Bất động sản

Giá đất vùng ven ‘nóng bỏng tay’

Giá đất ở nhiều khu vực tại TP. HCM đang được đẩy lên cao, vượt xa giá trị thực nhiều lần.

Giá đất vùng ven ‘nóng bỏng tay’

Giá đất vùng ven TP. HCM đang được thổi lên rất cao

Thời gian gần đây giá đất tại nhiều khu vực ở các quận, huyện ngoại thành TP.HCM bỗng nhiên tăng cao chóng mặt. Thậm chí giá đất chào bán có nơi tăng đến 300% so với trước đây.

Ráo riết tìm mua đất nền

Trước đây Củ Chi được xem là khu vực mà giá nhà đất tăng rất chậm. Nhưng nay, khi hay tin có đại gia muốn vào đầu tư tuyến đường ven sông Sài Gòn nối từ quận 1 đến Củ Chi thì lập tức thị trường nhà đất tại đây bắt đầu sôi động.

Chị Nguyễn Thị Lệ Huyền, nhà ở quận Tân Phú, TP. HCM, kể cách nay năm năm chị mua một mảnh đất 5 x 16 m2 tại đường Huỳnh Minh Mương, xã Tân Thạnh Đông (Củ Chi) với giá 180 triệu đồng. Suốt năm năm nay chị Huyền rao bán nhưng không ai hỏi mua. Vừa rồi chị lên thăm đất và định gửi cò bán giúp với giá 250 triệu đồng.

"Tôi vừa ra giá thì cò đồng ý ngay và còn cam kết lo luôn thủ tục giấy tờ mua bán, không lấy tiền môi giới. Thấy cò sốt sắng, tôi cũng chột dạ tính về nhà suy nghĩ lại. Ai dè cò theo tôi về đến tận nhà, muốn mua bằng được. Nể quá tôi bán luôn. Hôm sau chủ đất gọi điện thoại lại hỏi tôi có muốn bán không, có người muốn mua lại mảnh đất của tôi với giá 450 triệu đồng. Chỉ trong tích tắc mà mất hơn 200 triệu đồng, vợ chồng tôi tiếc đứt ruột" - chị Huyền tiếc rẻ.

Không chỉ ở Củ Chi mà giá đất tại nhiều khu vực khác ở TP. HCM như quận 2, quận 9, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh… cũng đang sốt xình xịch, nhảy vọt từng ngày. Ví dụ, vài năm trước nhiều khu vực phường Long Trường, Long Thạnh Mỹ thuộc quận 9 chỉ là những khu đất um tùm cây cối thì nay đã khác hẳn. Những khu vực này hiện như một đại công trường, khắp nơi đang diễn ra hoạt động rao bán, san lấp, xây dựng, rất nhộn nhịp.

Chị Lê Thị Minh Nguyệt, nhà ở đường Võ Văn Hát, phường Long Trường, cho biết cách nay hơn hai năm khu đất 50 m2 cạnh nhà chị mua với giá chưa đầy 400 triệu đồng, nay đã được rao bán giá 1 tỉ đồng. Còn lô đất 54 m2 sau lưng nhà chị năm ngoái kêu giá 15,5 triệu đồng/m2 thì hiện tại đã hét giá lên đến 20 triệu đồng/m2.

"Năm ngoái tôi cũng định mua miếng này, đang do dự thì nay đã tăng thêm 5 triệu đồng/m2. Thời điểm đó tôi mà quyết định mua, năm nay cũng được hơn 250 triệu đồng tiền lời rồi" - chị Nguyệt tiếc nuối.

Nhân viên môi giới bất động sản (BĐS) tên Vũ Thế Anh chia sẻ hiện giờ khách hàng đang ráo riết tìm mua đất nền nhưng chủ yếu mua để đầu cơ chứ không phải mua để xây nhà ở. Những lô đất có vị trí xấu hoặc trong hẻm người ta mới rao bán, còn những lô đất vị trí đẹp, mặt tiền đường vẫn đang găm hàng chờ lên giá nữa.

"Nhiều lô mua đi bán lại mấy lần mà vẫn lời. Giá đất tăng nhanh quá, không biết bong bóng sẽ nổ vào lúc nào" - anh Vũ Thế Anh nói vẻ thật lòng.

