Tài chính

Hà Nội: Doanh nghiệp nợ thuế trên 5 triệu đồng sẽ bị cưỡng chế

(VNF) - Các phòng thanh tra, kiểm tra, các chi cục thuế được yêu cầu tăng cường công tác cưỡng chế nợ thuế; rà soát các trường hợp chưa cưỡng chế để thực hiện theo đúng quy định, bao gồm cả các đơn vị nợ trên 5 triệu chưa cưỡng chế.

Hà Nội: Doanh nghiệp nợ thuế trên 5 triệu đồng sẽ bị cưỡng chế

Hà Nội: Doanh nghiệp nợ thuế trên 5 triệu đồng sẽ bị cưỡng chế. (Ảnh minh hoạ)

Báo cáo tại hội nghị diễn ra mới đây, ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho hay số nợ thuế tại ngày 31/7/2019 tăng so với ngày 31/12/2018. Nhiều đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ giảm nợ đã được giao. Trong khi đó, kết quả đôn đốc thu hồi nợ còn thấp, nợ mới tăng. Công tác cưỡng chế nợ thuế còn chưa thực sự quyết liệt, chưa đạt được yêu cầu đặt ra. Công tác xử lý nợ chờ xử lý, chờ điều chỉnh còn chậm, chưa dứt điểm...

Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết ngoài nguyên nhân khách quan do các doanh nghiệp khó khăn tài chính, vướng mắc chính sách thì số nợ tăng cao so với 31/12/2018 chủ yếu là do các phòng, các chi cục thuế chưa đôn đốc quyết liệt, kịp thời, để phát sinh nợ mới.

Bên cạnh đó, nợ thuế tăng còn do các đơn vị chưa kịp thời phát hiện các khoản nợ sai, nợ ảo khi vừa hết hạn kê khai, nộp thuế, chủ yếu sau khi khóa sổ mới phát hiện nợ. Các đơn vị chưa kịp thời thực hiện phối hợp để xử lý dứt điểm các khoản nợ chờ điều chỉnh.

Trước tình hình trên, lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội đã quán triệt các phòng, các chi cục thuế cần tập trung phân tích nguyên nhân cụ thể của từng đơn vị, đề xuất, tham mưu các giải pháp thực hiện để việc tăng nợ xử lý dứt điểm các tồn tại.

Sau khi nghe các phòng, các chi cục thuế có kết quả thực hiện công tác quản lý đôn đốc thu nợ thuế chưa cao giải trình trực tiếp tại hội nghị, ban lãnh đạo Cục thuế TP. Hà Nội đề nghị các phòng, các chi cục thuế bám sát các văn bản Cục Thuế TP. Hà Nội đã chỉ đạo liên quan đến công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế từ đầu năm 2019 để triển khai thực hiện, nghiêm túc kiểm điểm lại kết quả triển khai tại đơn vị mình.

Trên cơ sở số nợ tại ngày 31/7/2019 của từng phòng, từng chi cục thuế, Cục Thuế giao Phòng quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế cùng Phòng công nghệ thông tin có trách nhiệm tham mưu lãnh đạo Cục giao chỉ tiêu giảm nợ đến ngày 30/9/2019 cho từng đơn vị.

Với số nợ dưới 90 ngày thời điểm 31/7/2019, Cục Thuế đề nghị các phòng thanh tra, kiểm tra, các chi cục thuế giao nhiệm vụ đôn đốc tới từng cán bộ, công chức bộ phận thanh tra kiểm tra đảm bảo thu hết trong tháng 8 và tháng 9/2019.

Các phòng thanh tra, kiểm tra, các chi cục thuế cũng được yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, rà soát các trường hợp doanh nghiệp đã cưỡng chế hóa đơn nhưng không xuất hóa đơn lẻ, các doanh nghiệp nhiều tháng không phát sinh doanh thu, không kê khai thuế để thực hiện thanh tra kiểm tra, chuyển trạng thái để phân loại nợ theo quy định.

Cùng với đó là tăng cường công tác cưỡng chế nợ thuế; rà soát các trường hợp chưa cưỡng chế để thực hiện theo đúng quy định, bao gồm cả các đơn vị nợ trên 5 triệu chưa cưỡng chế. Đối với các đơn vị này, Cục thuế yêu cầu các phòng, các chi cục thuế hoàn thành việc cưỡng chế, điều chỉnh trước ngày 30/9/2019.

Đối với các khoản nợ khó thu, Cục Thuế đề nghị các phòng, các chi cục thuế rà soát hồ sơ phân loại nợ, hồ sơ cần thiết để thực hiện xóa nợ theo dự thảo Nghị quyết xử lý nợ của Quốc hội để sau khi dự thảo được thông qua có thể thực hiện kịp thời.

Riêng về khoản nợ liên quan đến đất, ban lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội đề nghị các chi cục thuế đôn đốc đốc các dự án mới phát sinh; đồng thời áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn thanh tra kiểm tra phải ghi rõ số thuế còn nợ (nợ thuế, phí, nợ tiền thuê đất, sử dụng đất) trên biên bản thanh tra, kiểm tra. Sau khi thanh tra kiểm tra, các đơn vị quản lý cần đôn đốc ngay số thuế phát sinh phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Tin mới lên