Nhân vật

Giấc mộng 100 tỷ USD của Masayoshi Son

Ông chủ của tập đoàn viễn thông Softbank tin rằng thế giới sẽ sớm đối mặt với thời khắc trí tuệ nhân tạo vượt qua cả trí thông minh con người.

Giấc mộng 100 tỷ USD của Masayoshi Son

Masayoshi Son, ông chủ của tập đoàn viễn thông Nhật Softbank.

Nếu bạn muốn thấy một viễn cảnh tương lai hoành tráng, Thung lũng Silicon không phải là nơi duy nhất bạn tìm đến. Tại Tokyo, Masayoshi Son, ông chủ của Tập đoàn viễn thông Nhật Softbank, đang thành lập một quỹ đầu tư trị giá 100 tỷ USD mà ông hy vọng sẽ đưa ông trở thành Warren Buffett của ngành công nghệ. Son không lạ gì các canh bạc rủi ro: Softbank là nhà đầu tư ban đầu vào Alibaba và cũng đã rót 22 tỷ USD vào Sprint, một hãng viễn thông Mỹ gặp khó khăn. Và nay Son lại đắm chìm trong một cơn sốt đầu tư khác...

Cách mạng trí tuệ nhân tạo

Masayoshi Son, 59 tuổi, tin rằng thế giới sẽ sớm đối mặt với thời khắc trí tuệ nhân tạo vượt qua cả trí thông minh con người. Khi ấy, mỗi người sẽ có hơn 1.000 thiết bị kết nối bởi một mạng toàn cầu vận hành trơn tru, trong đó thông tin được máy móc phân tích trên nền tảng đám mây. Cũng giống như kính thông minh, con người sẽ mang cả giày thông minh và mọi chiếc ô tô, máy giặt... đều kết nối mạng. Cuộc cách mạng internet này, theo Son, sẽ quan trọng hơn cả cuộc cách mạng đầu tiên.

Để đón đầu tầm nhìn vĩ đại này, Son bắt đầu "săn hàng". Năm ngoái, ông bỏ ra 31 tỷ USD mua lại ARM Holdings, một công ty Anh chuyên thiết kế chip dùng trong thiết bị di động. Son cũng đã đầu tư tổng cộng 2 tỷ USD vào 2 hãng công nghệ vệ tinh OneWeb và Intelsat với mục tiêu phóng hàng ngàn thiết bị vệ tinh nhỏ xíu đi vào quỹ đạo quanh trái đất để kết nối internet tốc độ cao.

Các hãng công nghệ trên khắp thế giới đang ra sức tăng cường sức đề kháng chống đỡ các đợt đột kích trong tương lai của Son, bởi ông nói rằng mục tiêu là xây dựng một đế chế kinh doanh tồn tại suốt chiều dài 300 năm lịch sử. Điều Son không đề cập đến là ông cũng muốn chứng tỏ rằng những gì ông đạt được không phải do ăn may mà nhờ tầm nhìn và năng lực của chính bản thân.

Son tin rằng ông đã thấy trước thời khắc chuyển giao kế tiếp trong ngành công nghệ. Là con trai một gia đình nông dân chăn nuôi lợn ở miền Nam nước Nhật, Son đã khóc òa hạnh phúc khi ở tuổi thiếu niên, lần đầu tiên được nhìn thấy hình ảnh một con chip. Lớn lên, ông học lập trình khi ở Đại học California, Berkely, rồi vào thập niên 1980 đã bán phần mềm ở Nhật. Ông là nhà đầu tư ban đầu vào các hãng internet, với thương vụ mua lại cổ phần trong Yahoo! vào năm 1995 và Alibaba vào năm 1999.

Sau đó, ông lại rót vốn vào các hãng viễn thông di động, đầu tiên là vào năm 2006 với việc mua lại công ty di động Nhật thuộc Vodafone và mua Sprint năm 2013. Giờ Softbank đã phình to, với giá trị doanh nghiệp (vốn hóa thị trường cộng với nợ ròng) lên tới 193 tỷ USD.

Tuy nhiên, hào quang sự nghiệp của Son vẫn đến từ thương vụ đầu tư vào Alibaba. Năm 1999, tại Tokyo ông đã có cuộc gặp gỡ định mệnh với Jack Ma và Joseph Tsai, đồng sáng lập một website còn non trẻ ở Hàng Châu, Trung Quốc. Cả 3 đã đồng ý Softbank sẽ mua lại 30% cổ phần trong công ty mới thành lập này với giá 20 triệu USD.

Thương vụ "hoàn toàn dựa vào sự đánh hơi của tôi", Son sau này cho biết. Giờ vốn hóa thị trường của Alibaba lên tới 270 tỷ USD và sau khi bán ra một số cổ phần vào năm ngoái, Softbank còn sở hữu 28%.

