Diễn đàn VNF

Giáo sư Nguyễn Mại: 'Dư địa thu hút FDI vẫn còn rất lớn'

(VNF) - Theo Giáo sư Nguyễn Mại, chính quyền tỉnh và thành phố cần năng động, sáng tạo trong hoạt động xúc tiến đầu tư, rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng thẩm định, cấp giấy đăng ký đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai nhanh chóng dự án và giải quyết khó khăn trong kinh doanh, bởi vì tiềm năng có thể khai thác của cả nước cũng như của từng địa phương còn rất lớn.

Giáo sư Nguyễn Mại: 'Dư địa thu hút FDI vẫn còn rất lớn'

Thương vụ Beerco mua cổ phần Vietnam Beverage đã giúp FDI tăng vọt trong quý I/2019.

Nhìn sang Trung Quốc

Cuộc cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt, do đó nhiều nước thay đổi luật pháp, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi hơn để tạo ra năng lực cạnh tranh cao hơn.

Trung Quốc là quốc gia đứng trong nhóm dẫn đầu về thu hút FDI quốc tế, tính đến cuối năm 2018 đã có 960 nghìn doanh nghiệp FDI với 2.100 tỷ USD vốn đầu tư; đồng thời đang khuyến khích mạnh mẽ đầu tư ra nước ngoài. Tuy vậy, nước này đang trong tình trạng tốc độ tăng trưởng suy giảm, thất nghiệp gia tăng, nợ công vượt quá ngưỡng, doanh nghiệp trong nước kinh doanh kém hiệu quả, số doanh nghiệp phá sản gia tăng, hàng trăm doanh nghiệp FDI đã di dời nhà máy sang nước khác do đã ban hành một số quy định theo hướng thắt chặt quản lý nhà nước đối với FDI, giảm bớt ưu đãi cho dự án FDI để khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong nước, buộc các doanh nghiệp FDI phải chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Trung Quốc, bằng nhiều phương tiện kể cả bất hợp pháp để “ăn cắp” quyền sở hữu trí tuệ.

Trung Quốc đang phải đối phó với cuộc chiến tranh thương mại Trung- Mỹ khó lường trước hậu quả. Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục phàn nàn về khoản thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc là những điểm then chốt tại các cuộc đàm phán thương mại giữa Bắc Kinh và Washington; thúc giục Trung Quốc thực hiện các cuộc cải cách cấu trúc.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Zhong Shan cho biết, thu hút FDI của Trung Quốc năm 2018 đạt 135 tỷ USD tăng 3,5%, thấp hơn 7,9% của năm 2017 và 4,1% của năm 2016. Để ứng phó với thực trạng đó, Trung Quốc đã đề ra những chính sách mới, bao gồm ban hành Luật Đầu tư nước ngoài.

Theo Tân Hoa Xã, sáng 15/3/2019 Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc Khóa XIII đã thông qua Luật Đầu tư nước ngoài, thay thế ba luật hiện hành có liên quan đến đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp liên doanh giữa Trung Quốc với nước ngoài, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, hợp đồng kinh doanh giữa Trung Quốc với nước ngoài).

Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, được đánh giá vô cùng quan trọng đối với thu hút FDI của Trung Quốc. Phát ngôn viên của Quốc hội Trung Quốc Zhang Yesui tuyên bố: “Đây là một cuộc cải cách cơ bản về hệ thống quản lý đầu tư nước ngoài của chúng ta để tăng độ mở, minh bạch và khả năng dự báo”.

Luật Đầu tư nước ngoài quy định thống nhất việc gia nhập, thúc đẩy, bảo vệ lợi ích và quản lý đầu tư nước ngoài nhằm cải thiện tính minh bạch của chính sách đầu tư nước ngoài, tạo lập sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

Luật có 6 chương đề cập tới xúc tiến đầu tư, bảo hộ đầu tư, quản lý đầu tư nước ngoài của Chính phủ và trách nhiệm pháp lý.

Điều 22 của luật quy định: “Chính phủ phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của nhà đầu tư và các công ty nước ngoài; các tổ chức Trung Quốc không sử dụng các biện pháp hành chính để bắt buộc chuyển giao công nghệ”.

Theo luật này, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng các chính sách của chính phủ Trung Quốc nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đồng thời có thể tham gia vào việc thiết lập tiêu chuẩn cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng vào mua sắm chính phủ. Tất cả đều dựa trên quy tắc cạnh tranh công bằng và tuân thủ luật pháp.

