Bất động sản

Giao thông tuần qua: Vietravel Airlines được cấp phép bay, cao tốc 3.200 tỷ 'ế' nhà đầu tư

(VNF) - Thủ tướng đồng ý cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines; đến hết thời điểm đóng thầu, cao tốc cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ vẫn không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự sơ tuyển... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Vietravel Airlines được cấp phép bay, cao tốc 3.200 tỷ 'ế' nhà đầu tư

Vietravel Airlines trở thành hãng hàng không thứ 6 tại Việt Nam có được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài

Thủ tướng vừa có văn bản đồng ý kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài.

Thủ tướng yêu cầu UBND TP. HCM và UBND tỉnh Tây Ninh báo cáo hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất cử đại diện TP. HCM là cơ quan quyết định chủ trương đầu tư dự án và triển khai các trình tự, thủ tục phê duyệt dự án theo quy định hiện hành.

Cao tốc TP. HCM - Mộc Bài dài 53,5 km bắt đầu từ đường vành đai 3 (huyện Hóc Môn, TP. HCM) đi song song đường sắt Tân Chánh Hiệp - Trảng Bàng (Tây Ninh); đến khu vực ga đường sắt Gò Dầu rẽ phải, cắt qua Quốc lộ 22B rồi tiếp tục rẽ phải, vượt sông Vàm Cỏ đi về phía Quốc lộ 22 kết nối với cửa khẩu Mộc Bài.

Công trình được đề xuất đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu chia thành hai phần: TP. HCM - Trảng Bàng (dài 33 km, có quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/h) và Trảng Bàng - Mộc Bài (dài 20,5 km, 4 làn xe, tốc độ 80 km/h). Ở giai đoạn hai, công trình sẽ làm 6-8 làn xe.

Theo kế hoạch, năm 2021, dự án sẽ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư; tháng 3/2021, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; từ năm 2011-2025 tập trung triển khai dự án; năm 2025 khánh thành, đưa vào hoạt động. (Xem thêm)

Bà Rịa – Vũng Tàu xin Trung ương 6.770 tỷ làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn I.

Theo đó, dự án có chiều dài 53,7km với điểm đầu kết nối tuyến tránh Quốc lộ 1 qua TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối giao với đường vành đai TP. Bà Rịa (Quốc lộ 56), tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dự án đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai 34,2km và qua địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 19,5km.

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị Thủ tướng cho phép đầu tư dự án giai đoạn I theo tiêu chuẩn cao tốc loại A, trong đó đoạn Biên Hòa – Long Thành có quy mô 4 làn xe; đoạn Long Thành – Tân Hiệp (nút giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành) có quy mô 6 làn xe; đoạn Tân Hiệp – Phú Mỹ (nút giao với đoạn nhánh nối ra cảng Cái Mép – Thị Vải) có quy mô 6 làn xe; đoạn Phú Mỹ - nút giao Quốc lộ 56 có quy mô 4 làn xe.

Theo tính toán sơ bộ, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn I có tổng mức đầu tư là 19.012 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 9.115 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 5.985 tỷ đồng…

Về phương án tài chính, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ 6.770 tỷ đồng, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng toàn tuyến và một phần chi phí xây lắp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Phần còn lại sẽ do nhà đầu tư huy động từ nguồn vốn tự có và vốn tín dụng. Để hoàn vốn, nhà đầu tư được phép thu phí hoàn vốn trong thời gian dự kiến 24 năm 6 tháng.

Trong trường hợp được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án sẽ bắt đầu các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư từ quý IV/2021 đến quý I/2022; triển khai xây dựng từ quý I/2023 và hoàn thành sau 36 tháng thi công. (Xem thêm)

Tuyên Quang xin chuyển dự án cao tốc hơn 3.200 tỷ sang đầu tư công

UBND tỉnh Tuyên Quang đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Theo đó, tỉnh Tuyên Quang kiến nghị Thủ tướng cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai từ PPP, loại hợp đồng BOT sang đầu tư công và bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương để thực hiện dự án.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Theo quyết định phê duyệt, dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ có chiều dài 40,2km với tổng đầu tư 3.271,09 tỷ đồng, tốc độ thiết kế 80km/h. Trong đó, địa phận tỉnh Tuyên Quang dài khoảng 11,63km; địa phận tỉnh Phú Thọ dài khoảng 28,57km.

Thời gian qua, UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án tuân thủ theo đúng quy định hiện hành. Thời gian phát hành hồ sơ mời sơ tuyển là 30 ngày, kể từ ngày 7/9 đến ngày 7/10.

Tuy vậy, đến hết thời điểm đóng thầu không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự sơ tuyển. Căn cứ theo quy định của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, ngày 8/10, UBND tỉnh Tuyên Quang đã quyết định hủy thầu sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. (Xem thêm)

'Tắc' vốn, nhà thầu dừng thi công cao tốc Bến Lức - Long Thành

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa báo cáo Bộ GTVT về tình trạng thiếu vốn trầm trọng để trả nợ các nhà thầu nước ngoài tại dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đây là lý do khiến nhà thầu không thể tiếp tục thi công.

Đại diện VEC cho biết, hiện nay chưa có vốn để thanh toán khối lượng đã thực hiện của các nhà thầu Nhật Bản thi công gói thầu J1 và J3 (xây cầu Bình Khánh và cầu Phước Khánh). Vì thế, nhà thầu không đồng ý tiếp tục triển khai thi công tiếp các công việc còn lại và yêu cầu thanh lý hợp đồng nếu các vướng mắc về vốn không được giải quyết.

Trước đó, giữa năm 2019 các nhà thầu gói J1 và J3 đã có nhiều thư khiếu kiện về việc chủ đầu tư chậm thanh toán, yêu cầu chi trả bổ sung các chi phí có liên quan. Đặc biệt là nhà thầu gói J3 đã dừng thi công từ ngày 20/9/2019 và gói thầu J1 dừng thi công từ ngày 28/10/2019. 

Ngoài ra, những khó khăn về vốn đã dẫn đến chi phí phát sinh của gói thầu J1 là khoảng 32 triệu USD và gói thầu J3 khoảng 38 triệu USD (ước tính tổng là 70 triệu USD). (Xem thêm)

Thủ tướng đồng ý cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines

Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).

Theo đó, Thủ tướng đồng ý cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam theo quy định tại Điều 110 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải làm rõ năng lực tài chính của doanh nghiệp để bảo đảm mức vốn tối thiểu theo quy định trong suốt quá trình hoạt động thường xuyên của Vietravel Airlines, trên cơ sở đó quyết định thời điểm và thực hiện cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietravel Airlines trên cơ sở thẩm định các điều kiện theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với bối cảnh thị trường vận chuyển hàng không.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả hoạt động vận chuyển của ngành hàng không nói chung, bảo đảm an ninh và an toàn hàng không, quốc phòng và an ninh quốc gia trong mọi tình huống.

Với sự kiện này, Vietravel Airlines trở thành hãng hàng không thứ 6 tại Việt Nam có được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Trước đó là các hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar, VASCO và Bamboo Airways. (Xem thêm)

Tin mới lên