Ngân hàng

Hai nguyên nhân đáng chú ý khiến lợi nhuận của BIDV 'ngậm ngùi' xếp sau MB, Techcombank

(VNF) - Bên cạnh nguyên nhân đến từ trích lập dự phòng, còn một nguyên nhân đáng chú ý khác khiến lợi nhuận của BIDV suy giảm trong nửa đầu năm nay là việc chi phí vốn gia tăng, thể hiện qua lượng tiền gửi không kỳ hạn giảm đáng kể.

Hai nguyên nhân đáng chú ý khiến lợi nhuận của BIDV 'ngậm ngùi' xếp sau MB, Techcombank

Hai nguyên nhân đáng chú ý khiến lợi nhuận của BIDV 'ngậm ngùi' xếp sau MB, Techcombank

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 vừa được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố gây đôi chút bất ngờ với giới đầu tư với lợi nhuận trước thuế quý vừa qua ở mức 2.251 tỷ đồng, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế nửa đầu năm nay, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế 4.772 tỷ đồng, giảm 4% so với nửa đầu năm ngoái và hoàn thành 46% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Mức lợi nhuận này thấp hơn 2 "đàn em" là MB (4.875 tỷ đồng) và Techcombank (5.661 tỷ đồng).

Cũng như các kỳ trước, trích lập dự phòng lượng lớn để xử lý nợ xấu là nguyên nhân khiến lợi nhuận kỳ này của BIDV diễn biến không mấy lạc quan.

Nửa đầu năm, ngân hàng này đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tới 10.710 tỷ đồng, "ngốn" gần 70% lợi nhuận thuần và là mức trích lập thuộc hàng cao nhất hệ thống (chỉ có Agribank là trích lập ngang ngửa).

Động thái liên tục trích lập dự phòng lượng lớn cho thấy BIDV đang muốn làm sạch bảng cân đối kế toán một cách thực chất.

Tính đến hết ngày 30/6/2019, nợ xấu nội bảng của ngân hàng này ở mức 21.120 tỷ đồng (trong đó một nửa là nợ có khả năng mất vốn), chiếm 1,98% dư nợ cho vay.

Về nợ xấu ngoại bảng tại VAMC, báo cáo lần này của BIDV chưa có thuyết minh cụ thể. Tuy nhiên, với việc khoản mục "Chứng khoán đầu tư giữ đến đến ngày đáo hạn" - khoản mục bao gồm trái phiếu đặc biệt VAMC - giảm đáng kể, khoảng trên 3.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, thì nhiều khả năng nợ xấu tại VAMC của BIDV không tăng trong cùng thời gian, thậm chí có thể cũng đã giảm đáng kể.

Hồi đầu năm, nợ xấu chưa xử lý tại VAMC chỉ ở mức 6.461 tỷ đồng. Nếu coi như nợ xấu chưa xử lý tại VAMC 6 tháng đầu năm không thay đổi thì tỷ lệ nợ xấu (bao gồm cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu chưa xử lý tại VAMC) ở mức 2,57%, nghĩa là đã dưới ngưỡng quy định 3% của Ngân hàng Nhà nước.

Nói BIDV đang muốn làm sạch bảng cân đối kế toán một cách thực chất là vì trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu đã ở ngưỡng chấp nhận được, ngân hàng này hoàn toàn có thể giãn lượng trích lập dự phòng ra để ghi nhận lợi nhuận cao hơn.

Bên cạnh nguyên nhân đến từ trích lập dự phòng, còn một nguyên nhân khác khiến lợi nhuận của BIDV suy giảm trong nửa đầu năm nay là việc chi phí vốn gia tăng.

Ở mảng tín dụng - mảng kinh doanh cốt lõi của BIDV, tỷ lệ chi phí lãi trên thu nhập lãi (phản ánh chi phí vốn trên mỗi đồng doanh thu) đạt 63,7% trong nửa đầu năm nay, tăng so với mức 60,6% cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn vào diễn biến huy động vốn nửa đầu năm, có thể hiểu vì sao chi phí vốn của BIDV lại tăng đáng kể như vậy.

Thứ nhất, tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước giảm tới 14.436 tỷ đồng, tương đương giảm 74%.

Thứ hai, tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức tín dụng khác giảm 3.232 tỷ đồng, tương đương giảm 27%.

Thứ ba, tiền gửi khách hàng không kỳ hạn giảm 9.855 tỷ đồng, tương đương giảm 6%. Đây là một diễn biến rất đáng lưu tâm vì cơ cấu tiền gửi khách hàng thường khá ổn định và các ngân hàng thường rất nỗ lực để nâng lượng tiền gửi khách hàng không kỳ hạn.

Tựu chung, tổng tiền gửi không kỳ hạn (ở cả 3 kênh nêu trên) đã giảm trên 27.500 tỷ đồng chỉ sau 6 tháng. Đặc biệt, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trên tổng huy động (ở cả 3 kênh nêu trên) giảm mạnh từ mức 16,5% hồi đầu năm xuống còn 13,3% thời điểm 6 tháng sau đó.

Tiền gửi không kỳ hạn là nguồn tiền rẻ có lãi suất rất thấp, chưa đến 1%/năm. Việc nguồn tiền này suy giảm là nguyên nhân quan trọng khiến chi phí vốn của BIDV gia tăng, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Từ nay đến cuối năm, không dễ để BIDV có thể cải thiện nguồn tiền gửi không kỳ hạn. Vì vậy, để hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 10.300 tỷ, ngân hàng này có thể đẩy mạnh doanh thu từ tín dụng để bù đắp chi phí vốn gia tăng, tăng thu nhập ngoài lãi, tiết kiệm chi phí nhưng khả dĩ nhất vẫn là giảm lượng trích lập dự phòng.

Điều chỉnh lại mục tiêu lợi nhuận cũng là một phương án nếu BIDV ưu tiên xử lý dứt điểm nợ xấu.

Tin mới lên