Tiêu điểm

GS Nguyễn Mại: 'Đổi mới sáng tạo là động lực chính sách của chiến lược phát triển 2021 - 2030'

(VNF) - Chưa bao giờ việc tìm kiếm động lực tăng trưởng khi xây dựng chiến lược phát triển lại được quan tâm như lúc này, bởi vì thế giới đang tiến hành cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với biến đổi nhanh chóng về công nghệ, năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh quốc gia. Do vậy, chiến lược phát triển 2021-2030 phải lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính của tăng trưởng.

GS Nguyễn Mại: 'Đổi mới sáng tạo là động lực chính sách của chiến lược phát triển 2021 - 2030'

Đổi mới sáng tạo - động lực chính sách của chiến lược phát triển 2021 - 2030

Tiềm lực và vấn đề

Loài người đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển; trong một thời gian khá dài chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản và đất đai. Đó là những nhân tố phát triển có giới hạn và ngày càng khan hiếm. Loài người đã tìm được nhân tố phát triển không có giới hạn là đổi mới và sáng tạo bằng sáng chế, phát minh về khoa học và công nghệ.

Vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển đất nước đã được Đảng và Nhà nước khẳng định từ nhiều thập kỷ trước. Năm 1960 trong khi đang phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại hội lần thứ III của Đảng coi “cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt”. Hiến pháp năm 1992 viết: “Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”. Hiến pháp năm 2013 đã lấy khoa học và công nghệ làm “động lực thúc đẩy phát triển đất nước”. Đại hội lần thứ XII (2016) của Đảng xác định: “khoa học, công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại”.

Thể chế, luật pháp, chính sách về KH&CN ngày càng được hoàn thiện, đầu tư cho KH&CN chiếm khoảng 2% tổng chi ngân sách nhà nước; tỷ trọng đầu tư cho KH&CN giữa nhà nước và doanh nghiệp từ 7/3 vào năm 2011, hiện nay là 5,2/4,8, tiềm lực KH&CN đã nâng lên rõ rệt. Việt Nam đã tiệm cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực về công nghệ nano, tế bào gốc, giải mã gen cây trồng, vật nuôi và giải mã bộ gen người. Thị trường viễn thông Việt Nam đã được xếp thứ hạng cao về cả quy mô và tốc độ phát triển trên 3 lĩnh vực: cố định, di động và Internet. Kết quả nghiên cứu của khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bộ KH&ĐT phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đã thành lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018 để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế đổi mới sáng tạo, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đã hình thành đóng góp tri thức, nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ, nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong khu vực và trên thế giới. Theo Giáo sư Hồ Tú Bảo: “Nếu tính số người Việt Nam về AI (trí tuệ nhân tạo) cả trong và ngoài Việt Nam, cả về số lượng lẫn chất lượng, dường như không có sự khác biệt lớn giữa Việt Nam với hai cường quốc (Nhật Bản và Hàn Quốc)”. (Xem “Việt Nam thời chuyển đổi số, Nxb Thế giới 2019, tr. 151).

Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 bình quân 33,6%, giai đoạn 2016-2020 dự báo 43,5%.Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2015 là 4,3%/năm, giai đoạn 2016-2018 là 5,8%/năm, năm 2018 trên 7%.

Ngày 24/7/2019, tại New Delhi, Ấn Độ, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố “Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2019”. Việt Nam tăng 3 bậc so với 2018, tăng 17 bậc so với năm 2016; xếp thứ 42/129 quốc gia, xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia. Đáng chú ý là Trình độ phát triển của thị trường tăng 3 bậc, Tín dụng tăng 4 bậc; Tăng năng suất lao động tăng 3 bậc, Tổng chi cho R&D tăng 5 bậc và Chỉ số Sản phẩm dựa trên tri thức và công nghệ tăng 8 bậc so với năm 2018.

Tuy vậy, KH&CN vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết mới thực sự trở thành động lực chính đối với tăng trưởng. Chi cho KH&CN của Việt Nam hiện nay khoảng 0,44% GDP, khá thấp so Thái Lan 0,78%; Singapore 2,2%; Malaysia 1,3%, Trung Quốc 2,1%. Năng lực KH&CN Việt Nam còn khá hạn chế, chưa thể giải quyết có hiệu quả các vấn đề về kinh tế- xã hội trước mắt cũng như lâu dài. Các viện nghiên cứu, trường đại học chưa thực sự trở thành các trung tâm KH&CN có chất lượng cao; thiếu sự hợp tác với các doanh nghiệp nên nhiều công trình nghiên cứu chậm được đưa vào thực tế. Số doanh nghiệp lớn đầu tư R&D còn ít, chưa xây dựng được hệ sinh thái để khuyến khích phát triển KH&CN, nhất là đối với doanh nghiệp khởi nghiệp.

