Tiêu điểm

Giới lãnh đạo, chuyên gia nói gì về chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 29-31/5 theo lời mời của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Donald Trump.

Giới lãnh đạo, chuyên gia nói gì về chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng

VietnamFinance giới thiệu những ý kiến đáng chú ý của các quan chức và chuyên gia về chuyến thăm này.

Ông Phạm Quang Vinh, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ:

"Chuyến thăm Hoa Kỳ lần này là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo ta trong bối cảnh Hoa Kỳ có một chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump và trong thời gian qua, hai nước đã có nhiều trao đổi để có thể cài đặt quan hệ, tiếp tục duy trì được đà quan hệ trong 22 năm qua, đồng thời xem xét lại ưu tiên của hai nước trong thời kỳ mới.

Trong quá trình trao đổi giữa lãnh đạo hai nước, Việt Nam đã khẳng định rằng chúng ta nhất quán chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, đồng thời rất coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ cả về mặt song phương cũng như hợp tác khu vực và quốc tế.

Còn chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng khẳng định rất coi trọng vai trò của Việt Nam ở khu vực, cũng như mong muốn thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam. Điều đó sẽ củng cố phát triển hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cả về hiệu quả và chiều sâu.

Chúng ta tìm hiểu những chính sách và những ưu tiên mới để hai nước cùng tìm ra những cơ hội hợp tác mới và cũng để lãnh đạo hai nước trong thời kỳ mới của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump hiểu biết hơn về Việt Nam, hiểu biết hơn về Hoa Kỳ, cũng như chính sách của hai nước có thể cùng nhau hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Chúng ta thấy rất rõ rằng họ rất coi trọng quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ, thấy rằng đó là mối quan hệ bổ sung cho nhau, hỗ trợ nhau và cùng có lợi, trên cả bình diện song phương và vai trò của Việt Nam trong khu vực

Trong thư mời của Tổng thống Donald Trump gửi Thủ tướng Chính phủ ta đi thăm Hoa Kỳ đã nhấn mạnh rất rõ là muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời coi Việt Nam là đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong hợp tác ở khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương.

Quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua đã được sự ủng hộ của Quốc hội và của hai đảng của Hoa Kỳ và trong lần này cũng vậy, trong các cuộc tiếp xúc của tôi ở Quốc hội thì họ đều bày tỏ mong muốn chuyến thăm sẽ tạo đà hơn nữa cho quan hệ hai nước.

Đáng chú ý là có hai nghị sĩ là đồng Chủ tịch Hội quan hệ với ASEAN trong Quốc hội Hoa Kỳ đã ra tuyên bố đánh giá rất cao và hoan nghênh chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Hoa Kỳ, vừa thúc đẩy song phương và thúc đẩy quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam trong khu vực và trong ASEAN.

Các học giả có rất nhiều bình luận, trong bối cảnh Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên thăm Hoa Kỳ, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được trông đợi sẽ làm rõ hơn chính sách của Hoa Kỳ với khu vực".

Ông Jonathan Moreno, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại TPHCM:

"Từ năm 2001, với Hiệp định thương mại song phương, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ đã có sự tăng trưởng rất cao. Thương mại giữa Việt Nam và Mỹ năm 2016 đã vượt qua 52 tỷ USD, với tỉ lệ tăng trưởng hằng năm đạt 2 con số.

Trên bình diện khu vực ASEAN, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Mỹ, chiếm tỉ lệ 26,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước ASEAN vào quốc gia này. Đáng chú ý hơn, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ gia tăng xuất khẩu lớn nhất trong khối ASEAN vào thị trường Mỹ hằng năm.

Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ rất tự hào về những đóng góp của mình cho sự phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Việc Mỹ rút khỏi TPP là đáng tiếc cho quan hệ thương mại Việt Nam và Mỹ. AmCham đã luôn ủng hộ và vận động cho việc phê chuẩn Hiệp định TPP. Chúng tôi tin rằng nó sẽ tạo ra thu nhập đáng kể cho 12 nước thành viên tham gia ký kết.

Mặc dù rất tiếc về việc chính phủ Mỹ hiện nay đã chấm dứt việc tham gia Hiệp định này, song chúng tôi tin tưởng có rất nhiều con đường mới sẽ mở ra để tăng cường thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam.

