Diễn đàn VNF

[Góc nhìn VNF] ‘Lỗi hệ thống’ trong ứng phó thảm họa nhìn từ vụ cháy Rạng Đông

(VNF) – Vụ cháy nhà máy Rạng Đông (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã cho thấy một số vấn đề trong cách vận hành của các cấp chính quyền khi ứng phó với sự cố.

[Góc nhìn VNF] ‘Lỗi hệ thống’ trong ứng phó thảm họa nhìn từ vụ cháy Rạng Đông

Nhà máy Rạng Đông sau vụ cháy

Ngày 28/8, một ngọn lửa bốc lên từ nhà máy sản xuất bóng đèn Rạng Đông. Ngọn lửa đã thiêu rụi một phần nhà máy, "hóa kiếp" cho hơn 3 triệu bóng đèn và "phóng sinh" 27kg thủy ngân ra môi trường. Một hỏa hoạn mà không ít người đã phải dùng tới hai chữ "thảm họa" để mô tả và bình luận.

Vụ cháy, đến hôm nay, đã tạm có một kết cục, khi mà các kết quả quan trắc được công bố và thành phố Hà Nội đã họp bàn chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh.

Có điều để đi đến được kết cục trên, số thời gian tiêu tốn là không nhỏ. Tạm thống kê: sau vụ cháy 3 ngày, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới ra khuyến cáo đối với người dân; sau 7 ngày, kết quả quan trắc mới được lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận; sau 8 ngày, thành phố Hà Nội mới họp bàn cách giải quyết và sau 10 ngày, Công ty Rạng Đông mới viết thư xin lỗi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh thời, từng phê bình một cán bộ đến họp muộn:

- Chú đến chậm mấy phút?

- Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!

- Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây.

Thành phố Hà Nội có thể cho rằng họ chỉ chậm có 8 ngày nhưng nếu tính đúng, tính đủ, 8 ngày đó phải nhân với mấy vạn con người đang sống xung quanh nhà máy Rạng Đông!

Điểm sáng duy nhất trong sự việc này là động thái ra văn bản khuyến cáo người dân của UBND phường Hạ Đình (thuộc quận Thanh Xuân). Nhưng mỉa mai thay, văn bản đó đã bị thu hồi ngay tắp lự vì bị cho là ban hành "không đúng thẩm quyền và nội dung chưa đủ cơ sở”. UBND quận Thanh Xuân thậm chí còn kiểm điểm UBND phường Hạ Đình vì ban hành văn bản gây hoang mang, lo lắng cho người dân.

Cho đến hôm nay, sai đúng trong việc ban hành/thu hồi văn bản khuyến cáo nêu trên đã rõ như ban ngày. Nhưng từ cách hành xử của cơ quan nhà nước cấp quận, có thể nhìn ra một số vấn đề trong việc ứng phó với sự cố.

Một là về sự phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, "những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp huyện" (trích Điều 11).

Vụ cháy nhà máy Rạng Đông xảy ra ở phường Thanh Xuân Trung, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến phường Hạ Đình (nằm kế bên). Vụ cháy này, do vậy, là vấn đề liên phường và những vấn đề liên phường sẽ do cấp quận giải quyết (theo đúng quy định của Điều 11). UBND quận Thanh Xuân hoàn toàn có thể dùng lập luận này để bào chữa cho việc thu hồi văn bản khuyến cáo của phường Hạ Đình (với lý do phường Hạ Đình vượt quyền).

Tuy nhiên, trong những sự cố mang tính khẩn cấp như vụ cháy Rạng Đông, việc tuân theo "quy trình" một cách cứng nhắc như trên sẽ làm tê liệt chính quyền cơ sở (tức cấp phường), trực tiếp đẩy người dân vào tình thế nguy hiểm.

Bằng chứng rất rõ là sau khi bị “tước quyền”, vai trò chỉ huy ứng phó với vụ cháy của UBND phường Hạ Đình trở nên yếu đi. Thế nhưng ở chiều ngược lại, sau khi “đoạt lại quyền”, UBND quận Thanh Xuân cũng chẳng khá hơn. Phản ứng của quận có thể nói là cực kỳ chậm chạp và yếu ớt. Cái duy nhất quận làm rất nhanh lại là “thể hiện quyền lực” – bằng cách kiểm điểm UBND phường Hạ Đình!

