Thị trường

Hàng loạt ‘ông lớn’ bị chấm điểm 0 về công bố thông tin

(VNF) – Chỉ có 9 trong tổng số 30 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam thông tin công khai các chương trình phòng chống tham nhũng - báo cáo "Đánh giá thực tiễn công bố thông tin của doanh nghiệp: Đánh giá 30 doanh nhiệp lớn nhất Việt Nam" (TRAC Việt Nam 2017) do Tổ chức Hướng tới Minh bạch thực hiện cho biết.

Hàng loạt ‘ông lớn’ bị chấm điểm 0 về công bố thông tin

Nhiều doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam có mức độ công khai thông tin khá thấp

Sáng 26/4, Tổ chức Hướng tới Minh bạch – cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Việt Nam – đã công bố "Báo cáo đánh giá thực tiễn công bố thông tin của doanh nghiệp: Đánh giá 30 doanh nhiệp lớn nhất Việt Nam"

Báo cáo đã đánh giá thực tiễn công bố thông tin của 30 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam theo xếp hạng của VNR500 năm 2015, bao gồm 10 doanh nghiệp nhà nước, 10 doanh nghiệp niêm yết và 10 doanh nghiệp có 100% vốn FDI.

Việc đánh giá được dựa trên ba khía cạnh: chương trình phòng chống tham nhũng, minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp, cơ chế báo cáo theo quốc gia. Các dữ liệu của báo cáo được thu thập từ các nguồn công khai do chính doanh nghiệp cung cấp, điển hình là các trang thông tin điện tử của công ty.

Theo báo cáo, có 21/30 doanh nghiệp không công bố công khai các chương trình chống tham nhũng, 12/30 doanh nghiệp không công bố thông tin về cấu trúc và tỷ lệ sở hữu, 4/30 doanh nghiệp không có trang thông tin điện tử (website), 16/30 doanh nghiệp không cung cấp thông tin về các công ty con tại nước ngoài và không có doanh nghiệp nào công bố thông tin về tất cả các yếu tố.

Hàng loạt ‘ông lớn’ bị chấm điểm 0 về công bố thông tin ảnh 1

Hàng loạt ông lớn bị cho điểm 0 về công bố thông tin chương trình phòng chống tham nhũng

Cụ thể, về chương trình phòng chống tham nhũng, điểm trung bình của 30 doanh nghiệp được đánh giá chỉ đạt 10% (100% là công khai nhiều nhất, 0% là công khai ít nhất). Trong đó khối doanh nghiệp nhà nước đạt điểm thấp nhất (1,9%), tiếp theo là các công ty niêm yết (5,1%). 

Các doanh nghiệp đạt điểm cao nhất gồm: Posco Việt Nam, Cargill Việt Nam (65%), Samsung Vina (54%), CPV (42%), Vinamilk (38%), Vinacomin (19%), Canon Việt Nam (15%), FPT (8%), EVN (4%).

Các doanh nghiệp bị cho điểm 0 gồm: Hòa Phát, Hoa Sen, Hùng Vương, Kuhera Việt Nam, Mobifone, Microsoft Việt Nam, Pou Yeun Việt Nam, Saigon STEC, MBBank, Thegioididong, Sacombank, Thalexim, Saigon Petro, Unilever Việt Nam, Agribank, PVN, VNPT, Vinafood II, Viettel, Vimedimex...

Về minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp, báo cáo cho biết một số đơn vị đạt điểm khá tốt, đặc biệt có 2 doanh nghiệp đạt điểm tối đa là FPT và Vinamilk. 

Các doanh nghiệp có điểm số tốt tiếp theo là: Sacombank (88%), Vinafood II, MBBank (75%), Hoa Sen, Mobifone (63%), Vimedimex (63%), Hòa Phát (56%), Thegioididong (50%), Thelexim, Agribank, Vinacomin (38%), Hùng Vương, Vingroup (25%), Viettel, VNPT (13%).

Các doanh nghiệp nhận điểm 0 gồm: CPV, Canon Việt Nam, Cargill Việt Nam, Kuhera Việt Nam, Microsoft Việt Nam, Posco Việt Nam, Pou Yeun Việt Nam, Saigon STEC, Samsung Vina, Saigon Petro, Unilever Việt Nam, EVN.

Về cơ chế báo cáo theo quốc gia (là công bố các thông tin tài chính của doanh nghiệp ở các quốc gia có hoạt động – áp dụng đối với công ty đa quốc gia), báo cáo cho biết có 16 doanh nghiệp không tìm thấy thông tin hoạt động bên ngoài Việt Nam. 14 doanh nghiệp có thông tin. Tuy nhiên những thông tin này không đáp ứng được các tiêu chí được đánh giá theo cơ chế Báo cáo theo từng quốc gia nên đều bị cho điểm 0.

Mặc dù đánh giá, cho điểm khá cụ thể, tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý, một doanh nghiệp đạt điểm số cao chứng tỏ họ thể hiện cam kết thực hiện minh bạch mạnh mẽ hơn. Còn doanh nghiệp có điểm số thấp, cần được hiểu là do cam kết thực hiện chưa cao, hoặc tuy có cam kết nhưng chưa chú trọng đến việc truyền thông đầy đủ ra bên ngoài, thông qua website của doanh nghiệp.

Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI 2016) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2016 dựa trên cảm nhận của doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công cho thấy Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước mà tham nhũng được cho là nghiêm trọng đạt 33/100 điểm, đứng thứ 113/176 quốc gia được đánh giá).

Doanh nghiệp vừa là nạn nhân và cũng là tác nhân gây ra tham nhũng. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI 2015 và 2016 được VCCI công bố, có tới 66% doanh nghiệp trong nước thừa nhận đã chi trả chi phí không chính thức, 59% doanh nghiệp FDI phải trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục hải quan. Đồng thời, 61,5% doanh nghiệp có hành vi biếu tiền và như tất cả doanh nghiệp đều có hành vi "lại quả" cho đối tác. 

Khảo sát Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu (GCB) 2016 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế và Hướng tới Minh bạch tại Việt Nam đánh giá quan điểm và trải nghiệm của người dân Việt Nam về tham nhũng cho biết, 38% người dân Việt Nam được hỏi cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp là một trong ba nhóm có mức độ tham nhũng cao nhất (sau công an và thuế).

Tin mới lên