Thị trường

Giải bài toán nhân sự, các hãng hàng không Việt đua nhau mở trường đào tạo phi công

(VNF) - Cùng với sự ra đời các hãng hàng không mới, gia tăng lượng máy bay..., các hãng hàng không cũng đang phải đau đầu trong việc giải quyết bài toán nhân sự, đặc biệt là phi công. Một trong những giải pháp đang bắt đầu nở rộ chính là mở các trường đào tạo phi công.

Giải bài toán nhân sự, các hãng hàng không Việt đua nhau mở trường đào tạo phi công

Thiếu nhân lực hiện được xem là một trong hai nút thắt của ngành hàng không hiện nay

Hàng không 'khát' nhân lực

Tình trạng thiếu phi công, kỹ thuật viên máy bay không phải mới xảy ra gần đây. Mỗi khi có hãng hàng không mới ra đời hay khi một lô máy bay mới được bàn giao cho phía Việt Nam, câu chuyện lôi kéo phi công giữa các hãng hàng không lại diễn ra căng thẳng, đặc biệt với phi công người Việt.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết theo kế hoạch số máy bay của hãng hàng không Việt sẽ tăng từ 222 chiếc hiện tại lên khoảng hơn 360 chiếc vào năm 2023. Trong khi đó, với mỗi máy bay biên chế, các hãng cần khoảng 20 phi công để khai thác tối đa công suất. Điều này đồng nghĩa ngành hàng không Việt Nam sẽ cần khoảng 2.700 phi công để vận hành lượng máy bay mới này, cùng với số thợ máy tương ứng.

Thêm 2.700 phi công từ nay tới năm 2023, tương đương các hãng bay sẽ phải xoay xở để đảm bảo có thêm hơn 500 phi công mỗi năm. Con số này vượt xa so với dự tính trước đó của Cục Hàng không là khoảng 200 phi công mỗi năm.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng từng thừa nhận ngành hàng không hiện nảy sinh vấn đề khi hãng hàng không mới xuất hiện.

Theo đó, khi mua về nhiều tàu bay, đáng lẽ các hãng mới phải thu hút nhân lực nước ngoài hoặc tự đào tạo nguồn nhân lực nhưng hiện đang có tình trạng những hãng mới bỏ kinh phí ra để lôi kéo nhân lực của các hãng khác, trong đó có hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).

Không chỉ nhân lực phục vụ các hãng, ngay nhân lực quản lý từ phía Cục Hàng không cũng thiếu.

Trong văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải mới đây liên quan tới hãng hàng không xin tăng đội tàu bay lên 40 chiếc (tăng 30 tàu bay so với giấy phép trước đó), Cục Hàng không cho biết nếu tính cả số nhân lực kế hoạch năm 2019, lực lượng giám sát viên an toàn hàng không đã ký hợp đồng với cơ quan này chỉ đảm bảo quản lý tối đa 256 tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam (cả tàu bay và trực thăng). Nếu tăng thêm 40 chiếc nữa, sẽ vượt quá năng lực giám sát 21 chiếc.

Cơ quan này cho hay, tới năm 2025 cần bổ sung thêm khoảng 100 giám sát viên an toàn. Thế nhưng, thay vì tăng thêm người, thì hằng năm Cục Hàng không đang phải thực hiện tinh giảm biên chế theo chủ trương chung. Thậm chí, Cục Hàng không hiện đang đối mặt nguy cơ chảy máu chất xám, khi một số nhân sự giỏi liên tục nhận được lời mời từ các hãng hàng không, với các chế độ đãi ngộ vượt trội.

Thiếu nhân lực hiện được xem là một trong hai nút thắt của ngành hàng không hiện nay (bên cạnh cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế). Theo các chuyên gia, bức tranh cạnh tranh nguồn nhân lực sẽ còn gay gắt trong thời gian tới khi thị trường hàng không có thêm hãng mới và các hãng hàng không ngừng đầu tư mới đội máy bay.

Nở rộ dự án trường đào tạo phi công

Nắm bắt được sự cần thiết về nhân lực hàng không, trên thực tế, hàng loạt công ty tư nhân tại Việt Nam đã bắt đầu lập các dự án mở trường đào tạo nhân lực hàng không. Trong đó có những cái tên đáng chú ý như Vingroup hay FLC.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân bắt đầu mở trường đào tạo phi công

Với Vingroup, tập đoàn này và Tập đoàn CAE (Canada) vừa ký kết thoả thuận hợp tác đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới. Dự kiến, mỗi năm sẽ có 400 phi công và thợ máy đạt tiêu chuẩn quốc tế CAAV, FAA và IASA được cung ứng ra thị trường.

Sản phẩm hợp tác giữa Vingroup và Tập đoàn CAE (CAE Oxford Aviation Academy - tổ chức đào tạo hàng không hàng đầu thế giới) có tên gọi Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao Ngành Hàng Không (VinAviation School) và Trung tâm huấn luyện bay Vinpearl Air (VPA Training Centre).

Trong đó, VinAviation School đào tạo phi công, thợ máy cơ bản theo tiêu chuẩn CAAV và tiêu chuẩn quốc tế được FAA và IASA công nhận tại Việt Nam; chỉ tiêu dự kiến là 400 phi công và thợ máy/năm.

Vinpearl Air đào tạo huấn luyện chuyển loại, nâng cấp và định kỳ cho phi công, thợ máy, huấn luyện nhân viên điều phái bay, tiếp viên hàng không và các nhân viên hàng không khác. Riêng nhóm ngành quản trị hàng không, kinh tế vận tại hàng không và kỹ sư máy bay sẽ do trường Đại học VinUni đảm nhiệm.

Trong khi đó, FLC cũng vừa có đề xuất xây dựng dự án khu sản xuất hàng hóa và dịch vụ logistics hàng không, trung tâm thương mại dịch vụ hàng không, học viện hàng không với quy mô 40ha tại TP. Cần Thơ. Trong đó, học viện hàng không, phân viện học viện hàng không có diện tích 7,05ha.

Hãng hàng không thuộc Tập đoàn FLC cũng vừa được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Viện đào tạo hàng không Bamboo Airways với quy mô 10 ha, tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng cho giai đoạn thành lập và phát triển trường.

Theo kế hoạch, sau khi đi vào hoạt động từ quý I/2022, Viện sẽ đào tạo gần 3.500 sinh viên/năm, tập trung đào tạo chuyên môn nghiệp vụ ngành như phi công, tiếp viên hàng không, kỹ thuật, khai thác mặt đất và các chức năng đào tạo cơ bản…

Với Vietjet, hãng hàng không này đã đưa vào hoạt động trung tâm huấn luyện phi công do Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA) phê chuẩn cuối năm 2018. Theo đó, buồng lái mô phỏng đã khai thác huấn luyện gần 1.000 giờ. Học viện tổ chức đào tạo 924 khóa cho 21.611 lượt học viên, trong đó có 157 khóa đào tạo phi công, 127 khóa đào tạo tiếp viên, 128 khóa đào tạo kỹ sư.

Tin mới lên