đầu tư quyết định.

Tuy nhiên, có thể nhìn nhận ra 2 nguyên do cơ bản có khả năng dẫn đến điều này. Một là nhà đầu tư nghĩ rằng khối tài sản ròng của HHS có giá trị thật thấp hơn nhiều giá trị trên sổ sách. Hai là nhà đầu tư đánh giá giá trị tài sản ròng của HHS là lớn nhưng khả năng sinh lời của tài sản thấp, nên đưa ra định giá thấp.

Rất khó để đánh giá chính xác rằng khối tài sản ròng của HHS liệu có giá trị thật thấp hơn nhiều giá trị trên sổ sách hay không. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy đây không phải nguyên nhân dẫn đến việc HHS được định giá thấp hơn so với mặt bằng chung, xét về giá trị sổ sách.

Thứ nhất là các khoản phải thu – loại tài sản mập mờ, rủi ro, dễ làm tăng “khống” giá trị nhất – của HHS không lớn. Tính đến hết ngày 31/3/2018, tổng giá trị các khoản phải thu (cả ngắn hạn và dài hạn) của HHS ở mức 703 tỷ đồng, chỉ chiếm 20% tổng tài sản.

Thứ hai, HHS hiện sở hữu tới 1.342 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, chiếm tới gần 40% tổng tài sản. Tiền mặt và tiền gửi ngân hàng là tài sản “thật” nhất trong các loại tài sản, “sờ là thấy”, nhìn là biết giá trị. Hơn nữa, phần lớn tài sản của HHS là hình thành từ vốn tự có (tổng nợ của HHS hiện chỉ bằng 6% vốn tự có) nên tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của HHS càng lành mạnh, do gần như không hình thành từ vốn vay.

HHS hiện sở hữu lượng tiền "tươi" rất dồi dào

Do đó, nguyên nhân chủ chốt dẫn đến việc HHS được định giá thấp phần nhiều là do nhà đầu tư thấy rằng khả năng sinh lời của HHS là thấp.

Năm 2017, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của HHS chỉ đạt 2,72%; trong khi tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cũng chỉ đạt 2,86%.

Có thể thấy, để tăng giá trị cổ phiếu, mấu chốt HHS phải làm tăng lợi nhuận và qua đó làm tỷ suất lợi nhuận.

Với HHS, điều này cần thời gian. 2 năm qua, thị phần xe tải Trung Quốc bị thu hẹp nhanh do sự “bành trướng” của xe đầu kéo Mỹ đã đẩy các công ty nhập khẩu xe tải Trung Quốc, trong đó có HHS vào cảnh phải thu hẹp kinh doanh. Mục tiêu là có lãi tối đa nhưng điều tiên quyết là không lỗ.

So với TMT và HTL, HHS đang làm khá tốt điều này khi lợi nhuận từ mảng xe tải luôn ở mức khá vượt trội. Tuy vậy, mức lợi nhuận này vẫn cực kỳ khiêm tốn với lượng tài sản của công ty này sở hữu. Đây là lý do vì sao HHS đang chuyển dần trục kinh doanh sang mảng Bất động sản với động thái lớn đầu tiên là thâu tóm gần như toàn bộ dự án Pruksa Town Hải Phòng.

Trước mắt, động thái trên đã góp phần làm tăng lợi nhuận trước thuế quý I/2018 lên gấp ba cùng kỳ năm 2017, đạt 38,7 tỷ đồng. Cụ thể, lợi nhuận Ô tô tải và linh kiện đạt 20,3 tỷ (tăng 88%); lợi nhuận Bất động sản đạt 17,4 tỷ đồng (cùng kỳ không ghi nhận).

Chiến lược “giữ tiền” trong thời kỳ mảng ô tô tải khó khăn đang cho phép HHS xoay trục sang mảng Bất động sản một cách thuận lợi do sở hữu lượng tiền dồi dào.

Ngoài dự án Pruksa Town Hải Phòng, HHS hiện đang hợp tác với Công ty Ô tô Công nghệ mới trong việc đầu tư dự án bất động sản có diện tích 3ha tại TP. Hải Phòng, theo đó HHS sẽ góp vốn thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh để được quyền khai thác 45% dự án.

Cùng với đó, HHS cũng đang hợp tác với Công ty Dịch vụ Đầu tư Tài chính Hoàng Huy (TCH) đầu tư các dự án bất động sản, theo đó, HHS sẽ góp số tiền tối đa 500 tỷ đồng theo tiến độ thực hiện, tham gia quản trị, điều hành, phân phối tiêu thụ sản phẩm và được hưởng 25% ợi nhuận sau thuế của dự án Hoàng Huy Riverside thuộc quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng.

Tin mới lên