Giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc: Chỉ áp dụng khi hỗ trợ TCTD bị kiểm soát đặc biệt

Minh Tâm - 10/02/2019 16:07
(VNF) - Không phải tất cả các TCTD được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo thông tư mới, mà chỉ áp dụng với một số ít tham gia hỗ trợ các TCTD bị kiểm soát đặc biệt.
1
Giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc: Chỉ áp dụng khi hỗ trợ TCTD bị kiểm soát đặc biệt

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần đây đã công bố dự thảo Thông tư Quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là "TCTD").

Thông tư này có một số điểm mới so với các thông tư trước (Thông tư số 27/2011/TT-NHNN ngày 31/8/2011 và số 23/2015/TT-NHNN ngày 04/12/2015), trong đó đáng chú ý nhất là thông tin về việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Tuy nhiên, theo nội dung dự thảo, không phải tất cả các TCTD được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc mà chỉ một số ít tham gia hỗ trợ các TCTD bị kiểm soát đặc biệt. Các TCTD này được gọi là TCTD hỗ trợ.

Cụ thể, Điều 8 của dự thảo thông tư nêu rõ: "TCTD hỗ trợ quy định tại khoản 40 Điều 4 Luật Các TCTD số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 17/2017/QH14 được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả các loại tiền gửi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt theo quy định tại khoản 7 Điều 148đ Luật này".

Thực tế, khoản 7 Điều 148đ của Luật số 17/2017/QH14 đã quy định các TCTD hỗ trợ được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo phương án phục hồi đã được phê duyệt. Như vậy, thông tư mới chỉ đơn giản là thêm quy định để phù hợp với luật mới.

Giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc: Chỉ áp dụng khi hỗ trợ TCTD bị kiểm soát đặc biệt

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo quy định hiện hành

TCTD hỗ trợ không chỉ được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc

Theo Điều 148d Luật số 17/2017/QH14, TCTD hỗ trợ phải đáp ứng 4 điều kiện, bao gồm: Hoạt động kinh doanh có lãi trong ít nhất 2 năm liền kề trước thời điểm được xem xét chỉ định tham gia hỗ trợ theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập; Đáp ứng các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định; Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát có số lượng và cơ cấu theo quy định của pháp luật; Có hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ chuyên trách bảo đảm tuân thủ quy định.

Điều 148đ của luật trên đưa ra 12 quyền và nghĩa vụ của TCTD hỗ trợ.

Thứ nhất, phối hợp với TCTD bị kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án phục hồi theo quy định.

Thứ hai, lựa chọn, giới thiệu và điều động cán bộ đủ năng lực, kinh nghiệm, điều kiện tham gia quản trị, kiểm soát và điều hành TCTD bị kiểm soát đặc biệt theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Thứ ba, tổ chức triển khai, quản lý, giám sát tổ chức, hoạt động của TCTD bị kiểm soát đặc biệt theo phương án phục hồi đã được phê duyệt; đề xuất với Ban kiểm soát đặc biệt việc sửa đổi, bổ sung phương án phục hồi đã được phê duyệt.

Thứ tư, cho vay, gửi tiền với lãi suất ưu đãi tại TCTD bị kiểm soát đặc biệt theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.

Thứ năm, bán nợ, trái phiếu doanh nghiệp đang được phân loại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước cho TCTD bị kiểm soát đặc biệt theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Thứ sáu, mua lại nợ, trái phiếu doanh nghiệp đã bán theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Thứ bảy, được vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi đến mức 0%, được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.

Thứ tám, không bị hạn chế về tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định.

Thứ chín, các khoản cho vay, tiền gửi tại TCTD bị kiểm soát đặc biệt được áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỷ lệ an toàn vốn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn.

Thứ mười, được hạch toán vào chi phí hoạt động đối với các khoản chi lương, thù lao, tiền thưởng cho người được biệt phái tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành TCTD bị kiểm soát đặc biệt.

Mười một, được phát hành trái phiếu dài hạn cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước.

Mười hai, được áp dụng các biện pháp hỗ trợ khác do Ngân hàng Nhà nước quyết định theo thẩm quyền.

Quảng cáo