Bất động sản

Giao thông tuần qua: Hà Nội muốn mở lại xe khách liên tỉnh, Cần Thơ sẽ xây cầu 7.000 tỷ

(VNF) - Hà Nội xây dựng phương án mở lại các loại hình vận tải hành khách công cộng và liên tỉnh; Cần Thơ xin trung ương hỗ trợ 2.500 tỷ đồng để xây cầu Ô Môn 7.000 tỷ đồng bắc qua sông Hậu... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Hà Nội muốn mở lại xe khách liên tỉnh, Cần Thơ sẽ xây cầu 7.000 tỷ

Hà Nội lên phương án mở lại xe khách liên tỉnh.

Phó thủ tướng: "Không được chậm tiến độ cao tốc Bắc - Nam"

Theo báo cáo của Bộ GTVT và các địa phương, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) có chuyển biến, khối lượng khai thác đất đắp nền đường đã được bổ sung một phần, việc triển khai thi công tại công trường tiếp tục được duy trì.

Tuy nhiên, hiện nay còn dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo chưa khởi công xây dựng. Quá trình triển khai dự án đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như: giá vật liệu xây dựng tăng, nguồn cung cấp vật liệu, đặc biệt là vật liệu đất đắp nền đường phục vụ thi công còn thiếu khoảng 23 triệu m3, một số khu vực chưa được bàn giao mặt bằng do chậm trễ trong công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các khu tái định cư, đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng…

Sau khi nghe báo cáo từ Bộ GTVT, Phó thủ tướng chỉ đạo: Đây là công trình trọng điểm quốc gia, do vậy các bộ, ngành địa phương phải nâng cao vai trò, trách nhiệm, không được để chậm tiến độ hoàn thành.

Phó tướng yêu cầu UBND các tỉnh tập trung hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng theo đúng cam kết (chậm nhất ngày 30/10/2021). (Xem thêm)

Nâng cấp, mở rộng sân bay Điện Biên: Sẽ đóng cửa sân bay cũ từ tháng 4/2023

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn vừa có chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Điện Biên, theo đó, thống nhất khởi công dự án vào tháng 12/2021, đóng cửa sân bay từ tháng 4/2023 và hoàn thành dự án trong tháng 10/2023.

Được biết, cảng hàng không Điện Biên là cảng hàng không nội địa cấp 3C. Kết cấu hạ tầng chính gồm một đường cất/hạ cánh kích thước 1.830x30m được đưa vào sử dụng từ năm 1994.

Các hệ thống trang thiết sân bay cũng khá đơn giản gồm: sân đỗ tàu bay có 3 vị trí đỗ; nhà ga hành khách được xây dựng năm 2004 có công suất 300.000 hành khách/năm.

Do hạn chế về tĩnh không hai đầu đường cất/hạ cánh (vướng núi) nên hiện tại cảng hàng không Điện Biên chỉ đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 và tương đương vào ban ngày (trong điều kiện thời tiết cho phép).

Chính vì thế, sau khi xem xét, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trường đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Điện Biên và giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.

Theo thiết kế, ACV sẽ đầu tư mới công trình khu bay đáp ứng khai thác máy bay A320, A321 và tương đương. Đồng thời, cải tạo nhà ga hiện hữu đáp ứng công suất 500.000 hành khách/năm cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ.

Tổng vốn đầu tư dự án hơn 1.547 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 50 năm. Theo quyết định của Thủ tướng, 34 tháng kể từ khi chấp thuận chủ trương, ACV phải hoàn thành việc đầu tư dự án. (Xem thêm)

Bị tài xế "tố" tận thu phí cao tốc Nội Bài - Lào Cai, VEC nói gì?

Theo ghi nhận của VietnamFinance, vừa qua, hàng loạt tài xế "tố" việc thu phí bất hợp lý của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Cụ thể, các tài xế cho rằng dù được yêu cầu tạm dừng thu phí trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhưng nhiều lái xe đi tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai (chiều từ Lào Cai về hướng về Hà Nội) bất ngờ bị chặn tại địa phận Vĩnh Phúc (giáp ranh với Thủ đô) và yêu cầu rẽ vào đường khác để trả phí.

Để không bị thất thu đối với toàn bộ phương tiện từ hướng Lào Cai chạy về Hà Nội, nhà đầu tư VEC đã cho “chặn” toàn bộ chiều đường chạy về Hà Nội tại đoạn qua cầu vượt Bình Xuyên (Vĩnh Phúc).

Lý giải về điều này, đại diện VEC cho biết: Tuyến Nội Bài – Lào Cai dài 245km, trong đó có 7,66km qua địa phận TP. Hà Nội và toàn tuyến có 14 trạm thu phí áp dụng hình thức thu phí kín.

