Tiêu điểm

Giải ngân đầu tư công: Tiền có nhưng khó tiêu

Nghịch lý là tiền có, nhưng lại không thể giải ngân do vướng thủ tục, vướng mặt bằng. Trong khi nhiều dự án đang triển khai rất ì ạch do không được bố trí vốn kịp thời.

Giải ngân đầu tư công: Tiền có nhưng khó tiêu

Tuyến metro số 1 - đường sắt trên cao

Nửa năm chưa giải ngân nổi 1%

Một con số có thể gây giật mình với nhiều người khi tỷ lệ giải ngân tại nhiều sở, ngành của TP. HCM chưa đạt đến 1%. Ngay từ đầu năm, TP. HCM đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công từng dự án đạt ít nhất 95% trở lên. Các đơn vị có tỷ lệ giải ngân trong 3 tháng liên tiếp thấp hơn so với mức giải ngân trung bình của cả nước phải chịu trách nhiệm trước UBND TP và Thủ tướng.

Tuy nhiên, tính đến hết tháng 6, tổng số vốn đã giải ngân ở Kho bạc Nhà nước TP mới là 7.032 tỷ đồng, đạt 20,8% tổng kế hoạch do UBND TP giao, đạt 18,8% kế hoạch T.Ư giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Cá biệt, có những sở ngành tỷ lệ giải ngân chưa đạt đến 1% như Sở Xây dựng (0,4%), Sở TN-MT (0,3%)...

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT TP. HCM Lê Thị Huỳnh Mai, các năm trước đây, TP giao vốn thành nhiều đợt (đợt 1 giao khoảng 70% dự toán, đợt 2 và đợt 3 bổ sung vốn để cuối năm đạt 100% dự toán). Tuy nhiên, năm 2019, thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước, TP giao 100% dự toán ngay từ đầu năm, nên dù giá trị tuyệt đối vốn giải ngân cao hơn nhưng tỷ lệ lại thấp hơn.

Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm là giai đoạn chuẩn bị đầu tư, việc thanh quyết toán dự án tập trung chủ yếu vào 6 tháng cuối năm nên nửa đầu năm tỷ lệ giải ngân vốn sẽ thấp.

Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân chưa cao còn do từ đầu năm, UBND TP đã giao kế hoạch vốn cho 120 dự án bồi thường hoặc có thực hiện công tác bồi thường, tổng vốn đã giao 4.215 tỷ đồng (chiếm 15% kế hoạch vốn). Tuy nhiên, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn TP bị chậm là khá phổ biến. Nhiều dự án phải điều chỉnh giảm kế hoạch vốn, tổng vốn giảm 3.200 tỷ đồng. Tương tự, một số công trình giao thông trọng điểm chưa thể triển khai cũng vì vướng bồi thường.

Vốn Trung ương về địa phương cũng tắc

Không chỉ vốn ngân sách chậm chảy, nguồn vốn từ Trung ương đổ về thành phố cũng “tắc”. Điển hình là câu chuyện đại dự án metro số 1 tại TP. HCM. 35.000 tỷ đồng thành phố ký hợp đồng vay với Nhật Bản, nhưng 4 năm qua, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vẫn chờ giải ngân.

Sau nhiều lần “giật gấu vá vai”, đến nay, thành phố đã phải tạm ứng khoảng 5.000 tỷ đồng để trả nợ cho nhà thầu duy trì thi công nhưng chưa được hoàn lại vì còn chưa xong các bước thủ tục. Thủ tục khó khăn, UBND TP vừa phải tiếp tục xin lùi khai thác vận hành tuyến metro số 1 sang quý IV/2021, thay vì khai thác năm 2020 như cam kết trước đó.

Là dự án giao thông công cộng khối lượng lớn đầu tiên được triển khai tại TP. HCM, tuyến metro số 1 được kỳ vọng sẽ giúp người dân thành phố thoát khỏi “khổ ải” kẹt xe, nâng tầm đô thị cho thành phố. Thế nhưng, thực tế việc dự án tắc mãi chưa được khơi thông đang kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Các đoạn đào hở, xây trên cao yêu cầu dựng nên nhiều lô cốt, hàng rào khoanh vùng làm giảm tiết diện mặt đường, gây ùn tắc giao thông, đồng thời làm “đóng băng” toàn bộ các dịch vụ kinh doanh, thương mại khu vực này. Cả thành phố đang biến thành một đại công trường ùn tắc...

Trong văn bản mới nhất vừa gửi Bộ Tài chính về báo cáo tình hình vay, trả nợ vốn vay nước ngoài của Chính phủ năm 2019 và dự kiến giai đoạn 2020 - 2022, UBND TP. HCM cho biết đối với nguồn vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương, đến tháng 6, chỉ có dự án vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2 là giải ngân 99 tỷ đồng. Ngoài dự án xây dựng 2 tuyến metro đang thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư nên không thể giải ngân, một dự án trọng điểm khác là cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - Tẻ giai đoạn 2 cũng chưa được Bộ KH-ĐT giao vốn ODA do cần điều chỉnh kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020.

