Ngân hàng

'Gỡ' xác thực điện tử, ngân hàng số sẽ bùng nổ

Một cuộc cách mạng trong lĩnh vực ngân hàng sắp được mở ra, khi tới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể cho phép thực hiện xác thực khách hàng điện tử (eKYC) trên diện rộng. Nếu được áp dụng, số khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng sẽ tăng theo cấp số nhân.

'Gỡ' xác thực điện tử, ngân hàng số sẽ bùng nổ

Đến thời điểm này, mới có TPBank được áp dụng thử nghiệm xác thực điện tử. Ảnh: Đức Thanh

Ngân hàng số, xác thực… thủ công

“Muốn phát triển ngân hàng số, trước hết phải cho người dân được dễ dàng đăng ký sử dụng, song hiện tại, để sử dụng tài khoản ngân hàng, người dân phải mang giấy tờ tùy thân ra tận nơi, chứ không thể xác thực online. Điều này rất khó khăn cho ngân hàng trong việc mở rộng khách hàng và cung ứng các dịch vụ ngân hàng số. Chúng tôi đã đề nghị NHNN cho phép áp dụng eKYC nhiều lần, không thể mãi áp dụng xác thực thủ công trong thời đại cách mạng số”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng bày tỏ.

Ông Ngô Văn Đức, Phó trưởng Phòng Giám sát các hệ thống thanh toán (Vụ Thanh toán, NHNN) thừa nhận, hiện có khoảng 63% người dân trưởng thành ở nước ta có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, nhìn chung, khả năng tiếp cận ngân hàng truyền thống còn hạn chế, đặc biệt với đối tượng dân cư sinh sống tại nông thôn.

Trên thực tế, theo đánh giá của các ngân hàng thương mại, vẫn còn 2/3 dân số chưa thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng, mà một trong những lý do là e ngại thủ tục rườm rà. Con số này có thể thay đổi rất nhanh, nếu NHNN cho phép áp dụng eKYC. Theo đó, thay vì đích thân mang giấy tờ đến ngân hàng để hoàn thiện thủ tục như hiện tại, khách hàng chỉ cần thực hiện một số thao tác xác thực online. Thực tế, công nghệ đã cho phép áp dụng mà không có nhiều rủi ro, song NHNN vẫn còn lo ngại.

Được biết, mấy năm gần đây, các ngân hàng đã nhiều lần đề nghị NHNN cho phép ứng dụng eKYC, song đến nay, mới chỉ có TPBank được áp dụng thử nghiệm. Còn VietinBank, LienVietPostBank mới được chấp nhận áp dụng với một sản phẩm nhỏ và thông qua bên thứ ba.

“NHNN vẫn chưa cho phép áp dụng eKYC rộng rãi. Tôi cho rằng, nên sớm áp dụng quy định này để thúc đẩy tài chính toàn diện, giúp khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng một cách dễ dàng, thuận tiện. Hiện nay, công nghệ đã rất phát triển, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng và ngân hàng ở Việt Nam hoàn toàn có thể xác thực bằng nhiều phương pháp như sinh trắc học, video clip… Vấn đề khó khăn nhất là các quy định pháp lý chưa cho phép”, ông Phạm Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.

Có thể áp dụng eKYC từ cuối năm 2019?

Trước đề nghị của nhiều ngân hàng thương mại, NHNN thừa nhận, muốn phát triển ngân hàng số, việc cho phép khách hàng mở tài khoản từ xa rất quan trọng. Tuy nhiên, điều mà NHNN lo ngại là eKYC cũng tiềm ẩn rủi ro rất lớn, đặc biệt là rủi ro lừa đảo, gian lận, tấn công mạng… 

Điều khó khăn nhất để áp dụng eKYC ở Việt Nam là dữ liệu chưa được chuẩn hóa, thiếu đồng nhất. Các đối tượng lừa đảo có thể lợi dụng tình trạng này để làm giả dữ liệu, nếu cho phép áp dụng eKYC. Tuy vậy, với xu thế giao dịch điện tử ngày càng phát triển, việc xây dựng và hoàn thiện các quy định về định danh và xác thực điện tử là đòi hỏi thực tế.

Ông Ngô Văn Đức cho hay, việc bắt buộc khách hàng hiện diện trực tiếp tại ngân hàng để xác thực là nhằm thực hiện quy định của Luật Phòng chống rửa tiền. Tuy nhiên, ông Đức cũng thừa nhận, quy định này không còn phù hợp với xu hướng của giao dịch điện tử. “NHNN đang làm đầu mối để sửa đổi quy định này theo hướng cho phép tổ chức tài chính và ngân hàng thương mại xác thực khách hàng từ xa thông qua công nghệ mới”, ông Đức cho hay.

Các ngân hàng thương mại đề xuất, NHNN có thể nghiên cứu cho phép áp dụng thí điểm eKYC trên diện rộng giới hạn ở một số hoạt động nhất định để đánh giá. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn và đẩy nhanh tài chính toàn diện, Chính phủ nên cho phép ngân hàng thương mại truy cập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Được biết, hệ thống cơ sở này đang được Bộ Công an tập trung xây dựng, dự kiến sẽ vận hành, khai thác vào năm 2020.

Có thể có những đơn vị trung gian làm dịch vụ xác thực

Kinh nghiệm quản lý thanh toán điện tử của nhiều nước cho thấy, các ngân hàng có thể định danh khách hàng qua nhiều yếu tố như khuôn mặt, sinh trắc, gọi điện video… Bên cạnh đó, một số nước như Singapore cũng phân loại các giao dịch và yêu cầu mức độ xác thực khác nhau và có thể có những đơn vị trung gian làm dịch vụ xác thực, đảm bảo vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt.

Tin mới lên