Các diễn biến nêu trên cho thấy quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương đang có vấn đề. Lẽ ra, thẩm quyền giải quyết sự việc phải thuộc về cấp chính quyền gần nhất với những bị ảnh hưởng trực tiếp, chứ không phải thuộc về cấp cao hơn.

Điều này đòi hỏi chính quyền cấp cao hơn phải chuyển giao quyền và nguồn lực nhiều hơn cho chính quyền cấp thấp hơn chứ không phải ngược lại.

Lý nào một chính quyền cơ sở, chịu trách nhiệm về tình hình trị an, kinh tế - xã hội cho hàng vạn con người, mà ngay đến việc ban hành một văn bản khuyến cáo an toàn cho người dân cũng không được phép!

Cách hành xử của các cấp chính quyền trong vụ cháy Rạng Đông còn làm nổi lên một vấn đề khác, đó là cơ sở của việc ban hành khuyến cáo. Như đã biết, văn bản khuyến cáo của UBND phường Hạ Đình bị thu hồi vì cho rằng không đủ cơ sở.

Thừa nhận rằng phường Hạ Đình không đủ cơ sở khoa học khi ban hành văn bản khuyến cáo. Nhưng việc thiếu vắng cơ sở khoa học không phải và không thể là lý do để biện minh cho việc làm ngơ của chính quyền trước sự cố. Chính quyền phải nhìn vào nguy cơ, vào rủi ro có thể xảy ra, để khuyến cáo người dân.

UBND phường Hạ Đình đã nhìn vào nguy cơ, còn UBND quận Thanh Xuân thì không. Thậm chí hôm 30/8, UBND quận Thanh Xuân còn “hồn nhiên” thông báo rằng các chỉ số quan trắc đều ở ngưỡng an toàn!

Không phải đợi đến khi kết quả quan trắc chính thức được công bố hôm 4/9, khuyến cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngay hôm 31/8 đã bác bỏ thẳng thừng thông báo đầy dối trá của UBND quận Thanh Xuân. Người dân tự hỏi rốt cục UBND quận Thanh Xuân đang muốn làm gì?

Phê phán UBND phường Hạ Đình ra văn bản “gây hoang mang, lo lắng cho người dân”, nhưng chính UBND quận Thanh Xuân, bằng các hành động bất nhất của mình, mới là chủ thể gây ra hoang mang nhất, kế đến là UBND thành phố Hà Nội.

Sự chậm trễ đến đáng ngạc nhiên của UBDN thành phố Hà Nội trong việc xử lý vụ cháy Rạng Đông tương phản hoàn toàn với tốc độ đến thăm nạn nhân sốc ma túy của lãnh đạo thành phố vào năm ngoái.

Người ta lại phải tự hỏi: rốt cục trong 8 ngày sau vụ cháy, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã làm gì?

Cho đến hôm nay, một vấn đề được đặt ra vẫn chưa thấy được giải quyết: thực phẩm nuôi trồng xung quanh nhà máy Rạng Đông có nguy cơ nhiễm thủy ngân và kim loại nặng phải xử lý ra sao? Chôn, đốt hay gì? Ai là người thực hiện và kiểm soát việc thực hiện? Có hay không việc cá nhân/tổ chức gom thực phẩm nhiễm thủy ngân tuồn bán sang vùng lân cận? Và làm thế nào để ngăn chặn nguy cơ này?

Mâm cơm của người dân hiện đã phải đối diện với quá nhiều rủi ro từ thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng, kháng sinh… không lẽ thành phố Hà Nội muốn làm dài danh sách rủi ro với thủy ngân và kim loại nặng?

Hay người dân, vốn chỉ đáng xếp cuối cùng trong mối quan tâm của thành phố, tương tự cái cách Công ty Rạng Đông viết thư xin lỗi: trước là xin lỗi Thành ủy/UBND thành phố Hà Nội, sau đến xin lỗi Đảng ủy/UBND quận Thanh Xuân, UBND phường Hạ Đình/Thanh Xuân Trung rồi cuối cùng mới đến người dân sống quanh nhà máy?

Tin mới lên