Giữa các chọn lựa, chúng tôi ủng hộ lộ trình thông qua Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư hướng đến hiệp định thương mại tự do giữa hai quốc gia. Để tiến hành một hiệp định tự do thương mại, điều kiện công bằng về lợi ích cho tất cả các bên là cần thiết. Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ sẵn sàng góp phần mình để đưa mục tiêu này thành hiện thực.

Thêm vào đó, Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại của WTO. Báo cáo nghiên cứu của Ban Thư ký WTO chỉ ra rằng việc thực hiện này sẽ giúp Việt Nam giảm 20% chi phí thương mại, làm cho Việt Nam trở thành điểm đến cho FDI và giúp các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các mạng lưới sản xuất xuyên biên giới.

Chúng tôi mong chờ có sự đổi mới từ các cuộc gặp gỡ lãnh đạo cấp cao giữa Việt Nam và Mỹ, và đặc biệt rất vui mừng vì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo đầu tiên trong các nước khu vực ASEAN có cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump. Chúng tôi rất hy vọng cuộc gặp gỡ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia trong tương lai".

TS Trần Du Lịch, Chuyên gia kinh tế:

"Tôi cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ sẽ giải tỏa được tâm lý lo lắng trên, và Mỹ sẽ không thay đổi chính sách thương mại với Việt Nam, để không ảnh hưởng đến sản xuất trong nước", ông Trần Du Lịch nói.

Việt Nam xuất siêu sang Mỹ và giá trị xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng hơn 20% trị giá xuất khẩu của Việt Nam, nhưng so với thị trường Mỹ vẫn còn rất nhỏ. Nếu xét theo dân số, Việt Nam đứng thứ 14,  chiếm hơn 1% dân số của thế giới, nhưng xuất khẩu của Việt Nam so với tổng nhập khẩu của thế giới mới chỉ chiếm chỉ khoảng 0,5%. Do vậy, nếu chia thị phần nhập khẩu của thế giới theo tỷ lệ dân số, xuất khẩu của Việt Nam phải ở mức 500 tỷ USD, tức gấp 3 lần hiện nay và điều này hoàn toàn có thể bởi năng lực sản xuất của Việt Nam vẫn còn lớn.

Về phía Việt Nam, cũng cần tăng thu hút đầu tư FDI từ Mỹ. Nếu có nhiều tập đoàn lớn của Mỹ, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đầu tư vào Việt Nam, sẽ tạo ra những "con sếu đầu đàn" lôi kéo các doanh nghiệp nhỏ khác đi theo. Quan trọng hơn, họ sẽ góp phần định hình chính sách thương mại của Mỹ với Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện trong số 500 công ty lớn hàng đầu của Mỹ về công nghiệp, năng lượng, hạ tầng, số đầu tư vào Việt Nam chưa nhiều, chưa có tập đoàn lớn nào coi Việt Nam là "cứ điểm". Điều này chứng tỏ doanh nghiệp Mỹ vẫn chưa coi Việt Nam là nơi có môi trường thật sự hấp dẫn.

Do đó, cần khẳng định với các đối tác Mỹ rằng môi trường đầu tư của Việt Nam được cải thiện rõ rệt, Việt Nam minh bạch cơ chế và nhất là không có yếu tố tiêu cực, để cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tin rằng đầu tư vào Việt Nam sẽ an toàn nhất cho họ.

Sau gần 20 năm khi ký hiệp định thương mại song phương, buôn bán giữa hai nước tăng trưởng rất nhanh và đến nay vẫn chưa có dấu hiện giảm tốc. Lý do là bởi Việt Nam không đi vào phân khúc cao cấp, cũng không phải là hàng giá rẻ loại 1 USD mà đi vào phân khúc trung bình. Phân khúc đó, ở thị trường Mỹ là mênh mông, dư địa cho hàng Việt vẫn còn rất lớn.

Nếu chuyến đi của Thủ tướng giải tỏa được tâm lý cho doanh nghiệp trong nước, đồng thời tạo được niềm tin cho giới đầu tư Mỹ thì quan hệ kinh tế giữa hai nước theo tôi sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, sẽ giải tỏa được những lo ngại cho rằng, nếu không có TPP, thương mại hai nước sẽ không phát triển được.