Khi TP. Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty đã tạm dừng thu phí tại Trạm Km6 (từ 0h ngày 24/7/2021). Các phương tiện được miễn phí chặng Trạm Km6 – IC3 ở cả hai chiều.

Thời điểm này, Tổng công ty cũng đã điều chỉnh lại công tác phân luồng giao thông và tổ chức thu phí tạm thời để đảm bảo thu phí cho 238km còn lại.

Tại hiện trường, VEC đã tổ chức lực lượng hướng dẫn các phương tiện không đủ điều kiện vào Hà Nội nhằm giúp cho lái xe chủ động lựa chọn lộ trình phù hợp (không phải quay đầu tại chốt kiểm dịch Km6).

Do vậy, sau khi trả phí, các xe có thể tiếp tục lộ trình vào đường cao tốc cũng trong phạm vi nút giao IC3 (nếu đảm bảo yêu cầu của cơ quan y tế) để đi về Km6 (hoàn toàn miễn phí) hoặc di chuyển vào hướng khu công nghiệp Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc).

Đối với việc tổ chức thu phí tuyến cao tốc nêu trên, trước khi triển khai, VEC đã báo cáo Tổng cục Đường bộ tại Văn bản số 1465/VEC-QLKT ngày 24/7/2021 và được cơ quan quản lý đường bộ là Chi cục I.3 lập biên bản xác nhận, kiểm tra, giám sát, và tích cực hỗ trợ, phối hợp với VEC trong quá trình triển khai tại hiện trường. (Xem thêm)

"Hé lộ" mốc thời gian về đích dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Ngày 13/9, Văn phòng Bộ GTVT đã có văn bản thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông về tiến độ các dự án xây dựng cơ bản và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đáng chú ý, văn bản nêu rõ sẽ hoàn thiện đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong năm 2021.

Trước đó, sau nhiều lần trễ tiến độ và dưới áp lực của dư luận dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã "bỏ ngỏ" thời gian về đích. Vì thế, việc hạ quyết tâm đưa dự án này vào sử dụng trong năm 2021 cũng là nỗ lực lớn từ phía Bộ GTVT.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng yêu cầu các chủ đầu tư/ban quản lý dự án (QLDA) đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân tại hàng loạt các dự án cấp bách khác như: dự án nâng cấp, cải tạo đường lăn, sân đỗ cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các dự án đường sắt, đường bộ quan trọng... (Xem thêm)

Hà Nội lên phương án mở lại xe khách liên tỉnh

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ vừa chủ trì cuộc họp trực tuyến hàng tuần giữa Bộ GTVT cùng Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và Sở GTVT các tỉnh, thành phố về công tác vận tải, lưu thông hàng hóa trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT TP. Hà Nội, cho biết hiện nay, thành phố vẫn tăng cường công tác kiểm tra các phương tiện qua các chốt kiểm soát dịch bệnh của thành phố, qua đó phát hiện rất nhiều trường hợp lái xe có giấy xét nghiệm hết hạn, nhiều phương tiện không đủ điều kiện để lưu thông nên buộc phải quay đầu.

"Nếu doanh nghiệp và lái xe không thực sự nghiêm túc và nêu cao ý thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật và quy định phòng chống dịch Covid-19 cũng sẽ là nguyên nhân gây nên những cản trở trong việc lưu thông hàng hóa", ông Long nhấn mạnh.

Đáng chú ý, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố,  Sở GTVT Hà Nội đang tập trung xây dựng phương án để mở lại các loại hình vận tải hành khách công cộng và liên tỉnh theo từng giai đoạn, phù hợp với các quy định về kiểm soát dịch bệnh của ngành Y tế đối với hành khách và người điều khiển phương tiện. (Xem thêm)

Cần Thơ xin trung ương hỗ trợ 2.500 tỷ để xây cầu Ô Môn 7.000 tỷ bắc qua sông Hậu

UBND TP. Cần Thơ vừa ban hành công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hỗ trợ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách trung ương cho TP. Cần Thơ.

UBND TP. Cần Thơ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, chấp thuận tổng hợp, hỗ trợ từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, để thực hiện đầu tư dự án cầu Ô Môn.

UBND TP. Cần Thơ đánh giá dự án cầu Ô Môn sẽ kết nối giao thông liên vùng từ Kiên Giang - Cần Thơ - Đồng Tháp (kết nối từ tuyến đường Ô Môn, TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, đấu nối với đường tỉnh 853 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và định hướng kết nối vào cầu Mỹ Thuận 2). 

Địa điểm đầu tư dự án tại quận Ô Môn, TP. Cần Thơ và huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 2.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác 4.500 tỷ đồng.

UBND TP. Cần Thơ dự kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2023-2028, theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Sau khi được trung ương chấp thuận, TP. Cần Thơ cho biết sẽ phối hợp Đồng Tháp và các Bộ, ngành trung ương triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định. (Xem thêm)

Tin mới lên