Luật này quy định: nếu bất kỳ quốc gia hoặc khu vực nào đưa ra lệnh cấm mang tính phân biệt đối xử lên hoạt động đầu tư Trung Quốc thì Trung Quốc có thể thực hiện các biện pháp đáp trả tương xứng.

Tổng thư ký Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc Adam Dunnet nhận định: “Luật Đầu tư nước ngoài sẽ tăng đáng kể uy tín của Trung Quốc đối với nhà đầu tư quốc tế”. Citibank và Morgan Stanley đưa ra dự báo về dòng vốn FDI 200 tỷ USD sẽ chảy vào Trung Quốc năm 2019.

Theo giới quan sát thì Luật Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc đã được soạn thảo và thông qua rất nhanh chóng, chỉ trong vòng ba tháng, trong khi thông thường phải mất vài năm. Luật Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc có hiệu lực từ đầu năm 2020 là thách thức lớn đối với thu hút FDI của Việt Nam, trong điều kiện mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong hoàn chỉnh hệ thống luật pháp, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh nhưng vẫn còn không ít hạn chế.

Nhiều vấn đề cần giải quyết để làm cho thể chế kinh tế thị trường của nước ta tiếp cận thông lệ tốt nhất của khu vực và quốc tế, việc thực thi thể chế nghiêm minh và đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp, cải cách đồng bộ nền hành chính quốc gia để có bộ máy công quyền đủ hiệu năng theo hướng chính phủ kiến tạo, chính phủ điện tử với đội ngũ công chức chuyên nghiệp, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, có thu nhập bảo đảm cuộc sống ngày càng cải thiện.

Triển vọng FDI năm 2019

Từ việc đánh giá thành tựu, vấn đề của 30 năm thu hút FDI, Chính phủ đã đề ra định hướng và chính sách đối với FDI trong giai đoạn sắp đến. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đang chỉ đạo việc soạn thảo để trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về đầu tư nước ngoài. Đó là “cẩm nang” để thống nhất quan điểm, nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, công chức nhà nước, cán bộ quản trị doanh nghiệp và người dân đối với thu hút FDI.

Theo đánh giá của Bloomberg dựa trên các yếu tố như cơ cấu dân số, tiền lương, giá điện, môi trường kinh doanh, logistics và tỷ trọng của ngành chế biến chế tạo trong FDI của từng quốc gia, thì Việt Nam xếp vị trí số 1 trong 7 nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Ávề điểm đến của các doanh nghiệp chế biến chế tạo. Tạp chí Forbes cũng cho rằng, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều công ty đa quốc gia bởi có nhiều thuận lợi để xuất khẩu hàng hóa mà không phải chịu thuế.

Sáng 28/3/2019 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố “Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018”. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink nhận xét: chỉ số PCI năm 2018 đạt mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thực hiện báo cáo vào năm 2005.

Điều tra PCI năm 2018 cho thấy, một số yếu tố của môi trường kinh doanh đã thay đổi tích cực so với năm 2017; môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân có xu hướng bình đẳng hơn, cải cách hành chính đang chuyển biến rõ nét, chi phí không chính thức tiếp tục được cắt giảm do đó mức độ lạc quan của các doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh thời gian tới tương đối cao, 49% doanh nghiệp tư nhân và 56% doanh nghiệp FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tới.

Những đánh giá khách quan trên đây dựa vào thành tựu kinh tế- xã hội, của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trên 7%, ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia, do vậy năm 2019 dự báo sẽ đạt được 21- 22 tỷ USD vốn FDI thực hiện, tăng khoảng 10% so với năm 2018 với chất lượng cao hơn thể hiện chuyển dịch nhanh hơn vào công nghệ tương lai thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học.

Tuy vậy, nhà đầu tư và doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ và chính quyền các cấp cần nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh, tăng chất lượng đào tạo lao động; cải thiện dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và tạo thuận lợi hơn nữa trong việc thực hiện các thủ tục cấp giấy đăng ký đầu tư, nhất là thủ tục về đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông và xây dựng.

Đẩy nhanh hơn nữa công cuộc cải cách là nhân tố quyết định của tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, bao gồm khu vực FDI. Căn cứ vào thể chế, chính sách và định hướng của Đảng và Nhà nước, chính quyền tỉnh và thành phố cần năng động, sáng tạo trong hoạt động xúc tiến đầu tư, rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng thẩm định, cấp giấy đăng ký đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai nhanh chóng dự án và giải quyết khó khăn trong kinh doanh, bởi vì tiềm năng có thể khai thác của nước ta cũng như của từng địa phương còn rất lớn.

Tin mới lên