Tuy nhiên, Việt Nam cần phải tiếp tục cải cách thể chế theo những nội dung cam kết TPP. Bởi tuân thủ những điều kiện đó, nghĩa là chúng ta đang tự cải thiện môi trường đầu tư, tự tuân thủ những điều kiện thương mại theo một tiêu chuẩn khắt khe nhất.

Việc tuân thủ những điều kiện của TPP tuy khắc nghiệt nhưng sẽ giúp được rất nhiều cho Việt Nam, như nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, tiết kiệm rất lớn ngân sách, đặc biệt tạo được một môi trường bình đẳng, có "đất" cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính, không còn dư địa cho những doanh nghiệp làm ăn bất chính tồn tại".

Ông Anthony Nelson, Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình dương tại Tập đoàn Tư vấn Albright Stonebridge.

"Tôi nghĩ đây là thời điểm quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Mỹ. Thời điểm 8 năm qua của chính quyền Tổng thống Barack Obama đã chứng kiến sự gần gũi hơn bao giờ hết giữa hai nước.

Hiện tại chúng tôi đã có chính quyền mới và đây là cơ hội lớn để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ với Mỹ cũng như thuyết phục Tổng thống Donald Trump và chính quyền của ông về sự cần thiết tiếp tục đánh giá cao quan hệ với Việt Nam và với các cấu trúc khác trong khu vực như ASEAN và APEC.

Điều quan trọng đó là làm thế nào để Mỹ tiếp tục coi Việt Nam là một đối tác chiến lược và kinh tế quan trọng.

Đây là thời điểm để xây dựng một khung cho các công việc trong năm. Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo một nước ASEAN. Do đó, đây là cơ hội để nhấn mạnh tính đi đầu của Việt Nam trong ASEAN và vai trò của Việt Nam như một đối tác kinh tế và an ninh của Mỹ.

Đây cũng là thời điểm làm nền tảng cho các công việc trong cả năm cũng như trong suốt nhiệm kỳ của chính quyền. Điều quan trọng, Việt Nam cần nhấn mạnh về mặt tích cực trong quan hệ kinh tế với Mỹ. Giữa hai nước đã có sự phát triển lớn mạnh về thương mại nhưng vẫn tồn tại một số lo ngại như thặng dư thương mại của Việt Nam đối với Mỹ.

Nhưng tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ có nhiều thông tin thú vị để thông báo với chính quyền Mỹ. Xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam đã tăng mạnh trong nhiều năm qua và cao hơn các đối tác thương mại hàng đầu khác của Mỹ. Do đó, tôi cho rằng cả hai bên sẽ thu được nhiều lợi ích từ mối quan hệ này trong tương lai.

Mặc dù TPP đã thất bại, nhưng nhiều cuộc đàm phán đã được thực hiện và sẽ rất đáng tiếc nếu chúng ta không tiếp tục tiến tới, có thể là gợi ý về một thỏa thuận thương mại tự do song phương với Mỹ. Tôi nghĩ rằng sẽ cần phải có các bước cụ thể để tiếp tục thúc đẩy các tiến triển đã đạt được".   

Bà Lê Thị Thu Hằng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam:

"Triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, chuyến thăm của Thủ tướng là nhằm đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước lớn, trong đó có Mỹ. 

Việt Nam nhất quán coi trọng phát triển quan hệ với Hoa Kỳ và sẵn sàng hợp tác với chính quyền của Tổng thống Donald Trump trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được và thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương theo định hướng của quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2013, tuyên bố về tầm nhìn chung nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015 và tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama năm 2016.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Donald Trump, gặp gỡ một số Nghị sỹ và Bộ trưởng Hoa Kỳ, dự tọa đàm và gặp gỡ các doanh nghiệp Hoa Kỳ, phát biểu tại Quỹ di sản, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Cũng trong thời gian tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm thành phố New York, gặp gỡ Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và dự lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc. Trong chuyến thăm này, lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt – Mỹ trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, giáo dục, khắc phục hậu quả chiến tranh, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm".

Tin mới lên