Khoảng 95% vốn hóa thị trường của Softbank là nhờ số cổ phần trong Alibaba. 5% giá trị vốn hóa còn lại, từ viễn thông cho đến đầu tư mạo hiểm, có lẽ trị giá không bao nhiêu, một khi nợ được trừ ra. Son nói rằng Softbank đã tạo ra tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) 43% trên tất cả các khoản đầu tư khác, không tính khoản đầu tư vào Alibaba, nhưng cơ sở để cho ra phần tính toán này lại không rõ ràng.

Tất nhiên Son cũng làm nên một số chiến tích. Chẳng hạn, Softbank đã kiếm được 5 tỷ USD từ việc mua đi bán lại Supercell, một công ty game Phần Lan trong giai đoạn 2013-2016. Nhưng Softbank gần như không tạo ra dòng tiền và các thương vụ của Son đã khiến cho Softbank nợ ròng tới 110 tỷ USD.

Rõ ràng, Son chỉ nắm số cổ phần nhỏ trong một tập đoàn lớn, chứ chưa có xây dựng được một đế chế của riêng mình từ con số 0. Trong khi đó, tình hình tài chính nghèo nàn của Softbank đang "cản trở" tham vọng của ông. Do Son chỉ nắm 19% nên không thể huy động tiền mặt bằng cách bán cổ phần mà không làm yếu đi quyền lực của ông tại tập đoàn viễn thông này. Ông có một lựa chọn khác: bán số cổ phần còn lại trong Alibaba, nhưng dường như ông không muốn buông món hời này.

Hoặc Son có thể tìm cách sáp nhập Sprint với hãng viễn thông Mỹ T-Mobile, cho phép Softbank "phủi" khoản nợ ròng 31 tỷ USD của Sprint khỏi bảng cân đối kế toán của Tập đoàn. Cho đến nay, các cơ quan quản lý chống độc quyền không chấp thuận một thương vụ như vậy. Nhưng Son hy vọng chính quyền Donald Trump sẽ "nhẹ tay" hơn.

Son muốn nghĩ lớn

Giải pháp thay thế là "quên đi" Softbank và đây là điều quỹ 100 tỷ USD của Son lựa chọn. Bởi lẽ, Son sẽ được tự do hơn trong việc chọn công ty nào muốn mua, không phải nghe những lời càm ràm của cổ đông đại chúng. Các nhà đầu tư bên ngoài sẽ cho ông nguồn "đạn dược" khổng lồ. Quỹ đầu tư nhà nước của Ả Rập Saudi, chẳng hạn, đã hứa rót cho Son một số tiền lớn. Quỹ 100 tỷ USD và các khoản nợ của nó hoàn toàn không được ghi nhận trong sổ sách của Softbank.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư rót vốn vào quỹ mới này cũng như những chủ sở hữu Softbank có 3 mối lo. Thứ nhất, mặc dù ý tưởng Son đưa ra cho thấy sự quyết liệt, nhưng không hề mới. Các nhà lãnh đạo khác trong ngành công nghệ cũng có tầm nhìn như thế về những thiết bị kết nối web. Vì thế, giá trị của các công ty chia sẻ tầm nhìn này đều cao chót vót. Bằng chứng là Softbank đã trả cao gấp 71 lần lợi nhuận trong thương vụ mua ARM Holdings.

Mối lo thứ hai là Son có thể bị mất tập trung. Một số công ty startup mà ông đặc biệt dành sự quan tâm và yêu mến như Uber và Airbnb lại không có liên quan mấy đến quan điểm của ông về internet. Tại những startup khác, mối liên quan thậm chí còn "hời hợt" hơn. Ngày 20/3/2017, Softbank đã mua lại số cổ phần trị giá 300 triệu USD trong WeWork, công ty cho thuê văn phòng  có mức định giá rất cao.

Mối lo thứ ba là vấn đề quản trị. Tâm trí của Son luôn nhảy từ nỗi ám ảnh này sang nỗi ám ảnh khác. Lấy ví dụ, trong giai đoạn 2014-2015, ông có một thời gian ngắn say mê viễn cảnh công nghệ của Ấn Độ và đã chỉ định Nikesh Arora, một nhà điều hành Google sinh ra ở Ấn Độ, làm người kế vị ông, nhưng rồi một năm sau đó lại cho người này ra rìa.

Rõ ràng, một người "nhất thời" sẽ điều hành cả quỹ 100 tỷ USD lẫn Softbank. Vai trò kép này của Son cũng tạo ra mâu thuẫn lợi ích: nếu có một thương vụ béo bở, ai sẽ là người hưởng lợi - quỹ 100 tỷ USD hay Softbank?

Đối với Son, đây chỉ là những tranh cãi vụn vặt so với tầm nhìn 300 năm của ông. Ông nói rằng nhìn lại gần 60 năm đầu tiên của cuộc đời, ông hối tiếc mình "đã tập trung quá nhiều vào các hoạt động hằng ngày mà không thực sự nghĩ lớn". Son tin rằng cho đến nay chỉ 3% năng lực trí tuệ của ông là dành cho các quyết định đầu tư lớn. Giờ hơn 50% năng lực trí tuệ đó sẽ được dành vào việc hoàn thành số mệnh của bản thân. Son chỉ mới "khởi động" mà thôi.

Tin mới lên