UBND TP đánh giá việc giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài còn chậm trễ chủ yếu do công tác giao kế hoạch vốn ODA cấp phát từ Trung ương chưa kịp thời và không phù hợp với tình hình thực hiện của các dự án. “Do việc chưa được giao kế hoạch vốn hoặc kế hoạch vốn được giao không đủ nên thành phố không thể giải ngân thanh toán khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu. Từ đó, ảnh hưởng đến tiến độ chung của các dự án, gây mất uy tín của TP đối với nhà tài trợ nước ngoài và phát sinh nhiều hệ lụy”, văn bản nêu rõ.

Dự án cải thiện môi trường lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - Tẻ giai đoạn 2 cũng chưa được Bộ KH-ĐT giao vốn ODA.

Tâm lý dồn việc cho cuối năm

Một thực tế là dự toán phân bổ vốn được duyệt từ cuối năm trước cho năm sau, nhưng các bộ, ngành, địa phương... đều mất tới vài tháng đầu năm chỉ cho việc lập kế hoạch hoặc lo thủ tục. Giải ngân dồn vào những tháng cuối năm cho đủ số lượng chỉ tiêu đã tạo ra áp lực rất lớn về tiến độ thi công cũng như chất lượng công trình. Nhiều dự án trong vài tháng cuối năm ồ ạt triển khai cùng lúc nhiều hạng mục, chỉ để công trình đạt được tiến độ thanh toán.

Theo đánh giá của Vụ KH-ĐT (Bộ GTVT), tính đến hết tháng 8, Bộ GTVT mới giải ngân được 6.857 tỷ đồng, đạt 27,4% so với kế hoạch được giao (25.017 tỷ đồng). Khối lượng công việc còn lại của cuối năm là cực lớn, nhưng Bộ GTVT cũng là bộ có nhiều tiền lệ giải ngân không đạt kế hoạch (2018 là năm thứ 3 liên tiếp Bộ GTVT không đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công). Một trong những nguyên nhân do các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án (QLDA) đăng ký kế hoạch vốn quá cao, trong khi không xử lý được các khó khăn về giải phóng mặt bằng (GPMB), thủ tục đấu thầu…

Năm 2019, Ban QLDA Thăng Long được giao kế hoạch 3.770 tỷ đồng, nhưng tính đến ngày 15/8 mới chỉ giải ngân được 906 tỉ đồng. Trong đó, 2 dự án cao tốc Bắc - Nam (đoạn Mai Sơn - QL45 và Dầu Giây - Phan Thiết) theo hình thức PPP do Ban QLDA Thăng Long phụ trách được giao chỉ tiêu giải ngân 1.800 tỷ đồng, chủ yếu phân bổ cho công tác GPMB tại các địa phương, nhưng tới nay vẫn rất ì ạch.

Trả lời Thanh Niên, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long, cho hay giải ngân tại 2 dự án này rất khó khăn do phụ thuộc lớn vào các địa phương, trong khi địa phương lại kêu khó vì GPMB vướng do thực hiện luật Quy hoạch.

“Chúng tôi kiến nghị như tại các dự án mở rộng Quốc lộ 1 trước đây, Chính phủ, Bộ GTVT phải họp trực tuyến với các địa phương liên tục, có gì khó khăn tháo gỡ ngay thì mới đẩy nhanh được tiến độ GPMB”, ông Roãn nói. Song trên thực tế, không chỉ vướng GPMB, các gói thầu xây lắp mà Ban đang thực hiện tiến độ cũng rất chậm. Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long trên địa bàn Hà Nội hiện mới giải ngân được xấp xỉ 40% cả 2 gói thầu. Để kịp tiến độ tới tháng 9/2020 hoàn thành, dự án sẽ phải thực hiện được ít nhất khối lượng xây lắp 100 tỷ đồng/tháng trong thời gian tới. Câu chuyện kết quả giải ngân thấp cũng diễn ra tại Ban QLDA 6, khi tính đến đầu tháng 9, ban này mới giải ngân được 40,4% kế hoạch được giao, thậm chí phải xin điều chỉnh giảm kế hoạch vốn 2019.

Đáng nói, việc chậm giải ngân đầu năm rồi lại cấp tập đào đường để chạy giải ngân, diễn ra đều đặn vào mỗi dịp cuối năm tại TP. HCM. Đường cày lên lát lại, không chỉ gây xáo trộn cuộc sống người dân, nhếch nhác bộ mặt đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ tạo ra các công trình kém chất lượng. Một số đơn vị thi công ngày lễ, tết có tâm lý lợi dụng tình thế cấp tập, đơn vị quản lý dễ bỏ qua sai sót nhỏ, dễ nghiệm thu... để luồn lách, thi công không đảm bảo chất lượng.

Tin mới lên