Giá đất nền đang có dấu hiệu tăng ảo. Trong ảnh: Nhà đầu tư đang tìm mua đất nền tại khu vực gần Bưng Ông Thoàn, quận 9, TP.HCM

Lên cơn sốt bất thường

Công ty CBRE Việt Nam vừa công bố báo cáo cho thấy phân khúc đất nền ở một số khu vực đang trong giai đoạn sốt nóng với mức tăng trung bình 20%-40% trong năm ngoái. Trong đó nóng nhất là ở quận 9, quận Bình Tân, quận 12, huyện Bình Chánh…

Còn theo khảo sát của PV vào cuối tuần qua, giá đất tại một số điểm nóng thuộc khu vực quận 9 như Bưng Ông Thoàn, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh… tăng tới 200%-300% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vì sao giá đất vùng ven lên cơn sốt bất thường? CBRE Việt Nam lý giải việc đất nền tăng giá là do trong năm nay một số dự án hạ tầng đã được hoàn thành giúp tăng cường khả năng kết nối giữa các vùng của TP.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định "giá đất nền tăng mạnh trong thời gian qua sau khi thị trường BĐS đã phục hồi là chuyện dễ hiểu". Tuy vậy, ông Hiển cũng cho rằng từ giữa năm 2015 đến nay mà đất nền tại khu vực quận 9 tăng 100% là hợp lý, nếu tăng lên đến 200%, thậm chí lên đến 300% là bất hợp lý. Với mức giá cao như vậy, mua rồi chờ không biết tới bao giờ mới đẩy được hàng đi với giá cao hơn.

Hơn nữa, mức độ tăng giá phải dựa trên giá trị hữu dụng của đất nền. Nghĩa là khả năng mua đất để xây nhà, cho thuê sẽ đạt hiệu quả lợi nhuận tương xứng thì việc tăng giá đó được xem là phù hợp. Một khi giá đã tăng đến mức bất hợp lý thì sẽ dẫn tới hiện tượng đóng băng trì trệ.

"Bài học về thời kỳ đóng băng năm 2010 vẫn còn nguyên giá trị. Thời điểm đó căn hộ vẫn có thể kiếm khách thuê với lợi nhuận khoảng 4%-5%/năm trong khi đất nền không ai dám xây nhà. Thậm chí có xây nhà cũng chẳng tìm được khách thuê, khiến những người ôm đất nền không có cửa thoát thân" - ông Hiển cảnh báo.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA), khẳng định: "Nguy cơ sốt giá đất và tăng giá ảo đối với toàn bộ thị trường BĐS chưa xảy ra. Nhưng nguy cơ bong bóng đối với đất nền ở các quận ven và một số huyện như quận 9, quận Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi… là hoàn toàn hiện hữu".

Từ thực tế trên, các chuyên gia cho rằng nếu cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn hiện tượng này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường. Chẳng hạn, cách nay 10 năm khi giá BĐS bị thổi lên cao rồi bong bóng vỡ, ngân hàng ôm nợ xấu, nhà đầu cơ phá sản, khách hàng mua đất dở khóc dở cười vì trót ôm giá đất cao ngất ngưởng.

Sập bẫy cò đất

Nhiều ý kiến có chung nhận định giá đất nền đang có dấu hiệu tăng ảo, bị làm giá khiến nguy cơ "bóng ma" bong bóng BĐS quay trở lại.

Tổng giám đốc một công ty BĐS dẫn chứng: Lợi dụng thông tin từ một đề xuất xây dựng "siêu dự án" của một doanh nghiệp, ngay lập tức giới đầu cơ đã tạo cơn sốt đất nền ở quận 12, huyện Củ Chi với mức tăng gấp 3-4 lần so với giá trị thực tế. Thực chất là giới đầu cơ đã tự làm giá để đẩy hàng tồn kho của họ từ trước đến giờ. Thậm chí có tình trạng cò đất dàn cảnh giao dịch trước mặt khách để thổi giá, tạo cho khách hàng tâm lý đất nền đang khan hiếm, nếu không mua ngay sẽ không còn. Chính vì vậy nhiều khách hàng sập bẫy.

Chạy đua đầu tư theo thông tin mơ hồ chỉ làm lợi cho đối tượng duy nhất là cò đất. Trong khi người cuối cùng gánh chịu hậu quả khi cơn sốt đi qua là người có nhu cầu thật. Do đó người dân cần bình tĩnh, đừng mua theo tâm lý bầy đàn, đừng thấy chỗ nào sốt là đổ xô vào mua.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch HoREA

Tin mới lên