Bất động sản

Hà Nội làm gì với khoản vay hơn 98 triệu USD để vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông?

(VNF) - Hà Nội dự kiến vay 98,35 triệu USD, tương đương 2.306 tỷ đồng, từ nguồn vốn của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Khoản vay này sẽ được sử dụng để vận hành, kinh doanh tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông gồm nhiều hạng mục.

Hà Nội làm gì với khoản vay hơn 98 triệu USD để vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông?

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể vận hành sau nhiều lần lỗi hẹn

Ngày 8/7, UBND TP. Hà Nội đã trình HĐND thành phố xem xét báo cáo phương án vay lại vốn thuộc dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông để vận hành tuyến đường sắt đô thị này. Theo đó, khoản vay hơn 98 triệu USD sẽ được chia làm 3 gói vay. Gói thấp nhất gần 10 triệu USD, 2 gói khác lần lượt hơn 41 triệu USD và 47 triệu USD.

Nguồn tiền này sẽ được sử dụng để vận hành, kinh doanh tuyến đường sắt gồm các hạng mục như: hệ thống kiểm soát vé tự động; hệ thống thiết bị công nghệ bảo dưỡng đoàn tàu; mua sắm đầu máy, toa xe; đào tạo và chuyển giao công nghệ...

Với khoản vay này, TP. Hà Nội sẽ phải trả mức lãi suất là là 4%/năm. Trường hợp không trả nợ đúng hạn bất kỳ khoản nợ nào bao gồm gốc, lãi, phí và các chi phí liên quan khác, bên vay lại phải trả lãi phạt chậm trả bằng 150% lãi suất cho vay lại, áp dụng cho số ngày quá hạn. Lãi và lãi phạt chậm trả được tính trên cơ sở số ngày thực tế áp dụng với một năm có 360 ngày.

Theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND TP. Hà Nội), việc thực hiện vay lại phần vốn vay nước ngoài của dự án đã được Chính phủ chỉ đạo và được xác định trong phương án tài chính của dự án. Phương án vay lại này được HĐND TP. Hà Nội quyết nghị là căn cứ để cân đối nguồn lực và kế hoạch trả nợ của thành phố theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

“Khoản vay lại không làm vượt hạn mức dư nợ hằng năm của thành phố và không tính vào bội chi ngân sách địa phương. Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất với chủ trương thực hiện vay lại vốn vay nước ngoài theo chỉ đạo của Chính phủ như UBND thành phố trình”, báo cáo của Ban Kinh tế - Ngân sách TP. Hà Nội nêu rõ.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao. Ban đầu dự kiến triển khai dự án từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013 hoàn thành, tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD (gồm nguồn vốn trong nước kết hợp với vốn vay ODA của Trung Quốc).

Dự án đã được đóng điện toàn hệ thống vào cuối tháng 7/2018. Từ 20/9/2018, dự án vận hành thử toàn bộ hạng mục (gồm đoàn tàu và 11 thiết bị liên quan) và khai thác thương mại sau khi chạy thử 3-6 tháng.

Cuối tháng 3/2019, Ban quản lý Dự án Đường sắt (Bộ GTVT) khẳng định hoàn thành tuyến Cát Linh - Hà Đông vào tháng 4. Đây là lần thứ 8 mốc kết thúc được đưa ra và kết quả vẫn như cũ.

Đến thời điểm này, tuyến đường sắt này vẫn chưa “chốt” được ngày đưa vào vận hành thương mại.

Tin mới lên