Diễn đàn VNF

Giới chuyên gia nói gì về tầm quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều?

(VNF) - Giới chuyên gia trong và ngoài nước đã có nhiều ý kiến bình luận rất đáng chú ý về tầm quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều và vai trò của Việt Nam với tư cách là quốc gia tổ chức sự kiện này.

Giới chuyên gia nói gì về tầm quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều?

Hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong Un tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất

Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ

"Vấn đề bán đảo Triều Tiên có rất nhiều khía cạnh nên tôi rất trông đợi nó tiến bộ trên từng khía cạnh. Song, vấn đề cốt lõi là cần có động thái giải quyết, có lộ trình cho việc phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên với những cam kết mới của Triều Tiên trong việc ngừng thử, trong việc dỡ bỏ một phần kho vũ khí hạt nhân, trong việc đặt ra lộ trình xem xét phá huỷ một số cơ sở hạt nhân nào đó có sự giám sát của quốc tế. Đó là khía cạnh rất quan trọng, có tính quyết định.

Thứ hai, hai bên hướng tới chấm dứt chiến tranh, tái lập hoà bình và bình thường hoá quan hệ. Đương nhiên câu chuyện về hoà bình, chấm dứt chiến tranh ở đây liên quan đến nhiều nước hơn là hai nước Mỹ - Triều. Nhưng nếu Mỹ và Triều Tiên tuyên bố chấm dứt tình trạng thù địch cũng là bước khởi đầu tốt đẹp; hoặc Mỹ nới lỏng một phần để tạo động lực cho các tiến trình khác trong đó có tiến trình phi hạt nhân hoá. Ví dụ, tôi thấy có thông tin nói rằng có thể giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên được phép trao đổi một số lĩnh vực kinh tế hợp tác với nhau thì đó là những khởi động tốt và có ý nghĩa...

Việt Nam được lựa chọn là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh là kết quả của một quá trình đổi mới, hội nhập, ngày càng tham gia có trách nhiệm hơn trong các vấn đề quốc tế. Chúng ta có quan hệ tốt với cả hai nước. Tuy nhiên, có 2 lý do cốt lõi. Thứ nhất, vị thế của Việt Nam, thế giới biết đến Việt Nam và Việt Nam có thể tham gia vào những công việc của thế giới. Thứ hai, Việt Nam là đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong những vấn đề phức tạp và nhạy cảm của những bên cựu thù. Họ họ tin rằng, Việt Nam đủ năng lực để tổ chức những hoạt động quốc tế lớn về vật chất, hậu cần, an ninh, truyền thông.

Thực tế là Việt Nam chuẩn bị trong thời gian vừa qua rất khẩn trương, trách nhiệm và rất tốt. Chúng ta chỉ được thông báo là địa điểm tổ chức cách đây chưa đầy 2 tuần, và trong hai tuần đó họ liên tục cập nhật những yêu cầu các bên. Việt Nam được gì lớn nhất từ Hội nghị này? Đó là uy tín của đất nước chúng ta".

GS-TSKH. Vũ Minh Giang: "Kỳ vọng một Hiệp định Hà Nội 2019"

"Đây là lần đầu tiên, cuộc đối thoại của hai nhân vật được quan tâm hàng đầu trên thế giới diễn ra tại Việt Nam. Vì thế, tôi có thể khẳng định, chưa bao giờ, Việt Nam được thế giới quan tâm đến thế. Trong suốt thời gian qua, tin tức về đất nước Việt Nam đã trở thành một đề tài nóng trên hầu hết các phương tiện truyền thông quốc tế.

Đáng chú ý là, những tin tức về Việt Nam đều thể hiện quan điểm “mặc nhiên công nhận về sự tin cậy đối với địa điểm tổ chức cuộc gặp này”. Theo logic thông thường, sự “mặc nhiên” đó là những thông điệp có lợi cho Việt Nam về an ninh, về sự ổn định, về thiện chí hòa bình…

Nếu theo dõi trên các phương tiện truyền thông, có thể thấy, đã xuất hiện hai hiệu ứng: một là, tần suất xuất hiện thông tin có tính chất thù địch với Việt Nam giảm đi; hai là, những thông tin bất lợi đối với Việt Nam hầu như trở nên vô giá trị.