Vừa qua Cục KH&CN quốc gia đã tiến hành điều tra tình hình doanh nghiệp với đổi mới sáng tạo. Trong số 7.641 phiếu điều tra thu được có 4.709 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (61,63%), 2.841 doanh nghiệp không có hoạt động đổi mới sáng tạo (37,18%) và có 91 doanh nghiệp (1,19%) không xác định được. Kết quả điều tra cho thấy hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế.

Các quỹ đổi mới công nghệ hoạt động kém hiệu quả; chính sách khuyến khich hoạt động đổi mới công nghệ còn nhiều bất cập.

Nếu không mạnh dạn đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp và khó đuổi kịp trình độ phát triển của khu vực và thế giới.

Định hướng

Tại Hội nghị “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam” Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp (có khả năng sử dụng, kiểm soát và sáng tạo công nghệ mới) là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta đột phá vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình”.

Trong giai đoạn 2021- 2030 phải phát triển mạnh mẽ KH&CN, lấy đổi mới sáng tạo làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, của ngành và lĩnh vực, của quốc gia, thực sự trở thành động lực chính đối với tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững.

Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Sebastian Eckardt khuyến nghị: “Việt Nam cần tăng cường đầu tư và thúc đẩy tăng năng suất để tái tạo đà tăng trưởng, trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, giải pháp quan trọng là đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, sở hữu trí tuệ, tài chính cho khởi nghiệp, hệ sinh thái cho cạnh tranh và đổi mới sáng tạo”.

Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright Nguyễn Xuân Thành cho biết, doanh nghiệp công nghệ có thể giúp các nước thu nhập trung bình gia tăng năng suất lên 0,8-1,4% mỗi năm. Trong khi Chính phủ luôn muốn GDP tăng khoảng 7%/năm, nếu có thêm các doanh nghiệp công nghệ lớn, kinh tế Việt Nam có thể tăng thêm 0,8-1,4%/năm.

Theo TS Trần Đình Thiên và TS Võ Trí Thành thì “CMCN 4.0 và kinh tế số vẫn diễn ra nhờ sự vận động của thị trường, song sẽ có đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng GDP... Chênh lệch tác động giữa kịch bản tốt nhất (chuyển đổi số) và kịch bản ít mong muốn nhất (truyền thống) là 1 điểm phần trăm GDP/năm, khoảng 3 triệu tỷ đồng trong vòng 20 năm” (Xem sách đã dẫn, tr. 210).

Vấn đề cốt lõi là tạo lập khung khổ nền tảng cho kinh tế số, lựa chọn ngành và lĩnh vực ưu tiên phát triển trên cơ sở lợi thế so sánh của Việt Nam về nguồn nhân lực, thị trường số, tăng trưởng kinh tế và lợi thế của nước đi sau. Trên cơ sở đó vừa nâng cấp các ngành truyền thống như nông nghiệp, công nghiệp chế tạo và dịch vụ theo hướng kinh tế số, vừa đầu tư phát triển có chọn lọc một số ngành mới như AI, điện toán đám mây, IoT (Internet vạn vật)...

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và hai kế hoạch 5 năm của chiến lược này phải thay đổi cơ bản tiêu chí đánh giá kết quả kinh tế- xã hội, bổ sung hệ thống chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng: TFP, năng suất lao động, tỷ trọng sản phẩm có hàm lượng KH&CN cao/tổng sản lượng; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...

Các dịch vụ công có tiềm năng đổi mới rất to lớn. Đổi mới sáng tạo dịch vụ công là nhân tố chính để giải quyết các vấn đề xã hội đồng thời kích thích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo. Dịch vụ công đang chứa đựng nhu cầu to lớn hướng tới tăng cường hiệu quả, quản trị tốt hơn và thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp vì áp lực đối với ngân sách và nguồn lực của bộ máy nhà nước..

Đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước bao gồm thể chế chính sách và các mô hình dịch vụ. Hướng chính đổi mới sáng tạo thể chế, chính sách là chuyển từ mục tiêu quản lý Nhà nước cứng nhắc sang đổi mới sáng tạo để thích ứng với sự chuyển động nhanh chóng của đất nước, đáp ứng đòi hỏi cao hơn của doanh nghiệp và người dân. Nhà nước cũng cần thay đổi các mô hình dịch vụ công theo hướng mở rộng quyền tham gia của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp, vừa giảm bớt gánh nặng chi ngân sách vừa thu được hiệu quả cao hơn.

Doanh nghiệp cần coi đổi mới sáng tạo là phương châm hành động lâu dài, nâng cao tỷ trọng đầu tư R&D, ứng dụng KH&CN, liên kết với các tổ chức khoa học, giáo dục, kết nối theo chuỗi cung ứng sán phẩm trong nước và toàn cầu, tham gia thực hiện chủ trương của Nhà nước xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, thành lập các quỹ đổi mới, quỹ khuyến khích KH&CN, quỹ đầu tư mạo hiểm đối với doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ, cũng như tham gia tích cực giải quyết các vấn đề xã hội như giảm đói nghèo, giảm thất nghiệp, tăng cường sức khỏe sinh sản, cứu trợ trẻ em đường phố và người già không nơi nương tựa.

Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước với doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo là nhân tố quan trọng để Chiến lược phát triển 2021- 2030 được thực hiện thành công theo hướng lấy đổi mới sáng tạo làm nhân tố chính của tăng trưởng.

Giải pháp

Những năm gần đây Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương đổi mới tư duy và hành động theo hướng xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ điện tử, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, coi trọng hơn nữa chất lượng và hiệu quả, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; do vậy đã tạo lập được hệ thống luật pháp, chính sách, cơ chế, công cụ tương đối toàn diện để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của đất nước. Vấn đề cốt lõi là khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh, nơi nóng nơi lạnh” chuyển biến không đồng nhịp, thậm chí có tổ chức, cơ quan, người đứng đầu tìm cách cản trở hoạt động đổi mới sáng tạo.

Hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế hiện hành để hình thành hệ sinh thái quốc gia về đổi mới sáng tạo cần được đặt ra như là nhiệm vụ quan trọng của lập pháp trong năm 2019 và 2020. Đó cũng là đòi hỏi của các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA mà Việt Nam đã ký kết. Hiện nay Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi sắp trình Quốc hội, cần làm cho quan điểm đổi mới sáng tạo được quán triệt trong hai luật quan trọng này để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích lũy nhanh hơn, đủ tiềm lực mua sắm trang thiết bị, ứng dụng công nghệ mới, để các tập đoàn kinh tế thành lập trung tâm R&D.

Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty VinFast Lê Thị Thu Thủy nhấn mạnh: “Để doanh nghiệp Việt có đủ tự tin và cả niềm tin để phát triển công nghệ thì chính sách của nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy, các ưu tiên về thuế, thủ tục cởi mở sẽ giúp nền kinh tế phát triển”.

Nghiên cứu phương thức đo lường và thống kê hiệu quả hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo theo các chuẩn mực quốc tế, thành lập ngân hàng dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nhân rộng mô hình thành công là con đường ngắn nhất để thực hiện đổi mới sáng tạo. Ví dụ trong nông nghiệp là mô hình “Chuỗi giá trị lúa gạo của Tập đoàn Lộc Trời” liên kết tiêu thụ lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long với sự tham gia của hơn 40 nghìn hộ nông dân, nơi khởi nguồn “cánh đồng mẫu lớn” ở Việt Nam. Lộc Trời cũng là công ty đầu tiên phát hành thành công gần 1,9 triệu cổ phiếu với giá ưu đãi cho nông dân vào năm 2014; mô hình “Chuỗi giá trị lúa gạo của Công ty TNHH Hưng Cúc” là điển hình thành công ở đồng bằng sông Hồng. Công ty TNHH Hưng Cúc (Thái Bình) với năng lực sản xuất, chế biến đạt 100 nghìn tấn nông sản/năm, đã liên kết với 28 hợp tác xã có 2.500 ha sản xuất lúa chất lượng cao, sản lượng lúa thu mua hằng năm đạt 15 nghìn tấn.

Trong số các doanh nghiệp nhà nước, Viettel thực hiện khá thành công chiến lược kinh doanh trong nước và nước ngoài khá thành công do biết chọn lựa mục tiêu, có phương thức thích hợp và đầu tư có hiệu quả vào KH&CN, nguồn nhân lực là Vinamilk từ doanh nghiệp nhà nước thông qua cổ phần hóa để kinh doanh và quản trị doanh nghiệp theo mô hình hiện đại thu được hiệu quả cao. Vingroup là một trong những điển hình của doanh nghiệp tư nhân đầu tư mạnh vào công nghệ, khoa học, thành lập các quỹ hỗ trợ đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng công nghệ, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhà nước và doanh nghiệp cần tăng thêm vốn đầu tư cho KH&CNvà ưu tiên chi cho khoa học công nghệ một cách tương xứng và hiệu quả hơn.

Hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm, gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp nhằm kiến tạo và tích lũy tài sản trí tuệ, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Mở rộng hợp tác quốc tế vê KH&CN để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài là chuyên gia công nghệ, nhà quản lý doanh nghiệp Việt kiều, người nước ngoài kết nối với các tổ chức nghiên cứu, đào tạo, doanh nghiệp trong nước để giải quyết các vấn đề kinh tế- xã hội của quá trình đổi mới sáng tạo. Ý tưởng thành lập Vietnam Global Innovation Fund đang cần được sự hỗ trợ từ Chính phủ và doanh nghiệp để sớm trở thành hiện thực.

Người Việt Nam chuẩn bị bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI với niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc, hướng đến mục tiêu năm 2030 vượt qua ngưỡng nước có thu nhập trung bình, tiếp đó năm 2045 gia nhập các quốc gia công nghiệp phát triển. Đổi mới sáng tạo lấy KH&CN làm động lực tăng trưởng là định hướng chính của Chiến lược phát triến 2021- 2030.

Tin mới lên