Tài chính

Hàng miễn thuế sân bay: Cuộc đua đầy sôi động

Thị trường hàng không bùng nổ trong khi hệ thống cửa hàng miễn thuế Việt Nam còn rất sơ khai khiến đây trở thành miếng bánh ngon nhưng vẫn ít doanh nghiệp khai thác.

Hàng miễn thuế sân bay: Cuộc đua đầy sôi động

Hàng miễn thuế sân bay: Cuộc đua đầy sôi động.

Ngày 29/7, Tập đoàn IPP thông báo được tỉnh Kiên Giang trao chủ trương đầu tư khu phi thuế quan trị giá 6.830 tỷ đồng; trước đó 3 ngày, Lotte Duty Free khai trương cửa hàng miễn thuế thứ 3 tại sân bay Nội Bài và họ muốn mình sẽ là doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực tại Việt Nam vào năm 2021.

Cuộc “so găng” của các ông lớn

Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) – công ty con của ACV được phép kinh doanh độc quyền cửa hàng miễn thuế tại sân bay Tân Sơn Nhất, liên tục lãi lớn trong vài năm gần đây. Hiện Sasco có 20 quầy hàng miễn thuế, bán 10 nhóm mặt hàng và có trên 12.000 sản phẩm đến từ các thương hiệu danh tiếng trong nước và nước ngoài.

Trong quý II/2019, Sasco ghi nhận gần 702 tỷ đồng doanh thu, tăng 11% so cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu bán hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế đạt hơn 325 tỷ đồng, tăng 15 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu tăng trưởng trong khi giá vốn chỉ tương đương mức cùng kỳ giúp lợi nhuận gộp quý/II của Sasco tăng 24%, đạt gần 350 tỷ đồng.

Trong 4 năm gần nhất, lợi nhuận sau thuế của Sasco luôn duy trì tăng với năm 2015 đạt 11,6 tỷ đồng, năm 2016 đạt 234,11 tỷ đồng, năm 2017 đạt 290,3 tỷ đồng và kỷ lục là năm 2018 với 341,1 tỷ đồng. Trong khi đó, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) của "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn cũng là một doanh nghiệp "sừng sỏ" trong lĩnh vực này.

Năm 1993, IPPG đã khai trương 2 cửa hàng miễn thuế tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Hiện họ có 32 cửa hàng miễn thuế tại 5 sân bay quốc tế là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng và Phú Quốc.

Các cửa hàng miễn thuế tại sân bay của IPPG thường có quy mô nhỏ và chia thành 6 thương hiệu khác nhau: Shine (Sức khỏe & Sắc đẹp), Bon Voyage (Thiết bị điện tử & du lịch), Kid Stars (Sản phẩm dành cho trẻ em), Viet Nam’s Delights (sản phẩm do Việt Nam sản xuất), The Cocoa Trees (Chocolate) và cửa hàng trang sức Thomas Sabo (thương hiệu đến từ Đức).

Hôm 29/7, Tập đoàn IPP thông báo được tỉnh Kiên Giang trao chủ trương đầu tư khu phi thuế quan trị giá 6.830 tỷ đồng. Dự án khu phi thuế quan Phú Quốc có thể bao gồm 12 hạng mục chính với quy mô lên đến 101 ha. Và nó sẽ được quy hoạch theo định hướng khu phi thuế quan (hàng rào cứng) và khu thương mại - dịch vụ nằm ngoài khu phi thuế quan - gồm: trung tâm bán hàng giảm giá (Factory Outlet), khu vực siêu thị miễn thuế, khu thương mại dịch vụ ăn uống (F&B), khu vui chơi giải trí…

Ở khía cạnh khác, ngoài tính chất độc quyền, sở dĩ Sasco kinh doanh tốt đến thế là nhờ sự tham gia của IPPG năm 2016. Năm 2016, IPPG đã hỗ trợ Sasco tái cấu trúc mảng miếng này, để hoạt động kinh doanh của họ hiệu quả hơn cũng như ít hàng tồn kho hơn. Hiện nhóm cổ đông liên quan đến gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn đang sở hữu trên 45% vốn của Sasco.

Nếu Sasco là "trùm" ở sân bay Tân Sơn Nhất, thì Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không Sân bay Nội Bài (Nasco) chính là "trùm" ở sân bay Nội Bài. Dù không biết số lượng cửa hàng miễn thuế cụ thể của họ ở sân bay Nội Bài là bao nhiêu những chúng ta có thể biết họ kinh doanh khá hiệu quả trong nhiều năm và trong năm 2018, doanh nghiệp này ghi nhận mức lời khoảng 26,5 tỷ đồng.

Tiếp theo là Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không Taseco (Taseco Air). Cuối năm 2018, Taseco Air đã hoàn tất việc mua lại 49% phần vốn góp của Công ty TNHH Hàng miễn thuế Jalux - Taseco (JDV) từ Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không Thăng Long (Taseco). Đối tác Jalux đến từ Nhật có 5 cửa hàng miễn thuế, 3 ở Nội Bài và 2 ở Đà Nẵng.

Cuối cùng chính là Lotte. Lotte bắt đầu nhảy vào lĩnh vực cửa hàng miễn thuế tại Việt Nam từ năm 2017. Sau đó, cứ 1 năm họ khai trương 1 cửa hàng. 2017, Lotte có cửa hàng ở Đà Nẵng, năm 2018 là tại Cam Ranh và mới đây, Lotte Duty Free vừa tổ chức sự kiện khai trương cửa hàng miễn thuế tại sân bay Nội Bài hết sức hoành tráng.

Miếng bánh ngon hấp dẫn nhà đầu tư

Việc danh tiếng của Việt Nam ngày càng tăng cao trên trường quốc tế, cộng với thu nhập của người dân ngày càng cao, đã liên tục kích thích sự tăng trưởng của du lịch inbound.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt xấp xỉ 8,5 triệu lượt, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018; tổng thu từ khách du lịch đạt 338.200 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong 6 tháng cuối năm 2019, du lịch Việt Nam tiếp tục duy trì thúc đẩy, tăng trưởng về khách du lịch quốc tế và nội địa. Dự kiến năm 2019, ngành du lịch sẽ đón, phục vụ khoảng 17,5-18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 700.000 tỷ đồng.

Trước đây, chúng ta chỉ có vài sân bay quốc tế, nhưng bây giờ chúng ta có 11 sân bay quốc tế. Trước đây, chúng ta không có các hãng bay chuyên về du lịch, bây giờ chúng ta có Bamboo Airways đã cất cánh và Vietravel Airlines, Vinpearl Air và hãng hàng không thủy phi cơ Hải Âu - Thiên Minh Group đang chờ được cấp phép bay. Năm ngoái, hãng hàng không du lịch nghỉ dưỡng Edelweiss của Thụy Sĩ đã mở đường bay thẳng Việt Nam – Thụy Sĩ sau nhiều năm ngắt quãng. Hay mới nhất, đường bay thẳng Việt Nam – Mỹ đã được khai thông.

Trong tất cả những dịch vụ ‘ăn theo’ du lịch inbound, thì mảng bán hàng miễn thuế được xem là hấp dẫn nhất.

Tin mới lên