Đấy là nói chung về Việt Nam, còn riêng Hà Nội, những giá trị đạt được sau cuộc gặp này sẽ rất lớn, thậm chí, theo tôi, có thể lớn tới mức chúng ta chưa thấy hết. Chúng ta thử hình dung, nếu hiệp định hòa bình về cuộc chiến 1950 - 1953 tại Triều Tiên được ký tại cuộc gặp lần này, giống như Hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam, người ta sẽ gọi đó là Hiệp định Hà Nội 2019 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Triều Tiên. Khi đó, địa danh Hà Nội sẽ được gắn với lịch sử thế giới, gắn với tiến trình xây dựng hòa bình của toàn nhân loại.

Cần phải nhắc lại rằng, cho tới nay, Hà Nội là thủ đô duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Danh hiệu ấy càng trở nên đẹp hơn, thực chất hơn khi việc ký hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Triều Tiên được ký kết tại đây.

Điều này càng có ý nghĩa hơn nếu chúng ta nhìn ngược lại chiều dài lịch sử. Có thể thấy, trong hàng ngàn năm qua, hầu hết các cuộc chiến tại Việt Nam đều được kết thúc bằng các cuộc hòa đàm. Ví dụ cụ thể nhất là Hội thề Đông Quan để chấm dứt cuộc chiến của Nghĩa quân Lê Lợi và đạo quân xâm lược của nhà Minh.

Việc là một địa điểm giao thoa văn hóa qua rất nhiều thời kỳ để các luồng văn minh qua lại tạo nên những tiếp biến, cọ xát tác động thường xuyên lên con người Việt Nam và việc chúng ta muốn đóng góp vào hòa bình thế giới bằng việc tạo nên một môi trường tốt nhất cho cuộc gặp mặt lần này đã thêm một lần phản ánh đúng tính cách của con người Việt Nam".

Giáo sư Jean-Francois Di Meglio, Giám đốc Asia Centre: "Cái chúng ta mong chờ là một Hiệp định hoà bình"

"Chúng ta không được chứng kiến nhiều bước tiến mới từ sau Hội nghị tại Singapore. Nhưng nếu chúng ta đi ngược thời gian một chút, quay trở lại năm 2016 thì khi đó chúng ta đang đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Vì vậy, nếu như chúng ta dừng đồng hồ thời gian lại, dừng tất cả những đe doạ, những leo thang căng thẳng lại thì tính từ thời điểm mà Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện chuyến đi đầu tiên đến châu Á khi thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, rồi dự APEC 2017 tại Việt Nam… thì tất cả đã thay đổi.

Tất cả đã ngừng lại, vì từ thời điểm đó, các bên đã bắt đầu nghĩ đến các cuộc gặp. Các cuộc gặp này không nhất thiết phải là tìm ra một giải pháp cụ thể nào, mà quan trọng hơn là để ngừng lại việc leo thang. Như thế là chúng ta đã có được thêm thời gian, có thêm thời gian hoà bình, có thêm sự yên ổn.

Dĩ nhiên cái chúng ta mong chờ là một Hiệp định hoà bình giữa hai miền Triều Tiên, nhưng đó cũng không phải là giải pháp cho tất cả mọi vấn đề. Đối với Hội nghị tại Hà Nội, dĩ nhiên các bên sẽ lại phải đặt câu hỏi là đã có những gì làm được, và có thể làm tiếp những gì? Không ai có thể nói chắc là liệu có điều gì đạt được hay không. Ở đây chúng ta có hai nhà lãnh đạo rất khó dự đoán, rất khó lường mà cả hai lại đang quyết định tiến hành cuộc chơi mà không có bất cứ cường quốc nào trong khu vực tham dự...

Công cuộc “Đổi mới” của Việt Nam đã hiện đại hoá đất nước và đưa Việt Nam tiến vào sân chơi kinh tế toàn cầu, mà như anh biết là hiện nay Liên minh châu Âu và Việt Nam đang đi vào hoàn tất Hiệp định tự do thương mại, tức là Việt Nam đã tiến vào cuộc chơi toàn cầu hoá cùng phương Tây. Liệu mô hình phát triển của Việt Nam có thu hút Triều Tiên hay không thì chúng ta còn chưa đủ dữ liệu để nói, và cũng không chắc là với các điều kiện của Triều Tiên thì có thành công hay không. Nhưng ý tưởng là chắc chắn có".

Tin mới lên