Tài chính

‘Hàng hot’ Taseco Airs: Thế lực mới hay cơn hưng phấn tức thời?

(VNF) - Ngay phiên chào sàn, cổ phiếu AST của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs) đã tăng kịch trần lên 54.000 đồng/cổ phiếu, đẩy mức vốn hóa thị trường của Taseco Airs lên 1.944 tỷ đồng và trở thành doanh nghiệp dịch vụ hàng không lớn thứ 2 chỉ sau Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco).

‘Hàng hot’ Taseco Airs: Thế lực mới hay cơn hưng phấn tức thời?

"Thánh Gióng" AST

Theo cáo bạch của doanh nghiệp, Taseco Airs hiện có vốn điều lệ 360 tỷ đồng, tương đương với 36 triệu cổ phiếu. Tính đến 22/11, Taseco Airs hiện đang có 2 cổ đông lớn nắm giữ 70% cổ phần là Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Thăng Long - Taseco (sở hữu 60% cổ phần) và quỹ PENM IV (nắm giữ 10% cổ phần). Ngoài ra, Taseco Airs còn có 503 cổ đông khác nắm giữ khoảng 30% vốn.

Tuy nhiên, nếu theo dõi kỹ quá trình phát triển của Taseco Airs sẽ thấy, chỉ sau 2 năm thành lập với số vốn ban đầu khá "tí hon" - chỉ 27 tỷ đồng - Taseco Airs đã "lớn nhanh như thổi" chỉ sau hai lần tăng vốn, lần lượt vào tháng 10/2016 và tháng 7/2017, vốn điều lệ của Taseco Airs đã lên mức 360 tỷ đồng, số lượng cổ đông cũng tăng từ 3 người sáng lập lên 505 cổ đông.

Một doanh nghiệp mới thành lập vì sao "hot" đến vậy?

Thực tế, Taseco Airs hiện có 4 công ty con, là Công ty CP Dịch vụ Taseco Đà Nẵng (99,9% vốn), Công ty CP Dịch vụ Hàng không Taseco Sài Gòn (65% vốn), Công ty TNHH MTV Taseco Oceanview Đà Nẵng (100% vốn) - đơn vị quản lý khách sạn Alacarte Đà Nẵng và Công ty CP Đầu tư Truyền thông Taseco (99,9% vốn).

Ngoài ra, Taseco Airs hiện đang góp 26,67% vốn vào Công ty CP Dịch vụ suất ăn Hàng không Việt Nam - đơn vị cung cấp suất ăn cho các hãng hàng không tại Việt Nam.

Với mảng dịch vụ hàng không, Taseco Airs đang có mạng lưới khoảng 50 nhà hàng, cửa hàng và các quầy kinh doanh café fastfood tại sân bay mang tên Lucky, cửa bách hóa lưu niệm, đại lý thu đổi ngoại tệ, dịch vụ du lịch… tại các sân bay quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Bài, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc…

Tính đến hết tháng 9/2017, mảng nhà hàng - fastfood đã chiếm khoảng 11% trong cơ cấu doanh thu; riêng mảng bách hóa lưu niệm cũng chiếm tỷ lệ 46% trong cơ cấu doanh thu của Taseco Airs.

Mảng kinh doanh khách sạn cũng chiếm khoảng 20% trong cơ cấu doanh thu của Taseco Airs. Theo ghi nhận, doanh nghiệp hiện đang sở hữu khách sạn Alacarte Đà Nẵng Beach và đang tiếp tục tham gia đầu tư và quản lý vận hành khách sạn A La Carte Hạ Long Bay với quy mô 39 tầng, gần 800 căn hộ khách sạn. Theo kế hoạch, dự án A La Carte Hạ Long Bay sẽ được khởi công xây dựng vào quý II/2018 và đi vào hoạt động sau 2 năm thi công xây dựng.

Về mảng quảng cáo truyền thông, Taseco Airs đang nắm khoảng 32% thị phần quảng cáo tại sân bay Quốc tế Nội Bài và 50% tại Nhà ga quốc tế, sân bay Đà Nẵng với nhiều khách hàng lớn như Samsung, Sungroup, BIDV, VCB...

Đặc biệt, Taseco Airs hiện đang góp 26,67% vốn vào Công ty CP Dịch vụ suất ăn Hàng không Việt Nam – Đây là doanh nghiệp đang sở hữu 2 nhà máy suất ăn tại sân bay Nội Bài và sân bay Cam Ranh và dự kiến năm 2018 sẽ đầu tư thêm 2 nhà máy tại sân bay Đà Nẵng và Phú Quốc.

Cơ cấu doanh thu của Taseco Airs

Cổ phiếu AST có "dư địa" tăng trưởng?

Trong phiên chào sàn đầu tiên, cổ phiếu AST đã tăng kịch trần (tăng 20%) không khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ bởi: Thứ nhất, hệ thống dịch vụ của Taseco Airs toàn diện và khép kín, bao hàm từ khâu cung cấp dịch vụ suất ăn hàng không, dịch vụ bách hoá, bán lẻ, các nhà hàng, dịch vụ fast food, đón tiễn khách vip, tour phòng du lịch và dịch vụ thông tin,… tại các sân bay, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng lưu trú tại các điểm du lịch.

Thứ hai, mạng lưới hoạt động dinh doanh của Taseco Airs rộng khắp các cảng hàng không quốc tế trên cả nước. Chuỗi dịch vụ của Taseco Airs có mặt trên các sân bay từ miền Bắc (Sân bay quốc tế Nội Bài, và dự kiến là Sân bay quốc tế Vân Đồn - Quảng Ninh); đến miền Trung (Sân bay Quốc tế Đà Nẵng và Sân bay quốc tế Phú Bài – Huế) và miền Nam (Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất và Sân bay quốc tế Phú Quốc).

Độ phủ sóng các cửa hàng, dịch vụ là một trong yếu tố giúp du khách nhớ đến và quen thuộc với thương hiệu Lucky của Công ty. Nên nhớ, mảng kinh doanh bách hóa này luôn chiếm tỷ trọng từ 45% trở lên trong cơ cấu doanh thu của Taseco Airs những năm qua.

Chưa kể, Taseco Airs cũng đang có định hướng đầu tư mạnh vào mảng dịch vụ suất ăn hàng không và tiềm năng của mảng kinh doanh này có lẽ không quá khó hình dung với các nhà đầu tư.

Chính những yếu tố này là điểm cộng đối với nhà đầu tư khi tham gia mua cổ phiếu AST.

Được biết, đến hết tháng 11/2017, Taseco Airs đạt 598 tỷ đồng doanh thu (bằng 93% kế hoạch năm) và lợi nhuận sau thuế đạt 133 tỷ đồng (bằng 90% kế hoạch năm). Trong năm 2018, Công ty đặt mục tiêu kinh doanh với mức doanh thu thuần là 871 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 154 tỷ đồng; tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền dự kiến từ 20-40%.

Tin mới lên