Bất động sản

'Giặc' quá tải bùng phát trở lại, trách nhiệm các tỉnh thành ở đâu?

(VNF) - “Chỉ trong tháng 8/2018, Tổng Cục đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã xử lý 1.677 xe quá tải, tước 556 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 17,56 tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết.

'Giặc' quá tải bùng phát trở lại, trách nhiệm các tỉnh thành ở đâu?

Tình trạng xe quá khổ, quá tải đang có dấu hiệu bùng phát trở lại trên cả nước

Xe quá tải "nóng trên từng cây số"

Cuối năm 2015, tình trạng kiểm soát xe quá tải chặt chẽ, tỷ lệ xe quá tải tồn tại chỉ còn khoảng 5-10%. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vấn nạn xe quá tải đang bùng phát trở lại do buông lỏng quản lý địa phương, các lực lượng thanh tra giao thông (TTGT) mỏng, thiếu kinh phí hoạt động.

Theo Tổng Cục ĐBVN, không hiếm gặp các xe quá tải lưu thông trên các quốc lộ như: QL 1, QL 1D, QL 13, QL 18, QL 19, QL 20, QL 27, QL 28, QL 51, QL 70, QL 279, đường Hồ Chí Minh… và một số tuyến đường tỉnh, đường đô thị nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa…. Tình trạng xe sang tải, dồn tải xung quanh khu vực các Cảng nhỏ, bến thủy nội địa, xe chở hàng siêu trường, siêu trọng không có Giấy phép lưu hành xe... khá phổ biến

Qua nhiều kênh thông tin và qua phản ánh theo đường dây nóng của Tổng cục ĐBVN, còn tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng, chở hàng quá tải, ví dụ như vụ việc xe tải tự đổ chở vật liệu xây dựng quá tải lưu thông trên QL 1, địa phận huyện Thường Tín, TP. Hà Nội.

Tại Miền Bắc còn nhiều xe tải, xe ben tự đổ chở vật liệu xây dựng quá tải lưu thông trên QL 70, đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái; Xe tải, xe ben có kích thước thùng hàng vượt quá quy định chở đất, đá quá tải từ các mỏ đất, đá trên địa bàn huyện Hoành Bồ lưu thông trên QL 279 đi TP. Hạ Long, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh; Các xe tải tự đổ chở đất, đá, vật liệu xây dựng quá tải lưu thông trên QL 18, địa phận tỉnh Bắc Ninh…

Tại Miền Trung, đã phát hiện nhiều xe tải, xe ben có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở clinke quá tải phục vụ cho nhà máy xi măng Sông Lam lưu thông trên tuyến đường N5, đoạn từ xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương đến xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An; Hoặc như các đoàn xe tải, xe ben chở đá dăm quá tải từ các mỏ đá trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh, lưu thông trên QL 1, tỉnh Hà Tĩnh; Các xe ben có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở đá, vật liệu xây dựng quá tải cung cấp cho nhà máy xi măng Vicem Hải Vân và nhà máy Cosevco lưu thông trên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, đoạn qua huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình…

Tại các tỉnh duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên, phát hiện xe cơi nới kích thước thùng hàng, chở dăm gỗ quá tải lưu thông trên các tuyến đường trong Khu Kinh tế Dung Quất ra các cảng để xuất khẩu; Xe cơi nới kích thước thùng hàng, chở hàng quá tải từ cảng Quy Nhơn, lưu thông trên QL 19, QL 1, QL 1D, tỉnh Bình Định; Các xe tải, xe ben chở đất, đá, vật liệu xây dựng quá tải lưu thông từ QL 1 vào các đường liên thôn, liên xã tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa; Các xe tải, xe ben chở đất, đá, vật liệu xây dựng quá tải lưu thông từ QL 13 vào các tuyến đường tỉnh, đường huyện khu vực Trạm thu phí Thanh Lương, QL 13, tỉnh Bình Phước để tránh né Trạm thu phí; Xe cơi nới kích thước thùng hàng, chở vật liệu xây dựng, nông sản quá tải lưu thông trên QL 1 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi; QL 1, QL 28 tỉnh Bình Thuận; QL 1, QL 20, QL 51 tỉnh Đồng Nai, QL 27, QL 28 tỉnh Lâm Đồng; QL 51 tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Tại các cảng đầu mối, phát hiện xe đầu kéo kéo theo sơmi rơmoóc, chở hàng siêu trường, siêu trọng không có Giấy phép lưu hành xe, chở hàng với kích thước, khối lượng không đúng với nội dung trong Giấy phép lưu hành xe hoặc sử dụng Giấy phép lưu hành xe giả vẫn được xuất, xếp hàng và ra khỏi các Cảng, như tại Cảng Nam Hải Đình Vũ, Nam Hải Lê Chân, Chùa Vẽ, Vật Cách...TP. Hải Phòng; Cảng Cát Lái tại TP. Hồ Chí Minh...

Trách nhiệm các tỉnh thành ở đâu?

Đã từng có thời, ngành giao thông coi xe quá tải là “giặc” và tuyên chiến rất mạnh mẽ. Vì thế, để xử lý tình trạng xe quá tải đang bùng phát trở lại trên cả nước, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có Báo cáo sơ kết thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Cụ thể, trong tháng 9/2018 và các tháng tiếp theo, đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chủ động chỉ đạo công tác phối hợp giữa các lực lượng Công an, Thanh tra giao thông, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 32/CT-TTg.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng Cục ĐVN cho biết: để bùng phát xe quá tải các địa phương phải chịu trách nhiệm liên quan. Vì thế, yêu cầu các địa phương tiếp tục củng cố lực lượng, bố trí kinh phí, duy trì hoạt động của các Trạm kiểm soát trọng tải xe (KTTTX) lưu động và sử dụng cân xách tay để thực hiện công tác KSTTX phù hợp với tình hình xe quá tải trên địa bàn, bảo đảm công tác KSTTX được thực hiện 24/24h.

”Đặc biệt, cần tăng cường kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, nhà máy, xí nghiệp lớn trong các khu công nghiệp, các mỏ đá, vật liệu xây dựng... Phối hợp với các Cảng kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không có Giấy phép lưu hành xe hoặc sử dụng Giấy phép lưu hành xe giả, sử dụng sà lan để đưa hàng siêu trường, siêu trọng ra khỏi Cảng, sang tải, dồn tải, lưu thông trên đường bộ, đặc biệt là các Cảng nhỏ, bến thủy nội địa tại TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh...”, ông Huyện kiến nghị.

Tin mới lên